Em có một vấn đề mong Luật sư của LVN Group giải đáp: Các anh tư vấn giúp em vấn đề về đòi nợ tiền tạm giữ cty không thanh toán sau thôi việc của em. Tình trạng của em như sau: Trong thời gian làm việc cty không đóng bảo hiểm xã hội cho em. Ngày 27/01/2014 do có xích mích nhỏ với bảo vệ phó giám đốc đã cho em tạm nghỉ vài ngày để suy nghĩ xem có cộng tác tiếp với công ty hay không.
Sau thời gian em nghỉ đến ngày 7/02/2014 em có gọi điện xin gặp PGĐ để trao đổi về công việc thì em được biết em bị xa thải vì tự ý nghỉ việc vô tổ chức đồng thời bị phạt 1/2 tiền thưởng tết tương ứng 1,5tr. PGĐ nói rằng sẽ có công văn về quyết định thanh lý hợp đồng sớm và thông báo các khoản tiền còn và bị phạt của em về gia đình cho em . Em đã bàn giao tài sản và công việc lại cho cty vào ngày 7/02/2014. Nhưng đến nay là ngày 5/3/2014 em vẫn chưa hề nhận được thông báo hay cuộc gọi nào từ phía công ty. Em được biết về phía công ty thì đã có thông báo trong nội bộ là cắt 1/2 tiền thưởng của tháng 01/2014, yêu cầu bồi thường tiền phí đào tạo 5 triệu đồng và sau đó ngày 10/2 lại có quyết định kỷ luật phạt tiếp em 300.000đ. Nhưng những thông báo đó hoàn toàn không được thông báo đến em dưới mọi hình thức. Hiện nay về phía công ty vẫn còn đang giữ của em khoản tiền là 5,2tr. Em rất mong bên công ty luật sẽ tư vấn giúp em hướng giải quyết để em có thể đòi lại công bằng và số tiền bị mất không đáng có.
Em xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật LVN Group.
Em rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này.
Kính thư,
Người gửi: ĐT Vân
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật lao độngcủa Công ty Luật LVN Group.
Tư vấn pháp luật lao động – Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hổi về công ty chúng tôi! Vấn đề của bạn tôi xin được trả lời như sau:
– Việc bạn nghỉ việc là do phó giám đốc bảo bạn nghỉ, tuy nhiên cuộc đối thoại giữa bạn và phó giám đốc không có ai làm chứng vì vậy việc chứng minh bạn không phải nghỉ việc vô tổ chức là rất khó. Trong trường hợp này, công ty lấy lí do bạn nghỉ việc vô tổ chức từ ngày 27/1 – 7/2 (10 ngày) để sa thải bạn là hợp pháp căn cứ theo quy định tại điều 126 Bộ luật lao động 2012.
“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây
…3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”
Tuy nhiên theo quy định tại điều 125 về các hình thức sử lí kỉ luật không có hình thức kỉ luật phạt tiên nên việc công ty phạt trừ của bạn 1,5 triệu tiên thưởng tết là trái quy định của pháp luật.
– Sa thải là một hình thức chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 36 BLLĐ và khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải có các nghĩa vụ quy định tại điều 47 BLLĐ:
“…2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động…”
Theo quy định của pháp luật lao động thì chỉ khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bạn mới phải hoàn trả chi phí đào tạo, trong trường hợp này có thể coi là chấm dứt hợp đồng xuất phát từ ý chí của người sử dụng lao động nên bạn không có nghĩa vụ phải hoàn trả chi phí đào tạo. Việc công ty phạt tiền bạn 300.000 đồng cũng là trái pháp luật vì trong các hình thức xử lí kỷ luật không có hình thức phạt tiền.
Từ khi bạn nghỉ là ngày 7/2 đến nay là ngày 5/3 là 26 ngày trong khi thời hạn tối đa để người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng lao động là 30 ngày vì vậy bạn chờ thêm đến khi hết thời hạn mà công ty không thanh toán các nghĩa vụ cho bạn thì bạn có thể đòi quyền lợi của mình bằng cách sau:
+ Gửi đơn đến công ty yêu cầu thanh toán nghĩa vụ và đưa ra một thời hạn nhất định nếu hết thời hạn đó mà công ty không thực hiện thì gửi đơn yêu cầu tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết vì tranh chấp của bạn theo điều 201 BLLĐ không thuộc trường hợp bắt buộc qua thủ tục hòa giải.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group