Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi công ty luật LVN Group!

Tôi có 1 vấn đề cần Luật sư của LVN Group tư vấn như sau: Thời gian vừa rồi tôi có phát hiện chồng tôi và đồng nghiệp cũng là bạn thân của tôi có quan hệ bất chính với nhau. bằng chứng tôi có được là đoạn ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa chồng tôi và đồng nghiệp của tôi (cô S). Trong đoạn ghi âm cuộc nói chuyện đó có rất nhiều vấn đề liên quan:

– Chồng tôi và cô S lo sợ sự việc 2 người đi nhà nghỉ quan hệ lộ ra ngoài, bàn nhau tìm cách lấy máy tính của tôi để tiêu hủy bằng chứng.

– Thời gian trước khi tôi biết sự việc đó, cô S có xúi bẩy chồng tôi và vu khống tôi ngoại tình để chồng tôi về nghi ngờ tôi, khi đó vợ chồng tôi xảy ra mẫu thuẫn rất lớn vì chồng tôi nghe lời cô S nghi ngờ tôi ngoại tình. Sau khi tìm hiểu sự việc không đúng chồng tôi có khai ra rằng cô S nói với chồng tôi như vậy để khiến chồng tôi nghi ngờ tôi.

Sau hôm đó hiệu trưởng có đề nghị cô Phó hiệu trưởng gọi tôi và cô S đến nhà để giải quyết tình cảm, trong cuộc nói chuyện đó cô S và chồng cô S có xác nhận là cô S có đi nhà nghỉ với chồng tôi, nhưng không hề tỏ thái độ có lỗi và không muốn xin lỗi tôi về sự việc đó, cuộc nói chuyện rất căng thẳng và không có kết quả.

Sau đó tôi có làm đơn đề nghị nhà trường giải quyết. Khi nhà trường họp để giảng hòa tôi có trình bày sự việc như trên, còn cô S lại khẳng định trước nhà trường rằng cô S không đi nhà nghỉ với chồng tôi mà cuộc nói chuyện đó chỉ là trêu đùa quá chớn. Trong thời gian này cô S còn thuê người hack zalo của tôi để đọc tin nhắn (tôi có bằng chứng). Tiếp đến lần giảng hòa thứ 2 cô S vẫn khẳng định cuộc nói chuyện đó chỉ là trêu đùa quá chớn chứ cô S không đi nhà nghỉ với chồng tôi. Cuộc họp giảng hòa cũng không có kết quả. Sau đó cô S có nói rằng sẽ làm đơn lên công an đề nghị giải quyết việc tôi phát tán đoạn ghi âm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, và uy tín của cô S. Vậy tôi có những câu hỏi sau đây kính mong công ty giải đáp rõ giúp tôi:

1. Đoạn ghi âm mà tôi có được là cuộc nói chuyện giữa chồng tôi và cô S đang lo sợ sự việc bại lộ, nếu cô S kiện tôi ra tòa về việc phát tán làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín thì có đúng và đủ cơ sở hay không?

2. Tôi không biết từ ai mà đoạn ghi âm bị phát tán ra ngoài, khi tôi gửi cho cô G và anh em trong gia đình để làm bằng chứng chứng tỏ rằng tôi không ngoại tình mà do cô S cố tình nói xấu, đặt điều với chồng tôi khiến chồng tôi và mọi người nghi ngờ tôi. Vậy việc tôi gửi cho anh em trong gia đình để minh oan cho mình là có chính đáng hay không?

3.Ngoài cuộc ghi âm nói chuyện và những lời khai của chồng tôi trước gia đình, tôi có đủ cơ sở để làm rõ việc cô S phá hoại hạnh phúc gia đình tôi hay không?

Kính mong công ty luật LVN Group giải đáp cụ thể sớm nhất qua email giúp tôi để tôi có hướng xử lý cụ thể hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

– Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

– Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức;

– Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu hỏi 1. Nếu cô S kiện tôi ra tòa thì có đúng và đủ cơ sở hay không?

Trả lời:

Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Theo quy định này, bất kỳ cá nhân nào cũng đều được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Nếu “cô S” kiện Qúy khách ra tòa vì cho rằng Qúy khách đã phát tán đoạn ghi âm nói chuyện với chồng Qúy khách thì phải có đủ căn cứ khởi kiện. Trong trường hợp này, “cô S” phải có những căn cứ:

Thứ nhất, Căn cứ cho rằng Qúy khách là người phát tán nội dung này;

Thứ hai, việc phát tán nội dung này có ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của “cô S”.

