1. Thuật ngữ “quyền con người”
Trong lịch sử chính trị tư tưởng của nhân loại, thuật ngữ “quyền con người” vẫn thường được sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất về thuật ngữ này. Phải đến thế kỷ XVII, XVIII, quyền con người mới được các nhà tư tưởng bàn đến như một học thuyết. Chính cách tiếp cận khác nhau đã dẫn tới những định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights). Các cuộc tranh luận về quyền con người thường tập trung vào vấn đề: Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Có hai cách tiếp cận vấn đề này. Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh thuộc tính tự nhiên của các quyền con người, đã là con người thì có các quyền. Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh thuộc tính nhân tạo của quyền con người, cho rằng các quyền của con người là do con người thỏa thuận với nhau hoặc do nhà nước quy định.
2. Quyền con người là gì?
Nhân quyền (hay quyền con người; tiếng Anh: human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã đưa ra một nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho sự thành lập chính phủ dân chủ. Các chính phủ trong thể chế dân chủ không ban phát các quyền tự do cơ bản mà Jefferson đã nêu, mà chính các chính phủ đó để bảo vệ các quyền tự do đó – các quyền mà mọi cá nhân “hiển nhiên có” do sự tồn tại của mình.
Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.
3. Quyền con người ở Việt Nam được quy định như thế nào?
Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm. Cùng với việc ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, Đảng và Nhà nước ta đã thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người như Công ước quốc tế về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, Công ước về quyền trẻ em năm 1989, Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006 v.v… và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình và tiến bộ xã hội của toàn nhân loại. Tiếp tục kế thừa và phát triển những quy định của các bản Hiến pháp trước đây về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 đã có những đổi mới căn bản, quan trọng cả về cơ cấu, bố cục, cách viết và nội dung liên quan đến quyền con người.
4. Cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người mang tính nhà nước – Thể chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người
Quyển con người – giá trị chung của nhân loại, thành quả của cuộc đấu tranh gian khổ, bền bỉ của nhân loại cần được bảo đảm, bảo vệ thông qua việc ban hành một hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.
Ở góc độ Hiến pháp, quyền con người cần được công bố long trọng trong Hiến pháp. Trong bản Hiến pháp cần thể hiện rõ cam kết của Nhà nước, các cơ quan nhà nước, công chức, nhân viên nhà nước về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Quyền con người không thể được bảo đảm, bảo vệ trong một quốc gia mà quyền lực công cộng không được giới hạn, không được kiểm soát. Giới hạn của quyền lực công chính là quyền con người. Quyền lực công phải bị giới hạn, được giới hạn để bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Một khi quyền lực công không bị giới hạn sẽ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân. Bởi vậy, bên cạnh việc khẳng định quyền con người, cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người từ phía Nhà nước, Hiến pháp phải tạo ra được cơ chế kiểm soát việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước theo những nguyên tắc tiến bộ đã được thừa nhận chung trên thế giới.
Sau Hiến pháp, các luật trong từng lĩnh vực chuyên ngành cần thể hiện rõ yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đây, có một vấn đề cần đặc biệt chú ý: Khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ, chính phủ) thường nghiêng về góc độ muôn tạo thuận lợi cho mình trong hoạt động quản lý, không loại trừ cả trường hợp về bảo vệ lợi ích của ngành, của nhóm mà họ đã đưa ra các quy định hạn chế, ngăn cản người dân tiếp cận các quyền của mình. Để hạn chế nguy cơ này, trong ban soạn thảo cần thu hút các chuyên gia từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Trong quá trình soạn thảo cần tham vấn chuyên gia. Các dự thảo cần đăng tải công khai để người dân đề đạt, thể hiện ý kiến của mình. Các dự thảo luật cần được thẩm tra kỹ tại các ủy ban của Quốc hội và tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các đại biểu quốc hội có ý thức trách nhiệm cao trước cử tri, trước nhân dân cần cân nhắc chu đáo, thận trọng khi biểu quyết thông qua luật.
Ở Việt Nam các đạo luật liên quan đến các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá đã được ban hành khá nhiều. Đó là Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh về thực hành dân chủ ở cấp xã.
