Khái niệm Chi tiêu nhà nước

Chi tiêu nhà nước là chi tiêu do nhà nước tiến hành để đảm bảo điều kiện vật chất trong việc thực hiện các chức năng của nhà nước.

Chi tiêu cơ sở là nhu cầu chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cho từng lĩnh vực đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định và cam kết bố trí nguồn trong dự toán ngân sách của năm trước, đang triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian 03 năm kế hoạch. (Theo Nghị định Số: 45/2017/NĐ-CP)

Hoạt động Chi tiêu nhà nước qua từng thời kì

Chi tiêu nhà nước gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước trong lịch sử. Trong nhà nước chiếm hữu nô lệ và nhà nước phong kiến, các khoản chỉ tiêu của nhà nước với các khoản chỉ tiêu của gia đình vua, chúa phong kiến không có sự tách biệt. Giai cấp tư sản hình thành trong lòng xã hội phong kiến, đại diện cho một lực lượng sản xuất tiến bộ hơn đã tiến hành cuộc đấu tranh buộc nhà nước phong kiến phải thừa nhận các chuẩn mực tài chính quốc gia mới, dẫn tới việc thiết lập ngân sách nhà nước, tách bạch các khoản chỉ tiêu mang tính quốc gia và những khoản chỉ tiêu riêng của gia đình vua chúa phong kiến. Từ khi có ngân sách nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước là nguồn tài chính bảo đảm điều kiện vật chất để thực hiện các chức năng của nhà nước, nên chỉ ngân sách nhà nước đồng nghĩa với chỉ tiêu nhà nước.

Các đạo luật về ngân sách của Nhà nước Việt Nam qua các thời kì đều khẳng định, các khoản chỉ ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Phân loại chi tiêu cơ sở

Chi đầu tư phát triển cơ sở

Là tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và vốn vay nước ngoài theo qui định) cho các chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí (hoặc cam kết bố trí) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm nguồn ngân sách nhà nước, đang triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian 03 năm kế hoạch; cụ thể gồm:

a) Vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách nhà nước theo qui định đến hết kế hoạch năm trước chưa bố trí được nguồn để thanh toán;

b) Vốn thu hồi các khoản ứng trước dự toán để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện theo qui định tại Điều 37 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Vốn đầu tư cho các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới trong năm hiện hành và tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo, bao gồm cả vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn nước ngoài; vốn nhà nước đóng góp để đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP);

d) Vốn thực hiện các khoản chi đầu tư phát triển khác theo qui định của pháp luật.

Chi thường xuyên cơ sở

Là tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã được bố trí trong dự toán ngân sách năm trước, đang triển khai và tiếp tục thực hiện trong thời gian 03 năm kế hoạch; được xác định bằng số dự kiến kinh phí thường xuyên của năm liền trước năm kế hoạch và bù trừ (cộng hoặc trừ) các yếu tố điều chỉnh chi tiêu thường xuyên cơ sở của năm đó, bao gồm:

a) Biến động (tăng, giảm) về chi phí tiền lương, tiền công, các loại phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của người hưởng lương khi được nâng bậc lương, chuyển ngạch công chức, viên chức theo qui định của pháp luật có liên quan, được cấp có thẩm quyền xác nhận;

b) Biến động (tăng, giảm) của đối tượng chi theo các chế độ, chính sách do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được cấp có thẩm quyền xác nhận;

c) Biến động (giảm) của các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã kết thúc, hết hiệu lực thi hành, hay bị buộc phải cắt giảm dự toán theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

d) Thực hành tiết kiệm chi tiêu thường xuyên (giảm) để dành nguồn tăng cho các nhu cầu chi tiêu mới;

đ) Các khoản điều chỉnh khác (nếu có). (Theo Thông tư Số: 69/2017/TT-BTC)

Các điều kiện chi ngân sách nhà nước

a. Khoản chi dự định thực hiện phải có trong dự toán ngân sách được giao.

Lập dự toán ngân sách nhà nước là quá trình xây dựng và quyết định dự toán thu, chi ngân sách của nhà nước trong thời hạn 1 năm. Thực chất bản dự toán ngân sách nhà nước là những chương trình, kế hoạch hay chính sách của nhà nước trong một tài khóa xác định. Dự toán ngân sách rất quan trọng và khá phức tạp, trong đó bảo đảm tính thống nhất, toàn diện và tính cân đối: các khoản chi là mục tiêu phải thực hiện, các khoản thu là phương tiện để thực hiện các mục tiêu đó. Mỗi một khoản chi của ngân sách nhà nước đều hết sức quan trọng và nó tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội…

Việc pháp luật quy định các khoản chi ngân sách nhà nước muốn được thanh toán, chi trả phải có trong dự toán ngân sách được giao là do mọi nhu cầu chi dự kiến cho năm kế hoạch phải được xác định trong dự toán kinh phí từ cơ sở thông qua các bước xét duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ thấp đến cao. Quyết định cuối cùng cho dự toán chi ngân sách nhà nước thuộc về Quốc hội. Chỉ sau khi bản dự toán được Quốc hội thông qua mới trở thành căn cứ chính thức để phân bổ số chi cho mỗi ngành, mỗi cấp.

