1. Khái quát chung

Nhằm thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu thì đối thoại chính trị là một trong những phương thức quan trọng. Phản chiếu tính đa cực trong đời sống quốc tế ngày nay, Liên minh châu Âu đã tăng cường các hoạt động tham vấn đối với các quốc gia ngoài Liên minh trên tất cả các chủ đề, trong đó có vấn đề quyền con người.

Quyền con người là chủ đề được đề cập trong các phiên họp giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia ngoài Liên minh. Thêm vào đó, các đối thoại đặc biệt về quyền con người đã tăng lên với các đối tác hiện tại. Hình thức thực hiện thì rất đa dạng nhưng đểu có mục tiêu là tăng cường khả năng thực thi và chia sẻ thông tin. Những hướng dẫn của Liên minh châu Âu về đối thoại nhân quyền đã chỉ ra các khuyến nghị tốt nhất trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động trong 15 năm qua. Một trong những chủ đề chính trong các hoạt động đối thoại của của Liên minh châu Âu chính là sự tham gia của xã hội dân sự.

Điều khoản về quyền con người luôn được đánh già là điều khoản nhạy cảm trong thỏa thuận của Liên minh châu Âu với hơn 120 quốc gia. Mục tiêu của điều khoản này là ràng buộc quyền con người vối các yếu tố then chốt của mỗi thỏa thuận. Yêu cầu này đã mở ra khả năng tái xem xét các thỏa thuận trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng và lâu dài các quyền con người. Trong năm 2009, Liên minh châu Âu đã bổ sung điều khoản này khi phê chuẩn thỏa thuận vối Albania và ký một thỏa thuận với Indonesia.

2. Liên minh châu Âu và các đối tác

Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đã gia nhập Đối tác chiến lược với các quốc gia có mối quan hệ đặc biệt bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, ấn Độ, Nhật Bản và CHLB Nga. Theo đó, đã chỉ ra các nền tảng đa dạng cho các vấn đề về quyền con người, cho dù đạt được những hiệu quả khác nhau, chẳng hạn như:

– Hoa Kỳ: “Đối tác chiến lược đã chỉ ra các nội dung thích hợp cho những thảo luận về các vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền con người và chống chủ nghĩa khủng bố;

– Trung Quốc: quyền con người đã có vai trò quan trọng trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng như thông qua các cuộc đối thoại về quyền con người bắt đầu từ năm 1995;

– CHLB Nga: Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và CHLB Nga được thiết lập trên bốn nội dung chính, trong đó có tự do, an ninh và công lý bao gồm cả vấn đề bảo vệ các quyền con người.

Trong các trường hợp đặc biệt, khi các quan sát viên của Liên minh châu Âu phát hiện có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế, quyền con người hoặc các nguyên tắc dân chủ thì Liên minh châu Âu có thể áp dụng các biện pháp hạn chế. Đó có thể là các biện pháp bao vây, cấm vận đối vối các chính phủ, các thực thể phi nhà nước hoặc cá nhân và có thể bao gồm cấm vận vũ khí, hạn chế về thương mại (dừng xuất khẩu và nhập khẩu), hạn chế về tài chính, hạn chế về nhập cảnh hoặc các biện pháp phù hợp khác.

3. Liên minh châu Âu và Việt Nam

Ngày 19/2/2020, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về quyền con người.

Việt Nam và EU đánh giá cao những tiến triển vững chắc trong quan hệ đối tác giữa hai bên, đang được đẩy mạnh hơn với việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU.

Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người kể từ Vòng Đối thoại trước.

Trong bối cảnh đó, EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và quan tâm về các vấn đề Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Phía EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.

Hai bên khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các bên liên quan trong việc đóng góp tích cực cho xã hội, kể cả trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) và EVFTA.

EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.

Đối thoại cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên.

