1. Nhiệm vụ của Chính phủ

Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

– Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

– Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội;

– Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;

– Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính kinh tế – xã hội đặc biệt; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng Nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định;

– Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

– Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;

– Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Dân chủ trực tiếp ở Việt Nam

Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam không có bề dày truyền thống về thực thi dân chủ nói chung, dân chủ trực tiếp nói riêng. Nguyên nhân chính là nền lập hiến – nền tảng cho các cơ chế dân chủ hiện đại – của Việt Nam rất non trẻ (mới chỉ bắt đầu từ năm 1946). Thêm vào đó, chiến tranh khốc liệt kéo dài và những đặc thù về tổ chức nhà nước cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức, thực thi hiệu quả các hình thức dân chủ.

Về mặt pháp lý, bên cạnh việc khẳng định thiết chế dân chủ đại diện, các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 của Việt Nam đều đã quy định một số hình thức dân chủ trực tiếp.

Xét trên phương diện lập pháp, trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước tới nay cũng chưa có văn bản pháp luật nào được xây dựng riêng để cụ thể hóa các hình thức dân chủ trực tiếp, kể cả hai hình thức phổ biến là trưng cầu ý dân và bãi miễn đại biểu dân cử. Sự bất cập của hệ thống pháp luật là nguyên nhân khiến cho tất cả các hình thức dân chủ trực tiếp cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ ở Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam có vị trí rất thấp trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có tên trong bảng xếp hạng của IDEA về thực hiện dân chủ trực tiếp. Mức độ thực thi dân chủ trực tiếp của Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực châu Á (đứng thứ 22/32 nước được khảo sát).

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở ra triển vọng cho việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp ở Việt Nam trong những năm tới. Cùng với việc tái khẳng định các quy định về trưng cầu ý dân, bãi miễn đại biểu dân cử và quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội của người dân như đã nêu trong các Hiến pháp 1980, 1992, Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định cụ thể rằng, nhân dân có hai phương thức thực hiện quyền lực nhà nước là bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Điều 6). Thêm vào đó, nó cũng tái quy định quyền cho ý kiến về dự thảo hiến pháp của nhân dân (Điều 120 khoản 3) mà đã từng được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, đồng thời ấn định trách nhiệm của Nhà nước phải: “…tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28). Những quy định mới này cho thấy ý định của các nhà lập hiến là củng cố nền tảng hiến định về dân chủ trực tiếp ở nước ta, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để thực thi các quy định đó trong thực tế.

3. Vai trò của chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp

Chính phủ có vai trò trong việc tạo điều kiện pháp lý, đảm bảo tính công khai trong hoạt động để người dân dễ dàng thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của mình.

Thực tiễn cho thấy, các quyển tự do, dân chủ của nhân dân gắn liền với các quyền về chính trị, quyền văn hóa, quyền dân sự và kinh tế. Trong hệ thống các quyền đó, quyền chính trị càng được mở rộng thì càng thể hiện tính dân chủ của nhà nước pháp quyền XHCN. Trong nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mang tính chất cốt lõi của một Chính phủ vì dân đó là việc Chính phủ đó công khai tới mức nào hoạt động của mình cho nhân dân. Đây vừa là nhu cầu của nền dân chủ, vừa là yêu cầu có tính sống còn của Chính phủ trong nhà nước pháp quyền XHCN. Tính công khai, minh bạch của nhà nước pháp quyền XHCN không đồng nhất với đòi hỏi tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước phải được công bố công khai trước dân chúng. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền tiếp cận công lý của công dân và tổ chức sẽ phụ thuộc vào độ mỏ của các thông tin trong tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền hoặc thời điểm và đối tượng được tham gia các giai đoạn tố tụng. Điều này đòi hỏi pháp luật phải là một đại lượng công bằng nhất, phân định quyền của công dân và trách nhiệm của nhà nước trong việc công khai hoạt động của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính hay hành chính tư pháp, v.v…

