1. Chế độ lưỡng viện là gì ?

Chế độ lưỡng viện là chế độ tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, theo đó cơ quan này gồm có hai viện hợp thành.

Ở những nước mà nghị viện (congreess) được tổ chức theo chế độ lưỡng viện thì một viện gồm những đại biểu được bầu ra theo tỉ lệ dân cư (viện dân biểu hay còn gọi là hạ nghị viện). Còn một viện gồm các đại biểu được bầu ra đại diện cho các đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc được hình thành theo một phương thức riêng (thượng nghị viện). Các đạo luật chỉ được nghị viện (quốc hội) thông qua khi được cả hai viện biểu quyết tán thành.

Cơ quan lập pháp ở một số nước theo chế độ lưỡng viện được tổ chức thành thượng nghị viện và hạ nghị viện (viện nguyên lão và viện dân biểu). Hai viện này có quyền hạn khác nhau nhằm hạn chế lẫn nhau.

Chế độ lưỡng viện được thành lập chủ yếu ở các nhà nước mà việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo nguyên tắc phân quyền. Trừ một số nước ở Bắc Âu, còn hầu hết các nước tư sản đều có tổ chức chế độ lưỡng viện, điển hình là Anh, Mĩ, Pháp.

2. Mô hình và phương thức hoạt động của các quốc gia theo chế độ lưỡng viện

Nghị viện lưỡng viện có thể góp phần ngăn chặn việc thông qua các đạo luật được soạn thảo vội vàng do sự ngẫu hứng nhất thời; tạo điều kiện để thảo luận dự luật kỹ hơn và thẩm định chặt chẽ hơn. Thượng viện có thể tỉnh táo và phát hiện những nhược điểm trong các dự luật chưa được Hạ viện để ý tới. Thượng viện chính là diễn đàn để phản ánh “sự phản biện chín chắn” đối với hạ viện, khoảng thời gian dự luật nằm ở thượng viện có thể tạo cơ hội cho công chúng tranh luận và đóng góp thêm.

Thông thường, số lượng thượng nghị sỹ ít hơn Hạ nghị sỹ, cộng với việc thượng nghị sỹ có nhiệm kỳ lâu hơn, giúp cho quan hệ giữa các thượng nghị sỹ trở nên chặt chẽ hơn. Họ không chịu nhiều sức ép từ cử tri, cho nên có điều kiện dành nhiều thời gian, công sức hơn cho công việc chuyên sâu ở thượng viện. Các thượng nghị sỹ cũng không chịu nhiều sức ép từ các đảng khi thảo luận, biểu quyết, vì Chính phủ đa số không hiện diện tại Thượng viện. Hơn nữa, do ít thu hút sự chú ý của báo chí hơn, thượng viện có điều kiện tĩnh tâm hơn để làm việc.

Mô hình thượng viện có thể tăng các hình thức đại diện so với việc cố gắng đa dạng hóa các hình thức đại diện trong khuôn khổ của một viện duy nhất; tránh được sự chuyên chế của đa số; tăng cường sự giám sát và kiểm soát đối với hành pháp. Mô hình hai viện cũng có thể kiểm soát tốt hơn đối với các nhóm lợi ích mạnh, vì khi quyền lực được chia sẻ giữa hai viện, các nhà vận động hành lang của các nhóm lợi ích mạnh sẽ phải giành được sự ủng hộ của nhiều người lãnh đạo hơn.

Mặt khác, mô hình hai viện cũng có những nhược điểm của mình. Quy trình lập pháp ở các nước theo mô hình Nghị viện hai viện có nhiều điểm phức tạp hơn mô hình Nghị viện một viện. Sự tham gia, kiểm tra của thượng viện làm cho quy trình (lập pháp) được tiến hành dài hơn, với những thủ tục rườm rà hơn. Đối với những nước có mô hình Nghị viện theo kiểu mô hình Nghị viện Anh, Thượng viện thường là viện của tầng lớp quý tộc, và thường chỉ đóng vai trò xét lại các quyết định của viện thứ dân. Một trong những ưu thế và cũng là nhược điểm của mô hình hai viện là giữa hai viện thường có những quan điểm khác nhau về các vấn đề lập pháp, thể hiện tính đại diện cho các nhóm cử tri khác nhau của mỗi viện.

