1. Chính phủ và quyền con người
Với nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Hiến pháp có thể thấy rằng trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v… Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số 11 nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.
2. Vai trò của Chính phủ trong việc cung cấp các thiết chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Trong bộ máy nhà nước, nếu như ưu thế của Quốc hội là lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao với sự hiện diện của gần 500 đại biểu Quốc hội hoạt động một cách phân tán, chỉ tập trung ở kỳ họp một năm hai lần thì Chính phủ lại có ưu thế là cơ quan được tổ chức thống nhất ở cấp trung ương, hoạt động một cách thường xuyên với mối quan hệ gắn kết giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực và từng chức năng nên thể hiện tính thống nhất, phối hợp giữa các bộ phận vừa đa dạng, cụ thể, lại vừa năng động, dễ thích ứng với sự thay đổi và phát triển của xã hội. Hơn thế nữa, đóng vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, bộ máy của Chính phủ gồm có Bộ và cơ quan ngang Bộ đã tạo ra một thiết chế có khả năng cung cấp các cơ quan thực thi quyền con người và tổ chức thực thi quyền con người một cách toàn diện và hữu hiệu như: quyền con người trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, dân sự, lao động, hành chính, v.v… Tương ứng với các lĩnh vực quyền con người nêu trên, Chính phủ mặc dù thống nhất quản lý song đã thiết lập các cơ quan trong cơ cấu của mình, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm về những ngành và lĩnh vực nhất định như: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, v.v… Trong quá trình phát triển của mình, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức để có nhiều hơn nữa các thiết chế của Chính phủ góp phần phát huy vai trò thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
3. Quyền con người trong lĩnh vực lao động
Theo nghị định số 106/2012/NĐ–CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có vị trí và chức năng sau: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực; Việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cùng với Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn, vệ sinh lao động… ghi nhận, bảo đảm quyền lao động và việc làm. Nhà nước cũng đã triển khai những đề án, kế hoạch nhằm trợ giúp người lao động trong tiếp cận việc làm. Có thể kể đến một số văn bản quan trọng như Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009; Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 (được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012); Chỉ thị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội số 3930/BLĐTBXH-TCDN ngày 21/10/2014 về nâng cao hiệu quả và chất lượng trong thực hiện mục tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật v.v..
4. Quyền con người trong lĩnh vực giáo dục
Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những chương trình hành động lớn và rộng khắp trên thế giới về nhân quyền. Trong nước, giáo dục quyền con người đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục của nhiều nước, tuy có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức hoạt động. Giáo dục quyền con người đã được thực hiện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, từ các trường cao đẳng đến đại học. Thực hiện Chiến lược giáo dục đào tạo, Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017, phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, hoạt động giáo dục quyền con người đã được tăng cường thêm một bước, xét cả về nội dung và phạm vi tổ chức. Mặc dù quyền con người không phải là một phạm trù dễ hiểu nhưng việc giáo dục quyền con người với mức độ nhất định và bằng các phương pháp phù hợp trong các trường cao đẳng, đại học là cần thiết và có thể thực hiện được. Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu như giáo dục nhân quyền ở cấp độ phổ thông nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ hành xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai, thì mục tiêu của giáo dục nhân quyền ở cấp độ đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo cử nhân Luật, trong đó 3 cơ sở đào tạo lớn nhất là Đại học Luật Hà Nội (khoảng 10.000 sinh viên), Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh (khoảng 9.000 sinh viên), Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội (khoảng 3.200 sinh viên). Các cơ sở đào tạo khác là Khoa Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Huế, Khoa Luật – Đại học Cần Thơ, Khoa Luật – Đại học Đà Lạt, Khoa Luật Kinh tế – Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) và Khoa Luật kinh tế – Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh và một số cơ sở đào tạo khác. Trong số này, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội có một môn học riêng về quyền con người, ở các cơ sở khác, sinh viên hiện mới được nghiên cứu các nội dung về quyền con người lồng ghép trong chương trình học của một số ngành luật có liên quan là Luật quốc tế, Luật hiến pháp Việt Nam, Luật hiến pháp nước ngoài. Quyền con người được chú trọng đưa vào thành học phần bắt buộc tại các cơ sở như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Đứng trước xu thế mới, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật tập trung nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về quyền con người. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội đưa vào đào tạo chương trình Thạc sỹ Pháp luật về quyền con người. Đã có nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước thảo luận về vấn đề quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
5. Bảo đảm quyền con người trong phòng, chống tội phạm
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an nhân dân (CAND) là lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền, tự do của con người, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Bảo đảm quyền con người trong phòng, chống tội phạm của CAND thể hiện trách nhiệm của lực lượng CAND nói chung, của từng cán bộ, chiến sĩ CAND nói riêng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Những hoạt động đó góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND gắn liền với các giai đoạn tố tụng hình sự. Mỗi giai đoạn tố tụng hình sự có vai trò nhất định, góp phần giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Các giai đoạn tố tụng hình sự thường được chia thành: Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự; điều tra vụ án hình sự; truy tố; xét xử và thi hành án hình sự. Cơ quan điều tra CAND có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Trong đó, cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập, củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng, đầy đủ tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên, trên cơ sở đó quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự, nhiều biện pháp sẽ được cơ quan điều tra tiến hành để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, kiến nghị các cơ quan, tổ chức áp dụng các biện pháp khắc phục, phòng ngừa tội phạm. Vì thế, các hoạt động bảo đảm quyền con người trong giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng; đòi hỏi cơ quan điều tra CAND vừa phải áp dụng đúng các quy định pháp luật, cung cấp cơ sở pháp lý, cơ sở thực tế cho việc truy tố, xét xử vụ án; vừa phải bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân, không được bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Qua đó, nhằm tăng cường pháp chế, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)