Tuy khuôn khổ pháp lý về bảo đảm, bảo vệ quyền con người đã khá hình thành nhưng quá trình xây dựng và hoàn thiện các thể chế vẫn cần được tiếp tục. Luật Bầu cử cần được sửa đổi để cử tri thực hiện được quyền tự do lựa chọn đại biểu xứng đáng, để họ có thể thực hiện quyền bãi nhiệm những đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ. cần tiếp tục soạn thảo và thông qua Luật Tiếp cận thông tin để bảo đảm quyền được thông tin của mọi người trong xã hội. Luật Trưng cầu ý dân cũng là một đạo luật cần thiết để các công dân trực tiếp thực hiện được quyền phúc quyết, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật cần xây dựng và thông qua chiến lược hoặc chương trình quốc gia về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Trong chương trình này cần xác định được những công việc cần làm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và nguồn lực cần có để bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Theo tôi, trong từng giai đoạn cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước mà xác định một số công việc cần phải làm để bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Không nên đưa ra một chương trình quá đầy đủ, quá toàn diện nhưng tính khả thi thấp. Đề ra kế hoạch, chương trình mà không thực hiện được thì càng giảm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền.
5. Cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người mang tính nhà nước – Thiết chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người
Để thúc đẩy quyền con người cộng đồng quốc tế đã tạo lập ra các thiết chế mang tính toàn cầu và khu vực như hội đồng, ủy ban nhân quyền, tòa án nhân quyền.
Trong từng quốc gia các thiết chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người ngày càng được quan tâm xây dựng, hoàn thiện.
Trước hết, các nhà nước giao nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người cho các cơ quan cơ quan nhà nước hiện hành. Chẳng hạn, cơ quan quản lý trong lĩnh vực công thương có nhiệm vụ tổ chức việc bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; cơ quan quản lý các nguồn tài nguyên cần bảo đảm quyền tiếp cận công bằng của các cá nhân, tổ chức đối với các nguồn tài nguyên; các cơ quan nhà nước đều phải chú trọng đến việc bảo đảm quyền bình đẳng giới, quyền của người khuyết tật, quyển của trẻ em trong tổ chức và hoạt động của mình.
Hiện nay ở Việt Nam đã có một số cơ quan nhà nước chăm lo đến việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, ủy ban Dân tộc là cơ quan có trách nhiệm chăm lo đến người các dân tộc thiểu số, bảo đảm sự phát triển của các cộng đồng dân tộc thiểu số về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo; đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá của các cộng đồng này.
Ban Tôn giáo thuộc Bộ Nội vụ có nhiệm vụ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo của con người; bảo đảm sự hoạt động theo phương châm tốt đời, đẹp đạo của các tôn giáo.
Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội có nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.
Theo Quyết định 1126 Cục Trẻ em là đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em trong phạm vi trách nhiệm của Bộ.
Được biết cơ cấu của Cục Trẻ em gồm có Cục trưởng, 3 Phó Cục trưởng và 7 phòng chức năng trong đó có Phòng Bảo vệ trẻ em; Phòng Chăm sóc trẻ em; Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (đơn vị sự nghiệp).
Như vậy, ở nước ta đã có một số cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền của một số nhóm người trong xã hội: nhóm người thuộc các dân tộc thiểu số, nhóm trẻ em
Trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, để thúc đẩy việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người thì việc nghiên cứu thành lập một Hội đồng nhân quyền quốc gia và tiến đến xây dựng một cơ quan cấp bộ về quyền con người là việc rất nên làm.
Một điều rất quan trọng nữa liên quan đến thiết chế tư pháp. Một khi quyền con người, quyền công dân bị vi phạm thì chủ thể bị vi phạm cần được tiếp cận các thiết chế tư pháp một cách thuận lợi, nhanh chóng. Toà án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Trong nhiều trường hợp quyền con người bị xâm hại bởi hành vi của các nhà chức trách, các công chức trong bộ máy nhà nước, bởi vậy, để Tòa án phán xử một cách công bằng thì yêu cầu đặt ra là toà án, thẩm phán phải được độc lập. Cũng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phán xét các hành vi vi hiến, vi phạm quyền con người trong các hoạt động của cơ quan nhà nước.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)