Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật LVN Group, chúng tôi giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003

2. Nội dung tư vấn:

Khởi tố vụ án hình sự là nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự, không phụ thuộc vào ý muốn bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại, người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Theo đó, Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được quy định như sau: 

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Có thể thấy, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi người bị hại có đơn yêu cầu đối với một tội danh và những tội này thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, luật cũng cho phép người bị hại được quyền rút đơn yêu cầu khởi tố, cụ thể Khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Theo như quy định trên thì luật không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố kể cả tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Đây là điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về rút đơn yêu cầu khởi tố theo yêu cầu bị hại vì khoản 2 Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ cho phép bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm.

Như vậy, quy định mới này của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ áp dụng với một số tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Quy định nhằm thể hiện sự tôn trọng ý chí của người bị hại và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế việc gây thêm tổn thất, mất mát về tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại. 
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group