1. Chính phủ – nhiệm vụ và quyền hạn
Vị trí pháp lý của Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam được Hiến pháp trang trọng ghi nhận tại Điều 109: “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Trên cơ sở vị trí pháp lý mà Hiến pháp đã ghi nhận, Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
+ Lãnh đạo công tác của các bộ, các cơ quan ngang bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; hương dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
+ Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;
+ Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội;
+ Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, các dịch vụ công; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;
+ Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;
+ Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
+ Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong bộ máy nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
+ Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
+ Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; thống nhất quản lý công tác thi đua khen thưởng;
+ Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố’ trực thuộc trung ương;
+ Phối hợp với uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương của đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.
2. Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người
Với các nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên có thể thấy rằng trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là một cơ quan giữ vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Bởi lẽ, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người chỉ được đi vào đời sống khi Chính phủ triển khai thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể và thiết thực trong phạm vi quyền hạn của mình. Chính phủ với chức năng vừa là thiết chế chấp hành của Quốc hội, vừa là cơ quan có nhiệm vụ tổ chức điều hành hoạt động hành chính của Nhà nước giữ vị trí trung tâm của việc thực hiện quyền hành pháp. Trong đó, mối quan hệ giữa người dân với cơ quan thực hiện quyền hành pháp được xem là mối quan hệ có tính phổ biến. Trong mối quan hệ giữa người dân với Chính phủ và đội ngũ cán bộ công chức trong Nhà nước XHCN được xác định là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Chính phủ tổ chức các hoạt động quản lý xã hội, quản lý đất nước nhằm mục đích đảm bảo các quyền cơ bản của con người và quyền của công dân trên mọi lĩnh vực của đối sống như kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, v.v… Mặc dù Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định trong số 11 nhiệm vụ và quyền hạn, chỉ có một nhiệm vụ là: “Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình song cần thấy rằng, tất cả các nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ chính là nhằm một mục đích lớn lao là thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu và tiêu chí của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang triển khai thực hiện.
3. Xây dựng thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quyền con người
Chính phủ không chỉ là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện pháp luật về quyền con người mà Chính phủ là cơ quan có vai trò chỉ đạo, phối hợp công việc giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Điều này có nghĩa là cần phải có sự nhận thức lại chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Chính phủ quản lý song không phải Chính phủ làm các công việc sự vụ. Chính phủ chỉ đạo và điều hành hoạt động hành chính, còn Nhà nước đảm bảo cho hoạt động hành chính của Nhà nước mang tính liên tục và thông suốt. Do đó, vai trò của Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều hành các hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo quyền con người chủ yếu tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
4. Chính sách giáo dục quyền con người
Việt Nam luôn xác định giáo dục quyền con người là một trong những biện pháp thực thi quyền con người. Bởi vì, giáo dục là công cụ chuyển tải những kiến thức cơ bản về các quyền con người, hình thành ý thức tôn trọng quyền con người. Ở Việt Nam, giáo dục quyền con người không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn được xem là nhiệm vụ tự thân xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Quan điểm này đã được nhắc lại trongChỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó xác định: giáo dục quyền con người là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với việc đưa giáo dục quyền con người lồng ghép trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngày 5-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân… làm tiền đề cho việc xây dựng các chương trình giảng dạy khung của các bậc đào tạo trong cả nước.
5. Chính sách xóa đói, giảm nghèo
Từ quan niệm nhân quyền luôn thuộc về nhân dân và vì nhân dân, bên cạnh rất nhiều chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng xã hội học tập, phát triển hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, đường sá, lưới điện quốc gia trên cả nước, phát triển văn hóa nghệ thuật,… được Chính phủ triển khai rộng khắp trong nhiều năm, thì thời gian qua, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người nghèo, người yếu thế, các đối tượng chính sách… càng được tập trung đẩy mạnh. Đây là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững, là chương trình mang tầm quốc gia, thể hiện tính nhân văn của chế độ xã hội và truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc. Dù ngân sách còn nhiều khó khăn song Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước, liên tục chỉ đạo nhằm thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Trong năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm ưu tiên nguồn lực hơn, đầu tư trọng tâm với mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn. Những chương trình của Nhà nước cùng sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo với các hình thức khác nhau, đã đưa tới kết quả là tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm; hơn 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 170 nghìn ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng; cùng với người dân tộc thiểu số và hộ nghèo được hưởng 100% bảo hiểm y tế (BHYT), 2.327.000 người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT. Việc cải cách thủ tục, quy trình khám, chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong tiếp cận các dịch vụ y tế cao, năm 2019 đã sử dụng khoảng 32.300 tỷ đồng chi sự nghiệp y tế (chiếm khoảng 35%) để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách tham gia BHYT, góp phần để đến tháng 6-2020, BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số…