Xong sau đó công ty không chuyển tiền tiếp cho em nữa và sau đó đã đình công cho tới nay. Em có liên hệ với giám đốc công ty nhưng giám đốc cứ hứa hẹn hoài tới nay vẫn chưa xuống công trình để giải quyết. Và bên đối tác người ta đã lấy hết phương tiện máy móc về công ty của người ta (tổng giá trị tài sản gần 200 triệu). Bây giờ công ty nói là em phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó em phải lấy tiền của em trả cho công nhân và chi phí ở công trình nữa. Tính hết chi phí 3 tháng làm việc khoản 50tr nhưng công ty chỉ chuyển cho em có 20tr, em với công ty không có hợp đồng lao động gì hết. Và bây giờ giám đốc điện thoại nói em phải chịu trách nhiệm về phương tiện máy móc đó, trong khi đó công ty ứng tiền bên của đối tác mà không thực hiện theo hợp đồng nên người ta giữ đồ. Mà bây giờ giám đốc điện thoại đe dọa đòi cho người chém em nên em sợ  (vì giám đốc biết nhà em). Và công ty đòi thưa em ra tòa nữa ?

Xin Luật sư của LVN Group cho em lời khuyên. Thành thật cám ơn !

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật LVN Group. Chúng tôi xin được tư vấn như sau: 

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Lao động của Quốc hội, số 10/2012/QH13

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm và đưa người lao động đi làm việc nước ngoài

Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP 

2. Luật sư tư vấn:

Với trường hợp của bạn thì bạn đã làm việc trên 3 tháng, công việc không phải là công việc tạm thời dưới 3 tháng nên công ty phải có nghĩa vụ kí kết hợp đồng với bạn bằng văn bản. Tuy nhiên, bạn và công ty không kí kết HĐLĐ, bạn vẫn đi làm hằng ngày thì bên phía công ty đã vi phạm quy định về giao kết hợp đồng theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”

Do đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì công ty bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.

Mặc dù giữa bạn và công ty không kí kết HĐLĐ nhưng trên thực tế giữa 2 bên vẫn tồn tại mối quan hệ lao động, do đó công ty vẫn phải có nghĩa vụ đảm bảo mọi quyền lợi cho bạn khi bạn đang làm việc tại công ty. Do đó, khi công ty không chuyển tiền tiếp cho bạn, công ty đã vi phạm về trả tiền lương theo quy định tại Điều 95, 96 Bộ luật Lao động năm 2012 do đó công ty bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, công ty buộc phải trả đủ tiền lương theo quy định và kèm theo tiền lãi chậm trả lương theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012, cụ thể:

“…Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương….”

Việc công ty yêu cầu bạn phải có trách nhiệm về phương tiện, máy móc là không có cơ sở. Việc đó phía công ty và đối tác phải giải quyết với nhau theo HĐ giữa 2 bên.

Đồng thời phía công ty còn có những lời lẽ đe dọa bạn, bạn có thể ghi âm lại để làm bằng chứng khởi kiện sau này.

Trong trường hợp này tốt nhất bạn nên đến công ty để thương lượng, thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, trường hợp phía công ty gay gắt và đe dọa bạn thì bạn có thể làm thủ tục để kiện công ty ra Tòa để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group