1. Chế độ sở hữu là gì?

Chế độ sở hữu là chế độ pháp lí gồm tổng thể các quy phạm Luật hiến pháp quy định hình thức sở hữu đối với của cải vật chất mà trước hết là các tư liệu sản xuất, các tư liệu sinh hoạt, tiêu dùng và các tài sản khác.

Chế độ sở hữu xuất hiện từ khi xuất hiện nhà nước và pháp luật.

Sở hữu theo C.Mác, là sự phản ánh quan hệ của con người với những điều kiện khách quan của sản xuất và do đó quy định việc phân phối những kết quả của sản xuất. Đó là cách hiểu của C.Mác về sở hữu theo nghĩa rộng. Nhưng C.Mác còn có quan niệm về sở hữu theo nghĩa hẹp, sở hữu tư liệu tiêu dùng, C.Mác gọi là sở hữu cá nhân và sở hữu tư liệu sản xuất với những hình thức khác nhau như sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu xã hội hay là công hữu.

C.Mác còn cho rằng, quan hệ sở hữu là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất, nghĩa là quan hệ sở hữu là quan hệ có tính chất bao trùm lên toàn bộ các quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu thế nào thì các quan hệ sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng sẽ như thế và khi xem xét quan hệ sở hữu phải xem xét toàn bộ hoạt động kinh tế của xã hội.

C.Mác cho rằng, các quan hệ sở hữu tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong tác phẩm “Sự nghèo nàn của triết học”, C.Mác đã viết một câu nổi tiếng là: “Cái cối xay tay đem lại xã hội có vua chúa; cái cối xay chạy bằng hơi nước đem lại xã hội có chủ nghĩa tư bản công nghiệp”1, lực lượng sản xuất nào thì chế độ sở hữu đó. Các kỹ thuật thủ công đẻ ra các chế độ tư hữu tiền tư bản chủ nghĩa, kỹ thuật công nghiệp đưa tới chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa.

Trong Bộ Tư bản, C.Mác đã phân chia tư bản ra làm hai loại: Tư bản sở hữu và tư bản chức năng. Tư bản sở hữu – chủ sở hữu các nguồn vốn được hưởng lợi tức, còn tư bản chức năng – chủ kinh doanh các nguồn vốn được hưởng lợi nhuận. Cách phân chia của C.Mác phù hợp với đời sống thực tế hiện nay – quan hệ sở hữu luôn tách đôi với hai quyền – quyền sở hữu pháp lý và quyền kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay, chủ sở hữu lớn không chỉ sở hữu tư liệu sản xuất mà còn sở hữu vốn. Các ông chủ sở hữu vốn thường không trực tiếp kinh doanh các nguồn vốn, mà nhượng quyền kinh doanh vốn cho các công ty kinh doanh đa dạng. Sự tách rời hai quyền sở hữu về pháp lý và quyền kinh doanh là sự phát triển và tiến bộ của quan hệ sở hữu.

2. Sự phù hợp của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam hiện nay

2.1. Sơ lược về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai là khái niệm dùng để chỉ 1 hình thức sở hữu đối với đất đai mà trong đó toàn dân là chủ thể. Với chế độ sở hữu này, tất cả công dân của một quốc gia đều là chủ thể được công nhận trong quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai thông qua hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo cơ sở pháp lý cho mọi người có quyền sở hữu về đất đai một cách bình đẳng.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh…đều thuộc sở hữu toàn dân”. Các bản hiến pháp sau này đều tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Cụ thể: Điều 53 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Điều 197 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Trên cơ sở đó, Điều 4, Luật Đất đai 2013 ghi nhận: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Như vậy, chế độ sở hữu toàn dân được ghi nhận lần đầu tiên vào Hiến pháp năm 1980. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp, bộ luật, luật đều khẳng định, bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Vậy, trong giai đoạn hiện nay, chế độ sở hữu đó có còn phù hợp hay không? Để trả lời câu hỏi này bài viết cần làm rõ 3 vấn đề: Một là, cơ sở để xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; Hai là, quyền của người sử dụng đất theo quy định hiện hành có đáp ứng được nhu cầu trong giao dịch, đáp ứng những mong muốn của người sử dụng đất trong quan hệ pháp luật về đất đai; Ba là, những vấn đề tồn tại nổi cộm thuộc về tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai hay thuộc về khuyết nhược của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để góp phần khẳng định chế độ sở hữu này vẫn còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Cơ sở để xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

– Về cơ sở lý luận: Chủ nghĩa Mác – Lênin có những chỉ dẫn quan trọng: Vấn đề manh mún ruộng đất, cát cứ, sử dụng không hiệu quả và việc tích tụ, tập trung đất đai là cơ sở hình thành nền sản xuất lớn trong mỗi quốc gia. Và sở hữu tư nhân chính là nguồn gốc của bóc lột và bất công trong xã hội. Nguyên nhân chính của chế độ người bóc lột người là sự tồn tại chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó, đất đai chính là tư liệu sản xuất quan trọng nhất.