3. Hoa Kỳ – mô hình đặc trưng cho chế độ lưỡng viện

3.1. Cơ cấu tổ chức của Nghị viện Hoa Kỳ

Nghị viện Hoa Kỳ là Nghị viện được tổ chức theo mô hình hai viện: Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
Hạ nghị viện. Theo khoản 2 Điều 1 Hiến pháp 1787, thành viên Hạ nghị viện do nhân dân các bang bầu ra trong cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Số lượng thành viên Hạ nghị viện là 435 đại biểu đại diện cho 50 bang căn cứ vào số dân của bang. Theo quy định của Hiến pháp, nhiệm kỳ của Hạ nghị viện là hai năm bắt đầu từ thời điểm Hạ nghị viện tiến hành kỳ họp đầu tiên.
Thượng nghị viện. Theo quy định tại điểm 1 khoản 3 Điều 1 Hiến pháp 1787, thành viên của Thượng nghị viện do cơ quan lập pháp của các bang bầu ra, nhiệm kỳ sáu năm. Mỗi bang được bầu hai đại biểu. Tuy nhiên, tại Điều khoản sửa đổi thứ 17 của Hiến pháp đã thay thế chế độ thành viên Thượng nghị viện do cơ quan lập pháp của các bang bầu bằng chế độ nhân dân trực tiếp bầu. Theo quy định của Hiến pháp, cứ hai năm một lần lại tiến hành bầu lại 1/3 tổng số thượng nghị sĩ. Vì vậy, trong mỗi cuộc bầu cử, các bang chỉ tiến hành bầu một thượng nghị sĩ. Hiện nay, số thành viên của Thượng viện là 100 đại biểu đại diện cho 50 bang, mỗi bang được cử hai đại biểu không phân biệt dân số mỗi bang.
Cơ cấu tổ chức của Thượng viện và Hạ viện về cơ bản là giống nhau, gồm hai bộ phận sau: bộ phận chính thức được thành lập trên cơ sở luật định, bộ phận không chính thức do các đảng chính trị thành lập. Bộ phận chính thức gồm Chủ tịch viện, Thư ký, các Uỷ ban thường trực, các uỷ ban khác, bộ máy giúp việc. Bộ phận không chính thức cũng gồm hai tổ chức: tổ chức của đảng đoàn đại biểu chiếm đa số ghế và tổ chức của đảng đoàn đại biểu chiếm thiểu số ghế.
Chủ tịch Hạ nghị viện do Hạ nghị viện bầu ra trong số các thành viên của Viện. Thực tế cho thấy, đảng nào chiếm đa số ghế ở Hạ nghị viện thì người của đảng đó sẽ là Chủ tịch viện và thường là người của một trong hai đảng Cộng hoà hoặc đảng Dân chủ. Theo Hiến pháp 1787, Phó Tổng thống đương nhiên là Chủ tịch của Thượng nghị viện. Trường hợp khuyết Phó Tổng thống, Thượng nghị viện sẽ tổ chức bầu Chủ tịch lâm thời trong số các thành viên của mình.

