1. Khái niệm thanh tra chuyên ngành
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.
2. Khái niệm thanh tra chuyên ngành đất đai
Thanh tra đất đai là thanh tra chuyên ngành đất đai. Thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý thuộc lĩnh vực đất đai (Khoản 1 Điều 201 Luật Đất đai 2013)
Cơ quan thanh tra đất đai là cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai trực thuộc hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường (cơ quan quản lí nhà nước về đất đai) có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, của người sử dụng đất trong việc quản lí và sử dụng đất đai; phát hiện, ngăn chặn và xử lí theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí các vì phạm pháp luật về đất đai.
Hệ thống tổ chức của cơ quan thanh tra chuyên ngành về đất đai bao gồm: Ban Thanh tra trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phòng Thanh tra thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất cấp tỉnh và các thanh tra viên chuyên ngành đất đai thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
3. Chủ thể thanh tra đất đai
Chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành đất đai là các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quyền, gồm: Thanh tra bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đất đai. Đây là các cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước.
Chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành đất đai là cá nhân, gồm: Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành: Bộ trưởng, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra sở; những người trực tiếp tiến hành thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra; các thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập.
4. Nội dung thanh tra đất đai
Nội dung thanh tra đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 201 Luật Đất đai 2013 bao gồm:
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp;
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
- Thanh tra việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thanh tra đất đai
Quyền và nghĩa vụ của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành đất đai, quy trình tiến hành thanh tra chuyên ngành đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Đối với chủ thể tiến hành thanh tra:
Chủ thể tiến hành thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, người sử dụng đất, chủ thể khác có liên quan cung cấp tài liệu, giải trình những vấn đề cần thiết phục vụ cho hoạt động thanh tra, ra các quyết định liên quan đến quá trình thanh tra, đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động thanh tra.
Chủ thể tiến hành thanh tra cần xuất trình quyết định thanh tra, giấy tờ hợp lệ phục vụ cho hoạt động thanh tra, thực hiện thanh tra theo đúng trình tự, thủ tục, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các quy định khác theo yêu cầu của quy định pháp luật về thanh tra
Đối với đối tượng bị thanh tra
Đối tượng bị thanh tra có quyền yêu cầu chủ thể tiến hành thanh tra giải thích rõ những yêu cầu về thanh tra; tham gia góp ý kiến trong quyết định thanh tra; có quyền khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định thanh tra hoặc việc thanh tra có sự vi phạm pháp luật về thanh tra, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc đối tượng khác.
Đối tượng bị thanh tra có nghĩa vụ chấp hành theo yêu cầu, quyết định thanh tra, hỗ trợ giúp đỡ hoạt động thanh tra, không được gây cản trở hoạt động thanh tra, thực hiện các nghĩa vụ khác phù hợp với yêu cầu của pháp luật.
6. Phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Như chúng ta đã biết,thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, hoạt động thanh tra được chia thành hai loại hoạt động bao gồm: thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đây là hai hoạt động cơ bản và quan trọng nhất về thanh tra theo quy định của Nhà nước về thanh tra
Một số điểm khác biệt cơ bản giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành để giúp chúng ta phân biệt và hiểu rõ hơn về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như sau:
Thứ nhất, về khái niệm giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
+ Thanh tra hành chính được hiểulà hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ví dụ: Trong quý I/2019, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 62 cuộc thanh tra hành chính và phát hiện 20 đơn vị có vi phạm, vi phạm về kinh tế gần 19 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 28 tập thể và 12 cá nhân.
+ Thanh tra chuyên ngành được hiểulà hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.
Ví dụ: Thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội như: Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội , bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Qua đó, đã chấn chỉnh những tồn tại, vi phạm, đề ra những biện pháp để các đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa.
Thứ hai, về thẩm quyền ra quyết định giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính là Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước cũng có thể ra quyết định và thành lập Đoàn thanh tra.
Ví dụ: Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/4/2016 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, gắn với hướng dẫn, định hướng chương trình kế hoạch thanh tra năm 2018 đối với các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành là Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra, trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở cũng có thể ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
Ví dụ: Ngày 03/01/2018, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-BHXH về kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra năm 2018. Theo đó, năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành tại 30 tỉnh, thành phố (với gần 300 đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám, chữa bệnh); giao cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại 5.396 đơn vị.
Thứ ba, về đối tượng giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Đối tượng của của hoạt động thanh tra hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có quan hệ về mặt tổ chức với cơ quan quản lý.