– Về cơ sở thực tiễn ở Việt Nam:

Ở nước ta, về lịch sử, quyền sở hữu tối cao về ruộng đất của nhà nước trong khi quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất rất mờ nhạt. Đất đai là tặng vật thiên nhiên, không phải của riêng ai và trong điều kiện lịch sử của Việt Nam thì để bảo vệ đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ là xương máu của bao thế hệ. Về chính trị, Việt Nam đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng một Nhà nước mà ở đó tất cả lợi ích thuộc về nhân dân.

Như vậy, lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng xác lập chế độ sở hữu toàn dân là có cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, khi nước ta cần tập trung để hình thành nền sản xuất lớn, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vẫn còn phù hợp.

2.3. Quyền của người sử dụng đất qua các thời kỳ

Có thể khẳng định rằng, quyền của người sử dụng đất được ghi nhận trong luật đất đai qua các thời kỳ là khác nhau, theo xu hướng mở rộng quyền năng của người sử dụng đất. Cụ thể như sau:

Trong Luật Đất đai năm 1987, người sử dụng đất không có quyền được tham gia thị trường quyền sử dụng đất. Đất ở được sử dụng theo hạn mức diện tích, Nhà nước giao đất cho người có nhu cầu và thu hồi đất của người không còn nhu cầu.

Luật Đất đai 1993 có sự thay đổi theo hướng mở rộng quyền cho người sử dụng đất. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân được thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê đất (từ Điều 74 đến Điều 78).

Điều 106 Luật Đất đai 2003, ghi nhận người sử dụng đất có 10 quyền, bao gồm: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Luật Đất đai 2013 có 8 quyền được ghi nhận tại Điều 167: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

Như vậy, có thể nhận thấy rằng, Luật Đất đai năm 1993 không quy định người sử dụng đất được bảo lãnh, tặng cho quyền sử dụng đất, không quy định người thuê đất được cho thuê lại quyền sử dụng đất và cũng không quy định khi hết thời hạn sử dụng đất mà người sử dụng đất có nhu cầu sử dụng đất và việc sử dụng đất lại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước thì có được Nhà nước tiếp tục giao đất hay không… thì Luật Đất đai năm 2003, 2013 đã bổ sung các quyền này cho người sử dụng đất.

Phải thừa nhận có sự khác biệt về quyền năng của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và người sử dụng đất với tư cách là người trực tiếp khai thác, sử dụng đất. Đó là: Quyền sở hữu đất đai là quyền có trước, còn quyền sử dụng đất là quyền phái sinh; Quyền sở hữu đất đai là một loại quyền trọn vẹn, đầy đủ, còn quyền sử dụng đất là một loại quyền không trọn vẹn, không đầy đủ.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định các quyền tại luật đất đai sau này có nhiều quyền mang tính chất định đoạt tài sản – quyền của chủ sở hữu, nghĩa là việc thực hiện quyền dẫn đến thay đổi người sử dụng đất với tư cách là chủ thể trực tiếp quản lý, khai thác thửa đất, đó là quyền trao đổi, tặng cho, chuyển nhượng, góp vốn, thừa kế bằng quyền sử dụng đất. Nghĩa là Nhà nước đã cho phép người dân được định đoạt tài sản đất đai một cách hạn chế, trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Mặc dù thủ tục thực hiện các quyền nêu trên của người sử dụng đất tuy phức tạp hơn so với việc định đoạt các loại tài sản thông thường khác, nhưng nếu nhìn từ góc độ khoa học pháp lý thì sẽ dễ dàng nhận thấy quyền của người sử dụng đất thực chất là một tập hợp nhiều quyền năng về tài sản, trong đó bao gồm cả quyền định đoạt.

3. Một số hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai

Hiện nay, quản lý đất đai hầu như khâu nào cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Từ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch sử dụng đất; về tổ chức quản lý giao đất, cho thuê đất và quản lý thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất; quản lý thị trường bất động sản; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đến kiểm tra, kiểm soát đất đai. Một hiện tượng nổi cộm gây bức xúc trong dư luận như: Một số dự án lớn sử dụng đất đô thị còn sử dụng hình thức chỉ định thầu, sử dụng đất sai mục đích; phân lô bán nền khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thủ tục tài chính; vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không được xử lý3… Tuy nhiên, cần phải khẳng định đó là hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, không phải là khuyết nhược của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Thời gian đến, việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật đất đai; quản lý chặt chẽ hơn đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất đô thị vì loại đất này có sự biến động lớn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát về đất đai sẽ góp phần khắc phục những khuyết nhược này trong thực tế.