1. Giới thiệu về các quốc gia châu Á

Châu Á hay Á Châu nằm phần lớn ở bán cầu Bắc, có diện tích lớn nhất trong các châu lục trên thế giới. Thiên nhiên của châu Á rất đa dạng. Diện tích châu lục này bao phủ 8,7% tổng diện tích Trái Đất (hoặc chiếm 29,4% tổng diện tích lục địa).

Tuyệt đại bộ phận khu vực châu Á ở vào Bắc Bán cầu và Đông Bán cầu. Đường phân giới châu Á và châu Phi là kênh đào Suez. Kênh đào Suez về phía đông là châu Á. Đường phân giới châu Á và châu Âu là Dãy núi Ural, sông Ural, Biển Cát-xpi, mạch núi Đại Cáp-ca, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, biển Địa Trung Hải và Biển Đen. Mạch núi Ural về phía đông cùng với mạch núi Đại Cáp-ca, Biển Cát-xpi và Biển Đen về phía nam làm thành châu Á. Bốn điểm cực đất liền lớn châu Á là, điểm cực đông là mũi Dezhnev ở eo biển Bering (66°4′45″B, 169°39′7″T), điểm cực nam là mũi Tanjung Piai ở eo biển Malacca (1°16′B, 103°31′Đ), điểm cực tây là mũi Baba ở biển Aegea (39°27′B, 26°3′Đ), điểm cực bắc là mũi Chelyuskin ở eo biển Vilkitsky (77°44′B, 104°15′Đ).

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Israel, Hồng Kông và Ma Cao được công nhận là những quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế công nghiệp phát triển, số còn lại là các nước đang phát triển, trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước đang phát triển có diện tích và dân số lớn nhất trên thế giới. Mặc dù còn tồn tại khoảng cách, tuy nhiên, kinh tế các nước châu Á nhìn chung đều có sự phát triển, tăng trưởng nhất định.

2. Nền kinh tế châu Á

Châu Á là khu vực có GDP danh nghĩa lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng lớn nhất khi tính theo sức mua tương đương (PPP).

Những nền kinh tế lớn nhất ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nga.Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ đã phát triển vượt bậc, cả hai có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 8%. Các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao các năm gần đây ở châu Á bao gồm: Israel, Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Mông Cổ, Uzbekistan, Síp, Philippines, các nước giàu khoáng sản như Kazakhstan, Turkmenistan, Iran, Brunei, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Kuwait, Ả Rập Xê Út, Bahrain và Oman.

Một số quốc gia Trung Đông như Ả Rập Saudi, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, và Oman hay Brunei ở Đông Nam Á dù chưa phải là những nền kinh tế phát triển, song vẫn là những quốc gia có mức sống cao nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào.

Theo dự đoán của các chuyên gia thì GDP danh nghĩa của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025 để trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới. Đến năm 2030, nền kinh tế Trung Quốc tính theo GDP sẽ xấp xỉ với Mỹ, và đạt tới mức tương đương về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tuy vậy, thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn Mỹ.

3. Khu vực ASEAN

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of South East Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng các nỗ lực đều đi đến bế tắc vào giữa thập niên 1980. Phải đợi đến năm 1991, khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do, thì Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN mới hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).

ASEAN có diện tích đất 4,46 triệu km², chiếm 3% tổng diện tích đất của Trái Đất, và có dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới. Vùng biển của ASEAN có diện tích gấp ba lần so với diện tích đất. Năm 2018, tổng GDP ước tính của tất cả các quốc gia ASEAN lên tới xấp xỉ 2,92 nghìn tỷ USD. Nếu coi ASEAN là một thực thể duy nhất thì thực thể này sẽ xếp hạng 5 trong số các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới theo Gdp thực, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Dự kiến đến năm 2030, thực thể này có thể vươn lên thứ 4 thế giới.

Vào ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) được thành lập

4. Châu Á và quyền con người

Châu Á hiện chưa xây dựng được cơ chế nhân quyền liên chính phủ như nhiều khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng và nỗ lực vận động cho một cơ chế nhân quyền chung đang được thúc đẩy.

Trong khi chưa có hệ thống nhân quyền khu vực, một số tổ chức ở châu Á đã nỗ lực hoạt động nhằm khắc phục những thiếu hụt trên lĩnh vực nhân quyền. Năm 2005, tại Pataya, Thái Lan, Hội nghị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) lần thứ 6 đã thông qua Hiến chương Nhân quyền của các dân tộc châu Á. Trước đó, năm 1998, tại Hồng Công, 200 tổ chức phi chính phủ đã nỗ lực cho ra mắt Hiến chương châu Á về quyền con người. Tuy không gây nhiều ảnh hưởng, nhưng những nỗ lực trên cho thấy nhu cầu về việc hình thành một hệ thống nhân quyền khu vực châu Á.

