Kinh chào công ty Luật LVN Group, thưa Luật sư của LVN Group, hiện tại tôi đang tìm hiểu quy định pháp luật về Chính phủ. Xin Luật sư của LVN Group cho biết, hình thức hoạt động của Chính phủ là gì? Hoạt động của Chính phủ thông qua những bộ phận nào? Rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Đinh Huấn – Điện Biên

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hành chính của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013

– Luật tổ chức chính phủ năm 2015

2. Chính phủ là gì?

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

3. Hình thức hoạt động của Chính phủ là gì?

Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ quy định hiệu quả hoạt động của Chính phủ được bảo đảm bằng hiệu quả hoạt động của tập thể Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ.

Khẳng định hiệu quả hoạt động thực tế của Chính phủ phải thể hiện qua 03 hình thức:

+ Thông qua phiên họp Chính phủ;

+ Thông qua hoạt động của Thủ tướng Chính phủ;

+ Thông qua hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

3.1. Phiên họp Chính phủ

Theo quy định tại Điều 95 Hiến pháp năm 2013: “Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”.

Điều 43 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 cũng quy định rõ: “Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”.

Hình thức hoạt động của tập thể Chính phủ là phiên họp của Chính phủ. Chính phủ họp thường kì mỗi tháng một phiên. Ngoài ra có thể họp bất thường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, nếu vắng mặt trong phiên họp hoặc vắng một số thời gian của phiên họp thì phải được Thủ tướng đồng ý. Thủ tướng có thể cho phép thành viên vắng mặt được cử cấp phó tham dự phiên họp Chính phủ. Ngoài các thành viên Chính phủ, Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ và Chính phủ có thể mời Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

Khi cần thiết, Chính phủ có thể mời thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự phiên họp của Chính phủ. Các đại biểu được mời dự họp không phải là thành viên Chính phủ có thể được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ chủ tọa các phiên họp Chính phủ. Khi được Thủ tướng uỷ quyền, một Phó Thủ tướng có thể chủ tọa phiên họp.

Phiên họp là nơi tập trung trí tuệ của tập thể Chính phủ, những người trực tiếp nắm quyền quản lí hành chính trên phạm vi một ngành hoặc lĩnh vực nhất định, đồng thời có sự đóng góp ý kiến của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể khi tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn như: chương trình hoạt động hàng năm của Chính phủ, các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trình Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ngắn hạn và dài hạn, các công trình quan trọng, dự toán ngân sách nhà nước; các chính sách cụ thể phát triển kinh tế – xã hội, tài chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các đề án trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, quyết định cơ cấu các cơ quan thuộc Chính phủ, các báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Nội dung phiên họp Chính phủ do Thủ tướng đề nghị và thông báo đến các thành viên Chính phủ.

Các quyết định của phiên họp Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau, thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết (Điều 46 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015). Quy định này thể hiện sự kết hợp chặt chẽ chế độ trách nhiệm cá nhân và tập thể, vừa đề cao vai trò của tập thể Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, vừa đề cao vai trò của Thủ tướng.

Trong hoạt động của Chính phủ nước ta, phiên họp luôn được xác định là một hình thức hoạt động quan trọng. Điều này được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật như: Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960 (Điều 5), Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng năm 1981 (Điều 17), Luật tổ chức Chính phủ năm 1992 (Điều 33), Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 (Điều 33), Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 43).

Để đảm bảo hiệu quả phiên họp Chính phủ, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật, sự cần thiết phải mở rộng thành phần phiên họp, làm tốt công tác chuẩn bị (đặc biệt là đề xuất, xây dựng chính sách, chuẩn bị dự án và các nội dung đưa ra phiên họp), phiên họp cần tập trung giải quyết tốt những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

3.2. Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ. Xuất phát từ mô hình tổ chức Chính phủ ở các nước khác nhau mà có những thuật ngữ khác nhau để chỉ chức danh người đứng đầu Chính phủ. Ví dụ: Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Ba Lan, Italia), Chủ tịch Chính phủ (Cộng hoà Séc, Tây Ban Nha), Bộ trưởng chủ tịch (Bungari)… Ở nước ta, người đứng đầu Chính phủ theo quy định của các hiến pháp có điểm khác nhau: Chủ tịch nước (Hiến pháp năm 1946), Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Hiến pháp năm 1980), Thủ tướng Chính phủ (Hiến pháp các năm 1959, 1992, 2013).