Hai bên bày tỏ hài lòng về các hoạt động hợp tác gần đây, như dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh Hiệp định EVFTA. Trong bối cảnh đó, hai bên đã trao đổi về những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, đặc biệt liên quan đến biến đổi khí hậu và các nhóm dễ bị tổn thương.

4. Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Các cơ chế quốc gia bảo vệ quyền con người, nếu xét theo nghĩa rộng, rất đa dạng. Về lý thuyết, các cơ quan nhà nước có chức năng duy trì ổn định, trật tự xã hội và bảo đảm quyền của người dân. Các chính quyền dân chủ tồn tại để phục vụ nhân dân, do đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có chức năng bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, chính các cơ quan và viên chức nhà nước cũng đồng thời là chủ thể chính vi phạm quyền con người, vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các cơ quan độc lập hoặc bán độc lập với bộ máy nhà nước để tăng cường hiệu quả của việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Dưới đây khái quát một số dạng chính của các cơ quan quốc gia quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (national institution on the protection and promotion of human rights hoặc national human rights institutions – NHRIs) mà đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới.

5. Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights)

Thiết chế này thường bao gồm nhiều thành viên đại diện cho nhiều nhóm xã hội, nghề nghiệp. Tên gọi của thiết chế này có thể khác nhau giữa các nước, ví dụ như Ủy ban/Trung tâm Quyền con người quốc gia, Ủy ban quyền con người và bình đẳng…Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của thiết chế này cũng khác nhau giữa các nước. Ví dụ, nó có thể được quy định trong Hiến pháp (Philipines, Thailand…), bằng một đạo luật cụ thể (Malaysia…), bởi một nghị quyết của Nghị viện (Danmark..), hoặc theo một quyết định của Tổng thống (Indonesia…).

chức năng cơ bản của các ủy ban quyền con người quốc gia là bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người bản địa…Có những ủy ban được giao thẩm quyền xử lý tất cả vi phạm các quyền được nêu lên trong Hiến pháp, trong khi một số khác chỉ có thẩm quyền xử lý những vi phạm về chủng tộc, tôn giáo, giới, quan điểm chính trị…Một chức năng quan trọng nữa của các ủy ban quyền con người quốc gia là tiếp nhận, điều tra và giải quyết những khiếu nại của các cá nhân và các nhóm về những vi phạm quyền con người theo pháp luật quốc gia.

Bên cạnh các chức năng kể trên, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia được giao thẩm quyền nghiên cứu chính sách và hoạt động liên quan đến quyền con người của chính phủ để phát hiện những hạn chế và đề xuất các biện pháp khắc phục và thúc đẩy sự tiến bộ.

6. Thanh tra Quốc hội (Ombudsman)

Cơ chế Ombudsman xuất hiện đầu tiên tại Nghị viện Thụy Điển vào năm 1809. Thuật ngữ “Ombudsman” có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển (có nghĩa là người đại diện). Tại một số quốc gia, Ombudsman tương đương với thanh tra Quốc hội hoặc thanh tra nhà nước. Ombudsman có một bộ máy giúp việc, thường gọi là Văn phòng Ombudsman.

Chức năng chủ yếu của Ombudsman là giám sát sự công bằng và hợp pháp của bộ máy hành chính công. Cụ thể, văn phòng Ombudsman có trách nhiệm bảo vệ quyền của những người là nạn nhân của những hành vi, quyết định của cơ quan hành pháp. Do đó, ở các nước có định chế này, Ombudsman thường được coi là trung gian hòa giải giữa cá nhân có quyền bị xâm phạm với chính quyền. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Ombudsman như là một cơ chế quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (Danmark, Sweden, Austria, Spain, Venezuela …)

Một số quốc gia có quan chức chuyên trách về nhân quyền với tên gọi khác. Chẳng hạn như Cao uỷ Nhân quyền của Nghị viện Ukraina (Ukrainian Parliament Commissioner for Human rights): Điều 55 Hiến pháp quốc gia này quy định: Mọi người có quyền khiếu nại đến Cao uỷ Nhân quyền Quốc hội.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)