1/ Căn cứ pháp luật
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Nghị định 100/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan
2/ Có được sử dụng sách luật photo không?
Theo những thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin đưa ra hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Sử dụng bản sao của văn bản pháp luật hoặc bản dịch chính thức của văn bản đó
Trong trường hợp này, khoản 2 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về một trong những đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả là:
“Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.”
Các văn bản nêu trên là các văn bản pháp luật thuần túy, do cá nhân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Với những văn bản này, bạn có thể tự do sử dụng bản sao của chúng mà không cần lo lắng có vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ hay không.
- Trường hợp 2: Sử dụng bản sao của sách chuyên khảo về lĩnh vực pháp luật
Những cuốn sách này là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học pháp lý, tổ chức, cá nhân nào cũng có thể sáng tạo ra chúng và in thành sách. Những cuốn sách này nếu đáp ứng đủ các quy định của pháp luật sẽ được coi là tác phẩm khoa học được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đối với trường hợp này, bạn cần lưu ý điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:
“1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;”
Điều luật này được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP như sau:
“Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.”
Như vậy, chỉ khi nào bạn sử dụng các cuốn sách theo đúng quy định pháp luật nêu trên: tự sao chép 01 bản nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu của cá nhân, không nhằm mục đích thương mại thì bạn không phải xin phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, nếu bạn tự sao chép từ 02 bản trở lên hoặc sử dụng bản sao của cuốn sách nhằm mục đích thương mại thì bạn cần xin phép. Nếu bạn không thực hiện đúng như vậy, hành vi của bạn có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo căn cứ tại khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.”
Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số:1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Luật LVN Group biên tập