1. Cơ chế bảo trợ quyền con người ở Việt Nam
Nhìn vào bộ máy của Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ Việt Nam có thể thấy rằng cơ quan này không giống với cơ quan bảo trợ nhân quyền dạng hành chính như Nhật Bản, cũng không giống với ủy ban Nhân quyền quốc gia ở các nước phương Tây như Canada, theo nghĩa các cá nhân bị vi phạm nhân quyền không trực tiếp gửi đơn đến Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ. Các vấn đề nhân quyền ở mỗi một ngành là do các ủy viên thuộc ngành đó trong Ban Chỉ đạo Nhân quyền phụ trách.
Ngoài ra, trong thực tế, có rất nhiều hình thức trợ giúp người dân về mặt pháp lý, ví dụ Hội Luật gia Việt Nam có dịch vụ “Trợ giúp pháp lý” nhằm hỗ trợ đồng bào nghèo, các đối tượng chính sách và một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương được tiếp cận với thông tin và dịch vụ pháp lý miễn phí. Theo Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh, hiện tại, Hội có 30 Trung tâm Tư vấn pháp luật ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, hàng năm cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hàng vạn người dân, trong đó phần lốn là người thuộc diện chính sách, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như người nghèo, trẻ em. ở các địa phương còn có nhiều sáng kiến hỗ trợ pháp lý cho người dân, ví dụ “Đem luật về làng” là tên gọi của Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng với xã Tiên Tiến được chọn là điểm triển khai Đề án. Nội dung triển khai bao gồm các hoạt động như tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, hội nghị tập huấn kỹ năng về hoà giải, xây dựng tủ sách pháp luật, và đặc biệt còn có hộp thư góp ý và đề nghị hướng dẫn giải đáp pháp luật cho người dân tại trụ sở ủy ban nhân dân xã và các thôn. Hai lần một tuần, hộp thư được mở ra và thắc mắc của dân được giải đáp cụ thể bằng hình thức đối thoại. Trong 2 năm (2006, 2007) đã có 223 ý kiến, câu hỏi liên quan đến Luật Đất đai, Hôn nhân và Gia đình, hộ tịch được giải đáp.
Ngoài ra theo Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình PBGDPL từ 2003-2007, đến nay trên khắp các tỉnh, thành phố gần 100% quận, huyện và 80% xã, phường đã thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Tính đến tháng 1 năm 2008, cả nước có 232 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 220 nghìn báo cáo viên các tỉnh, huyện, hơn 87 nghìn tuyên truyền viên cấp xã, phường đóng góp tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý dưới nhiều hình thức: tư vấn pháp luật, kiến nghị các cơ quan Nhà nước giải quyết đơn thư, hoà giải cơ sở…
2. Các cơ quan bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam
Như vậy, ở Việt Nam ngoài tổ chức tòa án các cấp, đã có một ban chỉ đạo về nhân quyền ở trung ương và nhiều tổ chức ngoài nhà nước khác đang hoạt động bảo trợ nhân quyền ở các cấp các ngành được tiến hành thống nhất trong mọi hoạt động hành chính, dưới hình thức xử lý vi phạm pháp luật nói chung, kết hợp với các sáng kiến linh hoạt của địa phương giúp cho công tác bảo trợ pháp lý đạt hiệu quả. Điều này phù hợp với xu hướng “chủ lưu hoá” vấn đề nhân quyển, hay “cách tiếp cận dựa trên quyền”, tức là đưa nhân quyền thấm sâu vào trong mọi hoạt động của xã hội, trở thành yêu cầu đầu tiên quan trọng và cơ bản của mọi hoạt động liên quan đến con người. Với cách tiếp cận dựa trên quyền, vấn đề đặt ra là phải xác định những thực thể có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và đáp ứng đầy đủ quyền con người và buộc họ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ ấy. Theo Raymond Offenheiser Chủ tịch Tổ chức Oxfam, tôn trọng và bảo vệ quyền con người thường được coi là là lĩnh vực của các tổ chức nhân quyển hướng trọng tâm vào quyền công dân và chính trị, trong khi việc đáp ứng đầy đủ các quyền lại được coi là lĩnh vực của các tổ chức phát triển hướng trọng tâm vào quyền kinh tế xã hội, văn hóa. Cách tiếp cận dựa trên quyền hướng vào việc phá vỡ sự ngăn cách này, hợp nhất các thành phần cốt lõi của quyền con người lại với nhau (Raymond Offenheiser, 2006).
