Em bị nam thanh niên chặn đánh vào trán, nhưng gọi công an, thì khoảng hơn 1 tiếng sau, công an mới đến làm việc, nhưng tất cả cán bộ công an lúc đó đều có uống rượu, khi vào lập biên bản không truy tìm nam thanh niên đánh em, đã bỏ trốn.
Vậy cho em hỏi:
Cán bộ công an không truy tìm người như vậy có đúng pháp luật không? Và chuyện xảy ra đến nay vẫn chưa được giải quyết, vì nhà không khá gì, lúc em bị nạn nằm viện 2 ngày, và phải vay tiền. Khi hỏi công an thì được trả lời là chưa mời được người nữ đi cùng nam thanh niên lấy lời khai, công an làm vậy có đúng luật hay không? Và em phải làm sao để gianh quyền lợi?
Do nam thanh niên không phải cư trú ở địa phương, người nữ thì ở cùng xã, vậy thì pháp luật có quy định thời gian cho công an giải quyết là bao lâu không? Đến nay là 1 tháng 16 ngày em vẫn không nghe công an nói gì, khi em và gia đình ra hỏi thì thái độ nói chuyện không được lịch sự, nạt nộ, nói là chưa tìm được người nữ để làm việc, vậy nếu người nữ trốn vài tháng, thậm chí vài năm, không lẽ công an không làm gì được? Nếu công an không giải quyết em phải làm sao?
Em xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn Luật hình sự của công ty Luật LVN Group.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến (24/7) gọi:1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Luật công an nhân dân 2014.
Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Luật tố cáo 2011.
Luật khiếu nại 2011.
2. Nội dung phân tích:
* Về phía công an:
– Hành vi Công an lập biên bản trong tình trạng say rượu?
Theo quy định của Thông tư 37/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân có quy định những điều cấm đối với công an nhân dân, cụ thể:
Khoản 3 Điều 43.Những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
3. Không ăn, uống ở hàng quán vìa hè; không uống rượu, bia và và các chất có cồn trong giờ làm việc và tại trụ sở cơ quan (trừ trường hợp được phép của thủ trưởng cấp Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trở lên); không sử dụng chất gây nghiện trái phép; không uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; không hút thuốc khi làm nhiệm vụ và ở những nơi có quy định cấm.
-> Khi lập biên bản các cán bộ, chiến sỹ công an đang trong tình trạng say rượu tức là đã có hành vi vi phạm vào điều cấm trong điều lệnh nội vụ đối với Công an nhân dân.
– Việc cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân không tiến hành truy tìm, ngăn chặn hành vi của đôi năm nữ đó cũng trái với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2014.
Khoản 2 Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân.
2. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, loại trừ nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trong các lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, kinh tế, quốc phòng, đối ngoại, thông tin, xã hội, môi trường và các lợi ích khác của quốc gia; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 285 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.:
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
-> Do vậy việc cán bộ công an không truy tìm người như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật.
* Về phía cá nhân bạn:
Nam thanh niên và nữ thanh niên đã vi phạm vào quy định của Luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Bạn là người bị hại trong trường hợp này, đối với tội cố ý gây thương tích, bạn có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự, quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003 để được giải quyết về mặt quyền lợi.
Và việc bạn không được các cán bộ công an giải quyết, do vậy bạn nên nộp đơn tố cáo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 – Luật tố cáo năm 2011: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo:
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;
e) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm đối với việc tố cáo của bạn như sau:
– Khoản 1 Điều 5 – Luật tố cáo năm 2011: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo; bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.
Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo màkhông tiếp nhận hoặc không giải quyết đơn tố cáo của bạn thì:
– Theo Khoản 3 Điều 5 Luật tố cáo năm 2011: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo:
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết theo đúng quy định của Luật này, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Và bạn cũng có thể nộp đơn khiếu nại về hành vi thiếu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo:
– Khoản 1 Điều 7. Trình tự khiếu nại – Luật khiếu nại năm 2011:
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Luật sư Tư vấn Pháp luật – Công ty luật LVN Group