Nếu “cô S” không có chứng cứ chứng minh được hai nội dung trên thì không có căn cứ khởi kiện Qúy khách.

Câu hỏi 2. việc tôi gửi cho anh em trong gia đình để minh oan cho mình là có chính đáng hay không?

Trả lời:

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, theo quy định này thì Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Do đó, trong trường hợp này việc trao đổi điện thoại của chồng Qúy khách với “cô S” là nội dung trao đổi thông tin riêng tư, được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc phát tán cuộc trao đổi riêng tư này khi chưa có sự đồng ý của chồng và “cô S” là không phù hợp với quy định của Điều 38 Bộ luật dân sự 2015.

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Câu hỏi 3. Theo quy định của ngành giáo dục và quy định của Đảng cô S vi phạm ở mức độ nào?

Trả lời:

Theo thông tin Qúy khách cung cấp, “cô S” có những lời nói vô văn hóa trước mặt học sinh, ngoài ra cô S còn là một Đảng viên. Vì vậy, cô S vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, cụ thể “cô S” đã không lịch sự, văn minh khi nói vô văn hóa trước mặt học sinh. Cụ thể vi phạm Khoản 3 Điều 5 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành:

Điều 5. Lối sống, tác phong

3. Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.”

Hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP

Điều 16. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;..”

Do đó, “cô S” có thể bị Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách vì không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Câu hỏi 4. Tôi có đủ cơ sở để làm rõ việc cô S phá hoại hạnh phúc gia đình tôi hay không?

Trả lời:

Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.

Như vậy, để tố cáo hành vi của “Cô S” vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì Qúy khách phải có căn cứ để chứng minh việc “cô S” và chồng Qúy khách mặc dù cả hai đã có vợ, có chồng nhưng vẫn sống chung với nhau như vợ chồng.

CÂU HỎI BỔ SUNG:

Xin cảm ơn quý công ty, tôi xin có thêm vài vấn đề muốn được quý công ty giải đáp rõ giúp tôi ạ?

1. Về việc cô S kiện tôi phát tán ghi âm thì căn cứ cụ thể tôi là người phát tán phải là căn cứ như thế nào ạ? Và nếu ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm cô S thì những bằng chứng như thế nào được cho là ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cô S ạ?

Trả lời: Căn cứ phải là những gì có thật, chứng mình rằng Qúy khách là người phát tán. Nó có thể được hiển bằng: Hình ảnh, âm thanh, lời khai…

Ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm có thể hiểu rằng: Việc phát tán này khi được phát tán ảnh hưởng uy tín, đến lợi ích, đến tinh thân của “cô S”. Tuy nhiên, theo quan điếm của Luật LVN Group trong trường hợp này rất khó để “cô S” chứng minh điều đó.

2. Việc ghi âm bị phát tán, tôi chỉ gửi cho 1 người bạn thân, chồng tôi và 2 người em trong gia đình và những người đó xác nhận là không gửi cho ai khác, và khi gửi cho những người đó tôi được sự đồng ý của chồng tôi thì có phù hợp với quy định của Điều 38 Bộ luật dân sự hay không?

Trả lời:

Trong trường hợp này việc trao đổi điện thoại của chồng Qúy khách với “cô S” là nội dung trao đổi thông tin riêng tư, được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc phát tán cuộc trao đổi riêng tư này khi chưa có sự đồng ý của chồng và “cô S” là không phù hợp với quy định của Điều 38 Bộ luật dân sự 2015.

Như Luật LVN Group đã phân tích, nội dung cuộc trò chuyện này là cuộc trò chuyện giữa chồng Qúy khách và “cô S”. Do đó, đây được coi là thông tin riêng tư của cả hai. Trong tình huống này, theo quan điểm của Luật LVN Group dù Qúy khách có thể có hành xử chưa phù hợp với Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 thì “cô S” cũng khó có thể khởi kiện Qúy khách về hành vi này. Vì thực tế hành vi này chưa nhìn thấy thiệt hại xảy ra cho “cô S”.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về hôn nhân và gia đình”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group