3. Ban chỉ đạo Nhân quyền không phải một cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền con người
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ mặc dù có đại diện đầy đủ ở mọi ngành, song chưa phải là một cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền con người, hoạt động của ban chỉ đạo đúng như tên gọi mối chỉ dừng ở mức chỉ đạo cấp trung ương. Vì vậy, để hoàn thiện cơ chế và hoạt động bảo trợ nhân quyền, làm cho công tác này được tiến hành thực tiễn với hiệu quả cao hơn, cần tiến tới xây dựng một cơ quan chuyên trách về bảo vệ nhân quyền nhân quyền theo tinh thần của Hiến chương Asean, giống như cơ quan nhân quyền quốc gia đã hình thành ở các nước trên thế giới trực tiếp xử lý toàn diện những vấn đề vi phạm nhân quyền cho người dân, theo khuyến cáo của Liên hợp quốc. Khuyến cáo này xuất phát từ việc nhận ra bản chất đa tầng trong sự vi phạm, tước đoạt các quyền, từ đó đề cao sự cần thiết phải giải quyết vi phạm quyền một cách có hệ thống, có chiến lược. Bởi vi phạm và cưỡng bức các quyền tồn tại ở mọi cấp độ địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ và toàn cầu và sự vi phạm về quyền công dân, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá thường đan xen với nhau trong các hiện tượng thường thấy trong cuộc sống chứ không đơn giản là những hiện tượng vi phạm từng quyền riêng lẻ.
4. Thiết chế NHRIs mang tính phổ biến trên thế giới
Trên phương diện quốc tế, ngay từ khi thành lập, Liên hợp quốc (LHQ) đã quan tâm và có nhu cầu tiếp nhận sự trợ giúp của càng nhiều càng tốt các chủ thể ở nhiều cấp độ (quốc tế, khu vực, quốc gia) vào hoạt động bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền.
Ở cấp độ quốc gia, các nhà nước là chủ thể có nghĩa vụ chính trong việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền, vừa là thủ phạm chính của các vi phạm nhân quyền, vì vậy, cần một cơ quan tư vấn có tính độc lập tương đối để góp ý và trợ giúp. Các cơ quan nhân quyền quốc gia (National Human Rights Institutions, hoặc National Institutions for Protection and Promotion of Human Rights – NHRIs) được thiết lập để đóng vai trò đó.
Trên thực tế, không có một mô hình chung về NHRIs cho các quốc gia. Mỗi nước có những mô hình NHRIs khác nhau (về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ…). Tuy nhiên, các NHRIs thông thường được thiết lập theo ba hình thức chủ yếu đó là: (i) Cơ quan thanh tra Quốc hội (Ombudsman); Ủy ban nhân quyền quốc gia (National Human Rights Commission/Committee); (iii) Cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể (Specialized Institutions).
Mặc dù tồn tại dưới nhiều hình thức, song các NHRIs đều tuân thủ những nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhân quyền quốc gia (các Nguyên tắc Paris).
Các Nguyên tắc Paris là một văn kiện quốc tế có tính khuyến nghị (không có hiệu lực ràng buộc về pháp lý), được Đại hội đồng LHQ thông qua theo Nghị quyết 48/134 ngày 20/12/1993 tại thủ đô nước Pháp, trong đó xác định một tập hợp những nguyên tắc nền tảng cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các NHRIs trên thế giới.
Về thẩm quyền, theo các Nguyên tắc Paris, các NHRIs phải được pháp luật quốc gia giao quyền và nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền càng rộng càng tốt. Tính độc lập (tương đối) là yếu tố không thể thiếu của các NHRIs. Theo các Nguyên tắc Paris, các NHRIs cần phải có tính độc lập với các cơ quan nhà nước khác; mức độ độc lập càng cao càng tốt.
