1. Định nghĩa quyền con người

Trong lịch sử chính trị tư tưởng của nhân loại, thuật ngữ “quyền con người” vẫn thường được sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có quan niệm thống nhất về thuật ngữ này. Phải đến thế kỷ XVII, XVIII, quyền con người mới được các nhà tư tưởng bàn đến như một học thuyết. Chính cách tiếp cận khác nhau đã dẫn tới những định nghĩa khác nhau về quyền con người (human rights). Các cuộc tranh luận về quyền con người thường tập trung vào vấn đề: Quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Có hai cách tiếp cận vấn đề này. Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh thuộc tính tự nhiên của các quyền con người, đã là con người thì có các quyền. Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh thuộc tính nhân tạo của quyền con người, cho rằng các quyền của con người là do con người thỏa thuận với nhau hoặc do nhà nước quy định.

Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý mang tính phổ quát (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm và tự do cơ bản của con người”. Định nghĩa này có thể bị phê phán khi cho rằng quyền con người có sau luật pháp, có sau sự bảo vệ ở phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh tính chuẩn mực chung (phổ quát) của các quyền con người, dễ làm căn cứ cho sự đồng thuận cũng như thuận tiện cho việc vận động các quốc gia tôn trọng các tiêu chuẩn chung trong hoạt động lập pháp và thực tiễn. Bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, ở Việt Nam còn hay sử dụng thuật ngữ “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều có nội hàm như nhau và tương ứng với thuật ngữ “human rights” trong tiếng Anh.

2. Nguồn gốc “quyền con người”

– Nguồn gốc tự nhiên

Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) ‐ tiêu biểu là các tác giả như Zeno (333‐264 TCN), Thomas Hobbes (1588‐1679), John Locke (1632‐ 1704), Thomas Paine (1731‐1809)… cho rằng quyền con người là bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng vì họ là thành viên của nhân loại.

Các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ ai, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào; và không một chủ thể nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tùy tiện tước bỏ các quyền con người.

– Nguồn gốc pháp lý

Những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) gồm Edmund Burke (1729‐1797), Jeremy Bentham (1748‐1832)…, cho rằng quyền con người phải do các nhà nước quy định trong pháp luật; và như vậy, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và những yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của từng xã hội.

Trong bộ luật quyết tế về quyền con người, Liên Hiệp quốc đã, một mặt thừa nhận quyền con người bao gồm các quyền tự nhiên, bẩm sinh không phụ thuộc vào sự ban phát hay tước đoạt của nhà nước; mặt khác, quyền con người là một quan hệ pháp lý, được bảo vệ thông qua pháp luật.

– Nguồn gốc xã hội

Về mặt lịch sử, quyền con người được nhận thức và được thúc đẩy do thực tiễn bị áp bức, bóc lột và bị tước đoạt về quyền trong các xã hội có giai cấp. Như vậy, quyền con người chỉ tồn tại trong xã hội có giai cấp và chỉ mất đi khi các giai cấp và điều kiện tồn tại giai cấp không còn; do đó, quyền con người là một phạm trù lịch sử.

Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người. Chính phẩm giá con người làm nảy sinh những nhu cầu về quyền. Nhưng chỉ khi nào những nhu cầu về quyền này được xã hội thừa nhận và bảo vệ mới trở thành quyền. Với cách hiểu này, quyền con người sẽ tồn tại mãi mãi, gắn liền với sự tồn tại của con người và phát triển cùng với tiến trình văn minh nhân loại.

3. Các thuộc tính của quyền con người

Thứ nhất, tính phổ biến

Tính phổ biến (universal) và tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo thể hiện ở chỗ quyền con người thuộc về tất cả mọi người, không phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, địa vị xã hội, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế, khu vực địa lý. Tính phổ biến là bản chất của quyền con người.

Thứ hai, tính không thể chuyển nhượng

Quyền con người có tính không thể chuyển nhượng (inalienable) vì nó thuộc sở hữu vốn có của con người; không phải là sự ban phát hay tùy tiện tước đoạt. Mọi giới hạn, hạn chế hay tước bỏ quyền của một cá nhân đều phải do pháp luật quy định và chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích chính đáng, tương xứng của cộng đồng hay của cá nhân khác.

– Tính không thể phân chia

Tính không thể phân chia (indivisible) được thể hiện ở chỗ các quyền con người đều có tầm quan trọng như nhau, không có quyền nào được coi là đặc quyền, có giá trị cao hơn quyền khác. Việc tước bỏ hay hạn chế bất kỳ quyền nào đều tác động tiêu cực đến nhân phẩm, giá trị và sự phát triển của con người.