Ví dụ: Về thanh tra hành chính thì đối tượng thanh tra Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố sẽ là các cơ quan hành chính cấp dưới
Còn đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành là tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực, chuyên môn.
Ví dụ: Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiến hành thanh tra cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện. Vậy đối tượng thanh tra ngành được hiểu là cơ quan cùng ngành như là cấp dưới của cơ quan tiến hành thực hiện thanh tra.
Thứ tư, về phạm vi thanh tra giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Đối với hoạt động thanh tra hành chính : thông thường là việc thanh tra, đánh giá toàn diện, mọi mặt của đối tượng hoặc thanh tra, đánh giá một mặt của đối tượng.
Còn hoạt động thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra trong phạm vi ngành, lĩnh vực, hoạt động chuyên môn.
Thứ năm, về cách thức thực hiện giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Hoạt động thanh tra hành chính được tiến hành bởi các Đoàn thanh tra. Khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính sẽ thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành hoạt động thanh tra.
Còn hoạt động thanh tra chuyên ngành do các Thanh tra viên, người được giao thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành thực hiện trong phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn được giao.
Thứ sáu, quy định về thời hạn thanh tra giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Đối với thanh tra hành chính được chia thành các cấp như sau:
+ Thanh tra Chính phủ tiến hành: Không quá 60 ngày, có thể kéo dài không quá 90 ngày. Trường hợp đặc biệt không quá 150 ngày.
+ Thanh tra Tỉnh, Bộ tiến hành : không quá 45 ngày, có thể kéo dài không quá 70 ngày
+ Thanh tra huyện : Không quá 30 ngày , kéo dài không quá 45 ngày
Đối với thanh tra chuyên ngành:
+ Đối với đoàn thanh tra: Thanh tra cấp trung ương bao gồm bộ, tổng cục , cục thuộc bộ : tiến hành thanh tra không quá 45 ngày, có thể kéo dài không quá 70 ngày. Cuộc thanh tra chuyên ngành do thanh tra sở, Chi cục thuộc Sở tiến hành không quá 30 ngày; nhưng không quá 45 ngày.
+Đối với độc lập :Thời hạn thanh tra chuyên ngành độc lập đối với mỗi đối tượng thanh tra là 05 ngày làm việc , kể từ ngày tiến hành thanh tra. Gia hạn không quá 5 ngày.
Thứ bảy, thành viên trong đoàn thanh tra
Đối với đoàn thanh tra hành chính sẽ bao gồm các thành viên sau:
+Đoàn thanh tra hành chính có Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn Thanh tra.
+Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện những cơ quan liên quan; Trưởng đoàn thanh tra là đại diện cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra.
Đối với đoàn thanh tra chuyên ngành sẽ bao gồm các thành viên sau:
+ Đối với các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quyền, gồm: Thanh tra bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đây là các cơ quan có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý Nhà nước.
+ Đối với chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành là cá nhân, gồm: Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành: Bộ trưởng, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra sở; những người trực tiếp tiến hành thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra; các thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập.
Thứ bảy, chức năng của việc thanh tra giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Trong hoạt động thanh tra hành chính thì việc thanh tra có các chức năng cơ bản như sau:
+ Thực hiện việc thanh tra hành chính ở cấp Bộ sẽ giúp cho việc quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
+ Thực hiện việc thanh tra hành chính ở cấp Sở sẽ giúp cho việc tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.
Trong hoạt động thanh tra, chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành có các đặc điểm sau:
+Thứ nhất, chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành mang tính quyền lực Nhà nước và thực hiện quyền lực Nhà nước để tiến hành các hoạt động thanh tra.
Thanh tra là một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước. Để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, chủ thể tiến hành thanh tra phải tác động tích cực nhằm thực hiện quyền lực của chủ thể quản lý đối với đối tượng quản lý. Tính quyền lực Nhà nước của hoạt động thanh tra thể hiện ở chỗ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ thể tiến hành thanh tra đều có nhiệm vụ, quyền hạn được xác định và khả năng thực hiện những quyền hạn đó.
+Thứ hai, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ thể hiện vai trò chủ thể tiến hành thanh tra chuyên ngành trong giai đoạn lịch sử cụ thể hoặc khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể.
Năng lực chủ thể tiến hành thanh tra của cơ quan thanh tra Nhà nước phát sinh khi cơ quan đó được thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể. Năng lực này được pháp luật của Nhà nước quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực, chuyên môn – kỹ thuật, như bộ, sở.