Không phải tất cả, song khá nhiều NHRIs được giao cả thẩm quyền tiếp nhận và xử lý những khiếu nại, tố cáo về vi phạm nhân quyền. Những NHRIs có thẩm quyền này sẽ được: tiếp nhận bất kỳ khiếu nại, tố cáo nào gửi tới, hoặc chuyển tiếp chúng đến các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định pháp luật; giải quyết các khiếu nại bằng biện pháp hòa giải, bao gồm việc đưa ra những quyết định có tính ràng buộc, trên cơ sở giữ kín thông tin về người khiếu nại; thông báo cho chủ thể khiếu nại các quyền của họ, các giải pháp đền bù có thể và hỗ trợ họ đạt được các giải pháp đó; đưa ra khuyến nghị với bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lập pháp, hành pháp và thực tiễn về nhân quyền.
5. Việt Nam có nên thành lập NHRIs không?
Nếu xét theo các tiêu chí được đề cập ở trên, Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào có thể coi là NHRIs. Cụ thể, Việt Nam chưa có Ủy ban nhân quyền cũng như bất cứ thiết chế nào có thể coi là Thanh tra Quốc hội như ở nhiều nước khác. Mặc dù hiện nay hiểu biết về NHRIs ở Việt Nam đã đầy đủ và chính xác hơn, song vẫn còn tâm lý e ngại nhất định ở một số cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân của tình trạng này, trong đó bao gồm cả việc thiếu chuyên gia làm việc cho các NHRIs, thiếu hiểu biết về vị trí, vai trò, cơ chế tổ chức và hoạt động của các NHRIs nên chưa biết thành lập và vận hành chúng như thế nào…
Một câu hỏi đặt ra là Việt Nam có nên thành lập NHRIs không? Từ những phân tích ở trên về NHRIs và tình hình thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế, có thể thấy, việc thành lập một hoặc một số cơ quan có chức năng của NHRIs ở nước ta hiện là cần thiết và có ý nghĩa nhiều mặt, vì những lý do sau:
Thứ nhất, thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền hiện vừa là một nghĩa vụ quốc tế, vừa là một yêu cầu khách quan để bảo đảm sự tồn tại của các chính thể trên thế giới. Để thực hiện việc này, cần phải có cơ chế và bộ máy phù hợp. Thực tiễn trên thế giới cho thấy các NHRIs là một cấu phần không thể thiếu trong cơ chế, bộ máy đó.
Thứ hai, cũng như các nước khác, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết ngày càng nhiều hơn các vấn đề về nhân quyền ở tất cả các cấp độ, quốc gia, khu vực và quốc tế, đòi hỏi phải sớm hoàn thiện cơ chế, bộ máy hiện có về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền mà hiện đang thiếu một cấu phần cơ bản là các NHRIs.
Thứ ba, với vị thế đặc biệt của nó, NHRIs là cơ quan hữu ích giúp nhà nước giải quyết những yêu cầu khách quan, chủ quan kể trên, vì thiết chế này có thể: (i) cung cấp những tư vấn và trợ giúp độc lập, khách quan, có tính xây dựng cho nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; (ii) đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, làm tăng uy tín của nhà nước trên trường quốc tế; (iii) là đầu mối cung cấp thông tin khách quan, tin cậy cho cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; (iv) làm trung gian giúp giảm thiểu và hóa giải những bất đồng giữa nhà nước và người dân, giữa nhà nước và các tổ chức quốc tế trong vấn đề nhân quyền.
Thứ tư, thành lập NHRIs sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thực tế, Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế về việc thành lập NHRIs trong các lần báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền hai chu kỳ gần đây.
Cụ thể, Việt Nam đã bảo vệ báo cáo UPR chu kỳ I, II, III vào các năm 2009, 2014 và 2019. Tại chu kỳ II và III, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị của các nước, trong đó có khuyến nghị khuyến nghị nghiên cứu và cân nhắc khả năng thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia.
Đồng thời, Việt Nam cũng đồng ý củng cố các cơ quan có thẩm quyền hiện nay, với chức năng được định nghĩa rõ ràng, sẽ tiếp tục được kiện toàn để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tốt hơn.
Ngoài ra, trong 14 cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, cam kết thứ 3 liên quan đến khả năng thiết lập cơ quan nhân quyền độc lập: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố các tổ chức quốc gia bảo vệ nhân quyền, trong đó có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia”.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)