– Tính không thể liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau

Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau (interrelated, interdependent) được thể hiện ở chỗ các quyền con người, mặc dù trong phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực song đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất và chúng luôn phụ thuộc vào nhau. Việc bảo đảm các quyền con người, toàn bộ hoặc một phần, nằm trong mối liên hệ phụ thuộc và tác động lẫn nhau. Sự vi phạm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác, và ngược lại, tiến bộ trong việc bảo đảm một quyền sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tích cực đến việc bảo đảm các quyền khác.

4.Cơ chế xã hội bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Cơ chế xã hội bảo đảm, bảo vệ quyền con người rất đa dạng, phong phú. Cơ chế này phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, truyền thông của mỗi nước. Xu hướng chung ở mọi quốc gia là: Càng ngày các thể chế, thiết chế xã hội càng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Vai trò của các thể chế, thiết chế xã hội trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, các thiết chế xã hội phản ánh ý nguyện của các tầng lớp nhân dân về bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

Thứ hai, các thiết chế xã hội có vai trò giám sát việc thực hiện quyền con người của các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, các thiết chế xã hội góp phần nâng cao nhận thức của con người về quyền con người, ý thức tự bảo vệ quyền của mọi người dân.

Thứ tư, các thiết chế xã hội tạo ra sức ép, tạo ra dư luận xã hội buộc Nhà nước phải quan tâm đến vấn đề quyền con người, buộc phải thay đổi các chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm, bảo vệ tốt hơn các quyền con người.

Các tổ chức xã hội thông qua nhiều hình thức khác nhau để tham gia vào hoạt động bảo đảm, bảo vệ quyền con người như: tập hợp ý kiến, tổ chức hội thảo, trao đổi, tọa đàm về quyền con người, tổ chức đối thoại về quyền con người, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các hội viên khi quyền lợi bị xâm phạm.

Ở Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội đã thể hiện được vai trò của mình trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Ngoài hoạt động tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về quyền con người các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội đã tạo ra dư luận xã hội, buộc các cơ quan nhà nước, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải vào cuộc trong các vụ việc xâm hại bà mẹ, trẻ em; trong trường hợp quyền của người tiêu dùng bị xâm phạm.

Tuy nhiên, một số tổ chức xã hội do bị hành chính hóa, nhà nước hoá nên chưa làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; chưa quan tâm thích đáng đến việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động của các hội viên của mình. Có lẽ, đây là một trong những lý do các hội chưa có sức thu hút hội viên, hội viên chưa thiết tha với hội.

Tham gia tích cực vào việc bảo vệ lợi ích cho các hội viên, bảo vệ quyền con người cần trở thành nhiệm vụ quan trọng, thiết thực của các tổ chức xã hội trong thời gian tới. Với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội vào việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người sự nghiệp thúc đẩy quyền con người Việt Nam trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những thành công to lớn hơn.

5. Thế nào là tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội?

Tổ chức xã hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở ý chí tự nguyện của các thành viên nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Tổ chức xã hội có nhiều loại khác nhau như tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp, sở thích hoặc dấu hiệu khác.

Tổ chức xã hội có các đặc điểm sau:

– Tổ chức xã hội đứng ra nhân danh cho tổ chức của mình trong việc tham gia thực hiện đối với những hoạt động như quản lý nhà nước. Trường hợp pháp luật có quy định thì tổ chức xã hội sẽ nhân danh Nhà nước trong việc hoạt động của tổ chức.

– Các thành viên tham gia trong tổ chức xã hội hoạt động hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện và hoạt động dựa trên một mục đích chung hay đơn giản ở đây là họ thành lập dựa trên nguyên tắc cùng giai cấp, cùng công việc nghề nghiệp của mình.

– Tổ chức xã hội đề ra các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đó và điều lệ của tổ chức do chính các thành viên của tổ chức đó lập nên. Các nguyên tắc, điều lệ này được lập ra phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

– Không như các loại tổ chức khác thường thấy, điểm khác biệt cơ bản của tổ chức xã hội đó là việc hoạt động của tổ chức không vì mục đích lợi nhuận mà mục đích của tổ chức này là để bảo vệ các quyền cũng như những lợi ích của các thành viên trong tổ chức.

Tổ chức chính trị – xã hội là một trong những tổ chức xã hội góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là tổ chức mang màu sắc chính trị, đại diện cho ý chí của các tầng lớp trong xã hội trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Tổ chức chính trị – xã hội là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức xã hội này có điều lệ hoạt động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu các thành viên thông qua. Ví dụ: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chính Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam….

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)