Trong khi các quốc gia châu Á chưa đi đến đồng thuận về quan điểm và việc hình thành cơ chế khu vực châu Á về quyền con người, nhiều tiểu vùng châu Á khác, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á đã và đang xây dựng, hoàn thiện một cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

5. Khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng, hoàn thiện một cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời vào năm 1967 và Hiến chương ASEAN được ban hành vào năm 2008. Cùng với Hiến chương ASEAN, hàng loạt các văn kiện quan trọng khác đã góp phần vào việc hoàn thiện khung pháp luật và thể chế cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở khu vực được xem là năng động nhất trên thế giới hiện nay. Tại Điều 14 của Hiến chương đã xác lập nguyên tắc về việc thành lập cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người liên chính phủ. Các văn kiện quan trọng liên quan, bao gồm: Chương trình hành động Hà Nội (1997 – 2004); Chương trình hành động Vientiane (2004 – 2010); Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ ở khu vực ASEAN (2004); Tuyên bố chống lại việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em ở ASEAN (2004); Khuôn khổ hợp tác ASEAN – UNIFEM (2006); Hợp tác ASEAN – UNIFEM về trẻ em; Kế hoạch hành động ASEAN về trẻ em (1993); Tuyên bố ASEAN về những cam kết về trẻ em ở ASEAN (2001); Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động di trú (2007); Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (2012)…

Trong nỗ lực hướng tới một cộng đồng chung về kinh tế, chính trị vào năm 2015, tháng 9-2009, ASEAN đã ra mắt Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Tháng 4-2010, tại Hà Nội, Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) ra đời, đồng thời thảo luận sớm thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền của Hiệp hội. Những năm gần đây, bên lề các cuộc hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ASEAN đều có một hình thức tập hợp và hoạt động của các tổ chức xã hội dưới hình thức diễn đàn. Tại đây, mọi vấn đề nhân quyền bức xúc đều được đưa ra thảo luận nhằm đi đến kiến nghị tập thể đối với các chính phủ.

Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) là một cơ quan thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cấp tiểu khu vực, được thành lập ngày 23-10-2009 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 họp tại Cha Am Hua Hin, Thái Lan theo Điều 14 của Hiến chương ASEAN: “Phù hợp với mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản, ASEAN sẽ thành lập một cơ quan nhân quyền ASEAN”.

Tuyên bố Cha Am Hua Hin về việc thành lập AICHR ghi nhận rằng AICHR là một bộ phận không thể tách rời của cơ cấu tổ chức của ASEAN, của hợp tác liên chính phủ giữa 10 quốc gia thành viên nhằm xây dựng cơ chế hợp tác khu vực về nhân quyền. Nguyên tắc hướng dẫn cho hoạt động của AICHR là thông qua tham vấn và đồng thuận trong quá trình hoạch định chính sách liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở mỗi quốc gia thành viên và toàn bộ khối ASEAN.

AICHR tiến hành hai cuộc họp thường xuyên hàng năm và các cuộc họp bất thường khi cần thiết. Kể từ năm 2010 đến nay AICHR tiến hành nhiều cuộc họp và đối thoại và đối thoại với Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Ủy ban Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu.

AICHR có chức năng và nhiệm vụ được quy định rõ trong Điều khoản Tham chiếu (TOR) của AICHR bao gồm 14 nhiệm vụ/ thẩm quyền: Xây dựng các chiến lược thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản bổ sung vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; Xây dựng Tuyên bố Nhân quyền ASEAN; Tăng cường nhận thức về nhân quyền giữa các dân tộc ASEAN thông qua giáo dục, nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền thông tin; Thúc đẩy việc xây dựng năng lực hiệu quả của việc thực hiện các nghĩa vụ điều ước quyền con người quốc tế bởi các quốc gia thành viên ASEAN; khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc gia nhập và phê chuẩn các văn kiện nhân quyền quốc tế; Thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các văn kiện ASEAN về quyền con người; Cung cấp các dịch vụ tham vấn và hỗ trợ kỹ thuật về các vấn đề nhân quyền cho các Cơ quan của ASEAN theo yêu cầu; Tham gia vào đối thoại và tham vấn với các Cơ quan ASEAN và các Thể chế gắn với ASEAN, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự; Tham vấn, khi cần thiết, với các thể chế quốc tế, khu vực và quốc gia và các cơ quan hữu quan về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; Thu nhận thông tin từ các quốc gia thành viên ASEAN về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền; Xây dựng các cách tiếp cận và quan điểm chung về các vấn đề quan tâm nhân quyền của ASEAN; Nghiên cứu các vấn đề dựa trên chủ đề về nhân quyền ở ASEAN; Đệ trình một báo cáo hàng năm về các hoạt động và các báo cáo khác khi cần thiết lên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN; Thực hiện bất cứ nhiệm vụ khác nào được giao cho từ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN.

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy chế về tổ chức và hoạt động, AICHR bước đầu đóng góp tích cực vào quá trình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở khu vực ASEAN cũng như tăng cường đối thoại, hiểu biết lẫn nhau về quyền con người giữa các quốc gia thành viên cũng như giữa ASEAN và các tổ chức, thể chế khu vực, quốc gia và quốc tế trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài các tiểu khu vực Nam Á và Đông Nam Á có các cơ chế bảo đảm quyền con người, các tiểu khu vực khác như khu vực các quốc gia Arab ở Trung Đông cũng đã xây dựng được Hiến chương và đang xúc tiến thành lập Ủy ban nhân quyền. Sự phát triển của các cơ chế nhân quyền khu vực góp phần bổ sung và thúc đẩy cơ chế nhân quyền chung của Liên hợp quốc.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)