1. Khái quát

Trên thực tế, con người khó có thể tự mình tổ chức và triển khai thực hiện các quyền của mình nếu không tách khỏi sự quản lý và tác động của Chính phủ. Bồi lẽ, Chính phủ vừa là thiết chế có cơ cấu tổ chức được trang bị các thẩm quyền quản lý thiết yếu, cụ thể, Chính phủ lại có trong tay một số lượng đông đảo các cán bộ, công chức được đào tạo và tuyển dụng khắt khe, kỹ lưỡng. Như vậy, với đội ngũ cán bộ, công chức hùng hậu và chuyên nghiệp cùng với việc xác lập chế độ công vụ trong sạch, hiệu lực và hiệu quả chính là tiền đề để các quyền con người và quyền công dân được bảo đảm và thúc đẩy trong thực tiễn.

2. Chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Ngày 01/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mục tiêu của việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nghị định quy định 4 nguyên tắc, gồm:

– Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.

– Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

– Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

– Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đối tượng, điều kiện đào tạo:

Về đối tượng, điều kiện đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và phải có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.

Về đào tạo sau đại học, cán bộ, công chức phải đáp ứng điều kiện: Có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ; không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức gồm: Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nếu tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì phải đền bù chi phí đào tạo.

Ngoài quy định đối tượng, điều kiện đào tạo, Nghị định cũng quy định cụ thể về hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, có 4 hình thức bồi dưỡng: Tập sự; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 1 tuần/1 năm; một tuần được tính bằng 5 ngày học, một ngày học 8 tiết).

Nội dung bồi dưỡng gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.

3. Ví dụ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về quyền con người

Triển khai Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2016 và Quyết định số 1028/QĐ-BTP ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc mở Lớp bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho công chức Bộ Tư pháp. Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, ngày 07/12/2016, Học viện Tư pháp phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho công chức Bộ Tư pháp.

Lớp học có tổng số 47 công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Tham gia lớp học, các học viên được bồi dưỡng chương trình thiết thực, phù hợp với hoạt động thực tiễn. Đây là chương trình đã được khảo sát lấy ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất nội dung các vấn đề cần được bồi dưỡng, Học viện Tư pháp và Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp xây dựng dự thảo nội dung chương trình và kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng.

4. Ví dụ về việc đưa quyền con người vào chương trình giáo dục

Thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính Phủ; Cục đào tạo – Bộ công an tổ chức biên soạn tài liệu, tập huấn đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục CAND; góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ CAND về quyền con người, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm quyền con người khi thực thi nhiệm vụ.

Dưới sự trình bày của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, lớp tập huấn đã được tiếp cận và cập nhật các thông tin căn bản từ lý luận đến thực tiễn về thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên thế giới và Việt Nam qua các chuyên đề như: Một số lý luận về quyền con người và giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay; Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quyền con người; Các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự; Công ước về quyền dân sự, chính trị và việc thực thi ở Việt Nam; Các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, Các kỹ năng cần thiết của một nhà giáo dục quyền con người…và các báo cáo chuyên đề, thực tế liên quan.

5. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi quyền con người

Việc hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, việc giáo dục quyền con người phải được tiến hàng một cách thường xuyên, liên tục để tất cả cán bộ, người dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán với những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người của các thế lực thù địch có âm mưu chống phá.

Đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi quyền con người tại Việt Nam. Bên cạnh đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần tiếp tục nghiên cứu từng bước xây dựng và biên soạn tài liệu giảng dạy, mở các khóa bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.

– Thực hiện giáo trình mới về lý luận và pháp luật về quyền con người, giảng dạy cho các lớp cao cấp lý luận tại hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị;

– Chỉnh sửa, bổ sung nội dung quyền con người vào chương trình trung cấp lý luận chính trị;

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ của các cơ quan Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cán bộ trong các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng;

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho cán bộ thực thi pháp luật, lực lượng vũ trang, quân nhân chuyên nghiệp, bộ đội biên phòng, lực lượng công an, thẩm phán, kiểm sát viên…;

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho nhà báo, cán bộ quản lý các cơ quan truyền thông, báo chí;

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho các Luật sư của LVN Group, luật gia…

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp; gắn vai trò, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh với bảo vệ quyền con người;

– Biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho giới văn nghệ sỹ, bác sỹ…

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)