4. Dân chủ trực tiếp ở một số nước Đông Nam Á

Dân chủ trực tiếp (DCTT) cũng được đề cập trong Hiến pháp của nhiều quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ví dụ, Hiến pháp Indonesia (1945), Malaysia (1957), Brunei (1959); Hiến pháp Myanmar (2008), Hiến pháp Camphuchia năm 1993; Hiến pháp Lào năm 2015; Hiến pháp Singapore năm 1965; Hiến pháp Thái Lan (2017). Trong số các bản Hiến pháp này, ngoại trừ Brunei, Hiến pháp của các nước còn lại đều thể hiện và bảo đảm cho người dân được hưởng quyền trưng cầu ý dân.

– Hiến pháp Campuchia và Thái Lan quy định các quyền công dân trong lĩnh vực chính trị như quyền không phân biệt giới tính khi tham gia vào các hoạt động của chính quyền; quyền đề xuất ý kiến để trưng cầu ý dân về hoạt động chính trị, văn hoá, kinh tế, các vấn đề xã hội.

– Hiến pháp năm 2017 của Thái Lan nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng, cơ chế kiểm soát tham nhũng, trong đó khẳng định vai trò của người dân tham gia chống tham nhũng.

– Hiến pháp Indonesia xác định nguyên tắc công dân có quyền bình đẳng trong việc tham gia chính quyền….

5. Dân chủ trực tiếp ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cũng được coi là quốc gia tiêu biểu trong việc thực hiện DCTT. DCTT cũng được thực hiện ở Hoa Kỳ từ rất lâu và hiện vẫn đang được thực hiện một cách phổ biến hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, DCTT chỉ được thực hiện ở cấp bang.

Về mặt pháp lý, mặc dù DCTT với tư cách là một nguyên tắc lập pháp chưa được ghi nhận trong Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng lý thuyết về DCTT đã được hiện thực hóa ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Cuộc đấu tranh cho các quyền dân sự và công bằng xã hội đã diễn ra trong nhiều thế kỷ ở Hoa Kỳ và trong quá trình đó, DCTT đã được vận dụng như là một công cụ pháp lý quan trọng thực hiện quyền lực nhân dân. Ví dụ, thông qua hình thức trưng cầu ý dân, toàn bộ các bang phía Tây của Hoa Kỳ trao quyền bầu cử cho phụ nữ; ở bang Oregon, việc trưng cầu ý dân đã dẫn tới việc xóa bỏ hình phạt tử hình và áp dụng chế độ làm việc 8 tiếng tuần và quy định mức lương tối thiểu của người lao động…

Xét về mặt lịch sử, các yếu tố DCTT cũng đã có truyền thống lâu đời ở Hoa Kỳ. Một hình thức được gọi là “town hall meetings” (các cuộc họp ở tòa thị chính) – một loại hình hội nghị công dân, đã được thực hiện từ khi nước này còn là một thuộc địa của Anh. Năm 1778, cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên đã được tiến hành ở cấp bang – đó là một cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp ở bang Massachusetts. Năm 1898, bang South Dakota đã ghi nhận trưng cầu ý dân không bắt buộc và sáng quyền nhân dân trong Hiến pháp của mình. Năm 1902, Nghị viện bang Oregon cũng thông qua quy định tổ chức trưng cầu ý dân bắt buộc về sửa đổi Hiến pháp. Năm 1911, bang California cũng ghi nhận các hình thức DCTT.

Từ 1898 đến 1918, 24 bang của Hoa Kỳ đã ghi nhận trưng cầu ý dân và sáng quyền nhân dân trong Hiến pháp của mình. Dù vậy, sau năm 1918, việc thiết lập các hình thức DCTT trở lên chậm hơn. Năm 1959, bang Alaska đưa vào áp dụng sáng quyền nhân dân,các bang tiếp theo là Florida vào năm 1972 và Mississippi vào năm 1992…

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)