3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Nghị viện

3.2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn chung của Thượng viện và Hạ viện
Với chức năng của một cơ quan lập pháp, hai viện của Nghị viện Hoa Kỳ đều có quyền thực thi độc quyền lập pháp trong mọi trường hợp, đối với mọi lĩnh vực (điểm 17, khoản 8 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ), theo đócó quyền đề xuất dự luật, quyền thông qua các dự luật trước khi trình lên Tổng thống Hoa Kỳ (khoản 7, Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ) (ngoại trừ dự luật về thu ngân sách) và ngay cả quyền bỏ phiếu chống lại các dự án luật (do một trong hai bên thông qua). Như vậy, cả Hạ viện và Thượng viện của Hoa Kỳ đều có quyền đệ trình, thông qua các dự luật, xem xét lại và tiến hành các thủ tục cần thiết để một dự luật được thông qua. Ngoài ra, khoản 8 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ còn liệt kê 18 nhiệm vụ, quyền hạn chung của Nghị viện (Hạ viện và Thượng viện). Nhìn chung, các nhiệm vụ và quyền hạn này tập trung ở một số lĩnh vực sau: lĩnh vực kinh tế (đặt ra và thu các khoản thuế, vay tiền, đúc tiền, đặt ra các hình phạt đối với tội làm trái phiếu giả, in tiền giả, quy định về thương mại với nước ngoài, thiết lập luật thống nhất về các vấn đề phá sản); lĩnh vực quốc phòng, an ninh (tuyên chiến; chuẩn cấp các giấy phép tịch thu và trưng thu để trừng phạt kẻ thù; thiết lập và duy trì hải quân, chu cấp cho quân đội; quy định các luật lệ và quy chế về lục quân và hải quân; triệu tập dân quân của các tiểu bang, trù liệu việc tổ chức; vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dân quân các bang…; quốc tịch (thiết lập quy tắc thống nhất về việc nhập quốc tịch); khoa học công nghệ (thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và công nghệ…); thiết lập hệ thống tòa án (dưới quyền của Tòa án tối cao). Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, khoản 5 – Điều 1 quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của hai viện thuộc Nghị viện Hoa Kỳ, theo đó hai viện này đều có:
(1) thẩm quyền định đoạt về giá trị cuộc bầu cử các thành viên của viện mình ;
(2) tự mình ban hành quy chế về trình tự, thủ tục hoạt động của viện mình;
(3) ấn hành một tờ công báo xuất bản theo định kỳ công bố về công việc mình thực hiện trừ những việc cần phải giữ bí mật. Như vậy, ngoài quyền xây dựng luật, thu thuế thì hai viện của Nghị viện Hoa Kỳ đều có các nhiệm vụ và quyền hạn tương tự như nhau trong phạm vi tổ chức và hoạt động của viện mình.
3.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn riêng của Thượng viện và Hạ viện

– Hạ viện

Hạ viện gồm tổng cộng 435 nghị sĩ và được bầu lại 2 năm một lần. Số nghị sĩ đại diện mỗi bang tương xứng với dân số của bang đó. Hiện California có số đại biểu đông nhất trong Hạ viện với 53 người.

Cũng giống Thượng viện, Hạ viện có quyền đề xuất các dự luật mới hay các sửa đổi luật. Thành viên ở hai viện này đều được bổ nhiệm vào các ủy ban phụ trách các lĩnh vực khác nhau như ngân sách, tư pháp.

Hạ viện có quyền lực đặc biệt: quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, phế truất các quan chức chính phủ, và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

– Thượng viện

Thượng viện thường được coi là có thanh thế hơn một phần là bởi số thượng nghị sĩ ít hơn nhiều so với số hạ nghị sĩ ở Hạ viện. Ngoài ra Hiến pháp Mỹ cũng trao cho cơ quan này những thẩm quyền đặc biệt. Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ đại diện với nhiệm kỳ 6 năm.

Hiến pháp Mỹ trao cho Thượng viện quyền “kiểm tra và cân bằng quyền lực” của các thành phần khác trong chính phủ liên bang với việc phê duyệt các đề cử của tổng thống, trong đó có các đề cử đối với chức vụ như thẩm phán Tòa án tối cao, và quyền bầu Phó Tổng thống trong trường hợp không có ai nhận đa số phiếu đại cử tri. Các thượng nghị sĩ cũng được trao quyền thông qua hay phủ quyết các hiệp ước của Mỹ với nước ngoài.

Thượng viện cũng có vai trò đặc biệt trong các cuộc điều tra cấp liên bang.

Thông qua các quy trình luận tội bắt đầu ở Hạ viện, vấn đề sẽ được gửi tới Thượng viện. Thượng viện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tiến hành xét xử các vụ luận tội. Để luận tội và phế truất tổng thống, cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ.

3.3. Hai cơ quan Thượng viện và Hạ viện thì cơ quan nào quyền lực hơn?

Mặc dù Thượng viện và Hạ viện có vai trò giống nhau là giám sát hoạt động của chính phủ, nhưng những người lập quốc ở Mỹ cũng trao cho họ những thẩm quyền riêng, Ross Baker, một giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Rutgers cho biết.

“Họ có những vai trò riêng biệt. Ở Thượng viện, đó là về việc bổ nhiệm và về các hiệp ước, còn ở Hạ viện là về thuế và chi tiêu ngân sách”, ông Baker nói. Do vậy, việc phân định bên nào quyền lực hơn không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất – kế hoạch luận tội tổng thống – thì dường như không thay đổi.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)