Hàng năm, các cơ quan đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải lập dự toán trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự toán ngân sách nhà nước của cả nước được Chính phủ tổng hợp trình Quốc hội quyết định. Quốc hội tiến hành phân bổ dự toán ngân sách trung ương; Hội đồng nhân dân các cấp phân bổ dự toán ngân sách của cấp mình. Dự toán chi ngân sách nhà nước được lập dựa vào các căn cứ:

Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác ở trung ương và các cơ quan nhà nước ở địa phương. Cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp và tỷ lệ % phân chia các khoản thu và mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới (trong năm tiếp theo của thời kỳ ổn định). Lập ngân sách nhà nước dựa trên các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành về thu chi ngân sách nhà nước như chi tiền lương, sinh hoạt phí cho cán bộ, .… Đối với các cơ quan thụ hưởng ngân sách, việc lập dự toán ngân sách cho ngân sách của cơ quan phải dựa vào số kiểm tra về dự toán ngân sách được thông báo.

Quốc hội quyết định chi tiết một số nội dung quan trọng trong dự toán ngân sách nhà nước như tổng số chi ngân sách nhà nước trong đó có chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương, quyết định chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi trả nợ…. Có thể thấy rằng, đây là điều kiện ở cấp trung ương đối với các khoản chi. Bởi nó quy định khoản chi đó phải nằm trong dự toán ngân sách – đạo luật ngân sách thường niên mà chỉ cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội có quyền thông qua.

Đối với Hội đồng nhân dân căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương quyết định; dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết. Quy định này đảm bảo các khoản dự định chi sẽ phù hợp với tổng thể các khoản chi khác, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội mà Nhà nước đề ra trong năm ngân sách.

Quy định này tạo ra sự công khai cho việc thực hiện chi ngân sách, tránh xảy ra những việc khoản chi bất minh, chi không rõ mục đích, chi quá gây ra những thất thoát lớn. Tuy nhiên nếu chỉ theo như đúng các khoản được chi trong dự toán được giao thì có khi lại gây ra những thiếu xót bởi không thể dự liệu được hết trước mọi vấn đề có thể xảy ra. Vì vậy mà nhà làm luật đã dự liệu thêm một số ngoại lệ (theo điều 52, 59 của Luật Ngân sách nhà nước)

+) Trường hợp đầu năm ngân sách, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa quyết định dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách thì cơ quan tài chính các cấp được phép tạm cấp kinh phí cho các nhu cầu không thể trì hoãn được( Mức tạm cấp hàng tháng tối đa không quá mức chi bình quân 01 tháng của năm trước, Chi nghiệp vụ phí và công vụ phí…) cho tới khi dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được quyết định. Đây có thể coi là phương án bổ sung mà luật đưa ra cho các chủ thể sử dụng ngân sách áp dụng, tạo sự linh hoạt trong hoạt động của các chủ thể đó khi chưa có dự toán ngân sách, đảm bảo ứng phó kịp thời với các trường hợp xảy ra ngoài dự kiến, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên các chủ thể được tạm cấp kinh phí phải đảm bảo hoàn trả ngay khi dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách được quyết định, nguồn vốn đã được chuyển về. Đây là quy định thể hiện sự linh hoạt của các nhà làm luật, tạo điều kiện để việc thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thụ hưởng ngân sách không bị gián đoạn.

+) Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, có sự thay đổi về thu chi, khoản chi từ nguồn tăng thu so với dự toán được giao và từ nguồn dự phòng ngân sách theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nguồn tăng thu là nguồn thu phát sinh tăng thêm, nằm ngoài dự toán ngân sách vì vậy chi từ khoản này cũng không thể nằm trong dự toán ngân sách. Chi từ nguồn tăng thu ở cấp ngân sách nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền của cấp ngân sách đó quyết định. Số tăng thu này sẽ được sử dụng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, tăng dự phòng ngân sách. Còn các khoản chi từ nguồn dự phòng ngân sách được sử dụng trong trường hợp có nhu cầu chi đột xuất ngoài dự toán ngân sách.

Khoản chi ngoài dự toán này sẽ giúp giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh đột xuất ngoài dự kiến. Trường hợp có nhu cầu chi đột xuất ngoài dự toán nhưng không thể trì hoãn được mà dự phòng ngân sách không đủ đáp ứng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải sắp xếp lại các khoản chi trong dự toán được giao hoặc sử dụng các nguồn dự trữ để đáp ứng nhu cầu chi đột xuất đó.

Đây là điều kiện đầu tiên, quan trọng và cơ bản nhất để thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.

b. Khoản chi dự định thực hiện phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quyết định

Ngoài điều kiện thứ nhất là nằm trong dự toán ngân sách, trong một số trường hợp khác chi ngân sách nhà nước còn phải đáp thêm 1 số điều kiện về chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Nhà nước ban hành các chế độ, định mức về chi ngân sách, tạo cơ sở để quản lý chi ngân sách, tạo cơ sở để quản lý chi ngân sách một cách khoa học và thống nhất. có hai loại định mức chi ngân sách nhà nước:

+ Định mức phân bổ ngân sách. Đây là căn cứ để xây dựng và phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương. Thẩm quyền quyết định mức phân bổ ngân sách theo chế độ hiện hành như sau:

Thủ tướng chính phủ quyết định định mức phân bổ ngân sách nhà nước làm căn cứ để xây dựng và phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào định mức phân bổ ngân sách nhà nước do thủ tướng chính phủ ban hành, khả năng tài chính – ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, quyết định định mức phân bổ ngân sách làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách ở địa phương.

c. Khoản chi dự định thực hiện phải được Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

Các điều kiện cụ thể khác.