Khẳng định, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng cùng với vai trò của phiên họp Chính phủ, là xu hướng đổi mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013 trên cơ sở kế thừa các hiến pháp trước đó. Nhằm tăng cường vai trò của người đứng đầu Chính phủ, lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận: “Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ”, đồng thời khẳng định rõ hơn việc Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội “về hoạt động của Chính phủ” và “những nhiệm vụ được giao”. Luật tổ chức Chính phủ đã khẳng định đầy đủ và rõ ràng hơn vị trí của Thủ tướng Chính phủ là “người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước” (khoản 2 Điều 4).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013 và Chương III Luật tổ chức Chính phủ năm 2015. Với quy định này, cho phép phân định rõ ràng hơn quyền hạn của tập thể Chính phủ với quyền hạn của cá nhân Thủ tướng. Quyền hạn của Thủ tướng được quy định khá cụ thể, rõ ràng và có phần mở rộng như đề cao quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo việc: xây dựng chính sách, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng nền hành chính quốc gia; chỉ đạo đàm phán, kí kết, gia nhập các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Theo Điều 98 Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng có quyền hạn sau:

– Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật;

– Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;

– Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;

– Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc kí, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

– Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;

Cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 lần đầu tiên quy định Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ, quyền hạn mới. Đó là lãnh đạo, chỉ đạo chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các quy định của pháp luật và các chương trình, kế hoạch, chiến lược của Chính phủ trên các lĩnh vực quản lí; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lí các vị phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài; cho từ chức thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; đình chỉ công tác chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đình chỉ, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới; quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định giao quyền chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp khuyết chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…

Để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, văn bản của Chính phủ, ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật và kiểm tra việc thực hiện văn bản đó.

Bên cạnh việc đề cao vai trò của Thủ tướng, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng. Khi Thủ tướng vắng mặt, một Phó Thủ tướng được Thủ tướng uỷ quyền thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ, đồng thời bổ sung thêm quy định: “chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công”.

3.3. Hoạt động của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Ngoài vai trò của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng góp phần quan trọng vào hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Theo Điều 95, Điều 99 Hiến pháp năm 2013, vai trò lãnh đạo của bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ xác định rõ: Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ và cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lí nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, Hiến pháp xác định rõ: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ; phải báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lí. Đây là quy định mới khẳng định sự kết hợp chặt chẽ giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể của các thành viên Chính phủ, nhằm xây dựng Chính phủ hiện đại, dân chủ, gần dân.

Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 đã lần đầu tiên phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với hai tư cách, một là tư cách thành viên Chính phủ, hai là với tư cách người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, với tư cách là thành viên Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Tham gia giải quyết các công việc chung của tập thể Chính phủ;

+ Cùng tập thể Chính phủ quyết định và liên đới chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ;

+ Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản pháp luật cần thiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

+ Chủ động làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về công việc của Chính phủ và công việc khác có liên quan;

+ Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao;

+ Tham dự phiên họp Chính phủ và tham gia biểu quyết tại phiên họp Chính phủ; thực hiện các công việc cụ thể theo ngành, lĩnh vực được phân công hoặc ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật, việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền (Điều 33).

Với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của bộ, cơ quan ngang bộ;

+ Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt, các nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ giao;

+ Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu;

+ Đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức thứ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công;

+ Ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công;

+ Thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lí công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;

+ Quyết định phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lí theo phạm vi lãnh thổ; phân cấp, ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị trực thuộc;

+ Quyết định chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và các định mức kinh tế – kĩ thuật của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền;

+ Quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành, tổ chức sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

+ Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỉ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc;

+ Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc;

+ Quản lí và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và tài chính, ngân sách nhà nước được giao;

+ Quyết định biện pháp tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực được phân công;

+ Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lí nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, TANDTC, VKSNDTC, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội;

+ Giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lí;

+ Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Điều 34 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015).

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lí các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập