Công ty và bên tôi có thỏa thuận sẽ sử dụng chung miếng đất này, tôi vẫn có quyền buôn bán, sinh hoạt bình thường trên miếng đất này, và bên phía công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt như điện, internet mà chúng tôi đã đăng ký sử dụng ngay từ ngày chúng tôi thuê miếng đất. Điều sơ xuất của chúng tôi là không ghi rõ quyền lợi của chúng tôi được hưởng mà chủ tịch hội đồng quản trị hứa trước toàn bộ nhân viên vào hợp đồng thuê đất mà chỉ ghi là sử dụng chung mặt bằng này. Công ty xây dựng thêm phần xưởng và cổng (trong chi phí xây dưng thì chúng tôi cũng là cổ đông lớn, chúng tôi có 20% cổ phần và đồng với 2 người khác, 5 người còn lại thì chỉ có từ 5 đến 10 % cổ phần) và hoạt động đến nay hơn 3 tháng và tôi cũng không thể buôn bán như trước vì họ chiếm dụng mặt bằng trước quán để chứa gỗ. Tôi có nhiều lần nhắc công ty di dời gỗ để tôi buôn bán thì họ cứ hẹn nhưng không làm. Gần đây bên phía công ty yêu cầu chuyển gói cước internet của tôi từ 445.000đ/tháng xuống 200.000đ/tháng.

Tôi không đồng ý vì nó ảnh hưởng đến hệ thống wifi sau này khi tôi bán hàng trở lại, vậy nên họ yêu cầu bắt một đương internet khác của công ty họ và không chi trả cước internet mà trước đó họ sử dụng và ký hợp đồng với chúng tôi. Tôi có yêu cầu nếu như vậy thì nên sửa lại hợp đồng thuê đất thật rõ ràng về việc chi trả tất cả các cước phí, điện, internet, diện tích sử dụng để về sau sẽ không xẩy ra những tranh chấp sau này thì cô kế toán bên phía công ty không đồng ý và từ chối làm việc với tôi. Cô kế toán vẫn quyết định cho người nhà mạng Viettel chạy đường dây mạng mới.

1. Có phải bên phía công ty đã làm sai hợp đồng hay không?

2. Tôi muốn đơn phương kết thúc hợp đồng có được không?

3. Nếu được thì tôi sẽ cần làm thủ tuc hành chính gì? Trong hợp đồng có ghi là nếu lấy lại mặt bằng thì phải thông báo trước 2 tháng

Trân trọng cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật dân sự của Công ty Luật LVN Group.

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung phân tích

1. Có phải bên phía công ty đã làm sai hợp đồng hay không?

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn và phía công ty đã kí hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hai bên có thỏa thuận sẽ sử dụng chung miếng đất này, bạn vẫn có quyền buôn bán, sinh hoạt bình thường trên miếng đất này,phía công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt như điện, internet. Tuy nhiên, những quyền lợi của bạn chỉ là lời nói xuông với các nhân viên, còn sử dụng chung mặt bằng mới được ghi lại bằng văn bản. Vấn đề hiện nay là phía bên công ty đã chuyển gói cước internet của tôi từ 445.000đ/tháng xuống 200.000đ/tháng, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của bạn.

Như vậy, trong trường hợp này vì trong hợp đồng giữa hai bên chỉ bao gồm nội dung là sử dụng chung mặt bằng nên không thể nói bên công ty đã vi phạm hợp đồng.

2. Bạn muốn đơn phương kết thúc hợp đồng có được không?

Căn cứ theo quy định tại bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng như sau:

2.1 Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác

– Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

– Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

– Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

– Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mục đích chính là liên kết của nhóm hợp tác là cùng thực hiện một công việc để mang lại lợi ích cho các thanh viên hợp tác, vì vậy hoa lợi, lợi tức mà nhóm hợp tác thu được sẽ chia cho các thành viên tương ứng với phần tài sản và công sức đóng góp của các thành viên trong việc tạo lập khối tài sản chung. Tất cả các thành viên hợp tác có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề mà nhóm hợp tác sẽ thực hiện theo nội dung của hợp đồng hợp tác. Mặt khác, các thành viên hợp tác có quyền kiểm tra, giám sát hành vi của mỗi thành viên khác trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm hợp tác. Khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nhóm hợp tác mà thành viên có lỗi gây thiệt hại cho nhóm hợp tác thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó. Mỗi thành viên hợp tác phải thực hiện một nhiệm vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác. Khi các thành viên hợp tác thực hiện các công việc được phân công thì phải hoàn thành tốt công việc đó như công việc của thành viên hợp tác đó.

2.2 Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

– Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

– Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

– Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

– Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

3. Nếu được thì bạn sẽ cần làm thủ tục hành chính gì ?

Theo quy định tại điều 510 của Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Rút khỏi hợp đồng hợp tác như sau

– Thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:

+ Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác;

+ Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

– Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia. Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.

– Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều này thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Khi xác lập hợp đồng hợp tác, các thành viên có thể thỏa thuận về điều kiện thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác. Khi một thanh viên rút khỏi hợp đồng hợp tác thì nhóm hợp tác vẫn tồn tại và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã xác lập trước khi thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác. Trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của đa số các thành viên thì thành viên có nhu cầu rút khỏi hợp đồng hợp tác sẽ được ra khỏi nhóm hợp tác. Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản dã đóng góp, có quyền yêu cầu phân chia tài sản trong khối tài sản chung. Mặt khác, các thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác phải thanh toán các nghĩa vụ theo phần của nhóm hợp tác đã xác lập. Người rút khỏi hợp đồng hợp tác đã xác lập các quyền và nghĩa vụ phải thanh toán các nghĩa vụ theo phần của nhóm hợp tác đã xác lập. Người rút khỏi hợp đồng hợp tác đã xác lập các quyền và nghĩa vụ đối với chủ thể trước khi rút khỏi hợp đồng hợp tác khi các thành viên còn lại phải tiếp tục thực hiền quyền và nghĩa vụ đó. Trường hợp thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác mà không thuộc các trường hợp nêu trên được coi là vi phạm hợp đồng hợp tác, cho nên phải chịu các trách nhiệm dân sự theo hợp đồng hợp tác và phải chịu trách nhiệm dân sự khác theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan. 

Theo quy định này thì bạn hoàn toàn có quyền đơn phương kết thúc hợp đồng với phía bên công ty. Tuy nhiên, khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bạn cần thông báo cho phía bên công ty biết về việc chấm dứt hợp đồng. Nếu bạn không thông báo mà phía bên công ty bị thiệt hại thì bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thiệt hại thực tế xảy ra.

Theo thỏa thuận giữa bên công ty và bạn thì khi bạn lấy lại mặt bằng phải thông báo trước 02 tháng. Thì trong trường hợp này, muốn lấy lại mặt bằng bạn sẽ phải thông báo trước 02 tháng.

Bạn cần chuẩn bị những giấy tờ như hợp đồng dân sự mà hai bên đã kí kết, các giấy tờ tùy thân….

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Dân sự – Công ty luật LVN Group