Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi: Luật LVN Group, mong Luật LVN Group giải đáp cho tôi vấn đề sau:

1. Vợ chồng tôi là công chức Nhà nước. Thời gian Tháng 12/2020 có góp vốn với 2 người ( Anh A và Anh B) làm công trình điện mặt trời mái nhà công suất 1 MB ( trị giá 12,5 tỷ , toàn bộ vay ngân hàng) và thành lập Công ty TNHH hai thành viên. Tuy nhiên khi thành lập Công ty TNHH hai thành viên , vợ chồng tôi không thể hiện đứng tên hay góp vốn gì trong hồ sơ giấy tờ của Công ty. Theo đó anh A làm chủ tịch HĐQT, Anh B làm giám đốc . Hiện nay khi đã có doanh thu thì thỏa thuận chia tiền lãi theo tỷ lệ anh A: 20%; Anh B: 40%; vợ chồng tôi 40%. Tuy nhiên về lâu dài việc vợ chồng tôi không có gì chứng minh có đống góp vào công ty dẫn đến có thể rủi ro nếu có tranh chấp thì hoàn toàn có thể mất trắng . Công ty tư vấn giúp để nếu có rủi ro, vợ chồng tôi cũng có căn cứ để chứng minh mình có đống góp trong công ty. Tỷ lệ chia như vậy theo thỏa thuận có cần phải luật hóa không.

2. Cũng Anh B ở trên, mẹ anh ấy có miếng đât ( có nhà đang ở ) , Bố anh B đã mât , nhà có 6 anh em. Vợ chồng toii cùng anh A và Anh B có mượn đất để làm công trình điện mặt trời mái nhà khoảng 150KB ( trong thời gian 20 năm ) . Tuy nhiên chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa có giấy tờ gì. Vì công trình sẽ hoạt động trong thời gian khoảng 20 năm nên Công ty tư vấn giúp cần phải làm gì để sau này không bị tranh chấp ( bị đòi lại đất, vì rủi ro có thể xảy ra nếu mẹ anh B mất , anh chị em của anh B đòi lại đất). Khi làm công trình điện 150KB này , phải đăng ký hộ kinh doanh ( dự kiến vợ anh B đứng tên ). Như vậy làm thể nào để thể hiện được vốn góp của vợ chồng tôi .

Mong Luật LVN Group sớm phản hồi!

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Luật cán bộ, công chức 2008

– Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

– Văn bản pháp luật khác;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Trong nội dung của Qúy khách có vướng mắc đến hai tình huống cụ thể, hai tình huống này tách bạch, không liên quan gì đến nhau. Vì vậy, Luật LVN Group trả lời theo từng tình huống cụ thể như sau:

Tình huống 1: Vợ chồng tôi là công chức Nhà nước.

Vợ chồng tôi là công chức Nhà nước. Thời gian Tháng 12/2020 có góp vốn với 2 người (Anh A và Anh B) làm công trình điện mặt trời mái nhà công suất 1 MB (trị giá 12,5 tỷ, toàn bộ vay ngân hàng) và thành lập Công ty TNHH hai thành viên. Tuy nhiên khi thành lập Công ty TNHH hai thành viên, vợ chồng tôi không thể hiện đứng tên hay góp vốn gì trong hồ sơ giấy tờ của Công ty. Theo đó anh A làm chủ tịch HĐQT, Anh B làm giám đốc. Hiện nay khi đã có doanh thu thì thỏa thuận chia tiền lãi theo tỷ lệ anh A: 20%; Anh B: 40%; vợ chồng tôi 40%. Tuy nhiên, về lâu dài việc vợ chồng tôi không có gì chứng minh có đóng góp vào công ty dẫn đến có thể rủi ro nếu có tranh chấp thì hoàn toàn có thể mất trắng. Công ty tư vấn giúp để nếu có rủi ro, vợ chồng tôi cũng có căn cứ để chứng minh mình có đóng góp trong công ty. Tỷ lệ chia như vậy theo thỏa thuận có cần phải luật hóa không .

Trả lời:

Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

4. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:

a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 nêu trên, Qúy khách không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Qúy khách có quyền góp vốn vào công ty, nhưng việc góp vốn không được gắn với việc quản lý doanh nghiệp.

Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thì cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia góp vốn ở loại hình doanh nghiệp này vì loại hình doanh nghiệp này khi tham gia đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên, tức là có vai trò quản lý.

Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là người trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp hoặc giữ vai trò quản lý khác trong công ty.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, Qúy khách có thể đề nghị chuyển đổi công ty TNHH 2 thành viên trở lên sang công ty cổ phần. Sau đó, làm thành viên góp vốn của công ty cổ phần.

Ngoài ra, vào thời điểm hiện tại khi Qúy khách chưa thực hiện được các thủ tục trên, Qúy khách có thể ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Anh A và Anh B. Ghi rõ quyền và nghĩa vụ các bên, tỷ lệ phân chia trong kinh doanh trong hợp đồng.

Câu hỏi 2. Góp vốn kinh doanh

Cũng Anh B ở trên, mẹ anh ấy có miếng đât (có nhà đang ở), Bố anh B đã mât, nhà có 6 anh em. Vợ chồng tôi cùng anh A và Anh B có mượn đất để làm công trình điện mặt trời mái nhà khoảng 150KB ( trong thời gian 20 năm ). Tuy nhiên chỉ thỏa thuận miệng chứ chưa có giấy tờ gì. Vì công trình sẽ hoạt động trong thời gian khoảng 20 năm nên Công ty tư vấn giúp cần phải làm gì để sau này không bị tranh chấp (bị đòi lại đất, vì rủi ro có thể xảy ra nếu mẹ anh B mất , anh chị em của anh B đòi lại đất). Khi làm công trình điện 150KB này , phải đăng ký hộ kinh doanh ( dự kiến vợ anh B đứng tên ). Như vậy làm thể nào để thể hiện được vốn góp của vợ chồng tôi.

Trả lời:

Để đảm bảo diện tích đất không có tranh chấp xảy ra trong quá trình kinh doanh, Anh B và gia đình nên tiến hành thủ tục khai nhân di sản thừa kế (nếu đây là tài sản chung của bố mẹ).

Nếu chỉ là tài sản riêng của mẹ, hiện mẹ đang còn sống thì nên làm hợp đồng thuê, mượn với người mẹ.

Hoặc nếu có thể, B làm thủ tục chuyển nhượng từ tên của người mẹ sang B.

Sau đó, Qúy khách và vợ chồng B làm hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hai bên thỏa thuận rõ quyền lơi, nghĩa vụ, trách nhiệm và phân chia lợi nhuận. Để đảm bảo quyền lợi của Qúy khách.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về việc góp vốn để kinh doanh”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group