Thoả ước lao động tập thể có những đặc điểm sau đây:

– Tính hợp đồng

Do được hình thành trên cơ sở tự do thương lượng và thoả thuận giữa các bên người lao động và người sử dụng lao động nên thoả ước lao động tập thể mang tính chất của một khế ước, đó là tính hợp đồng. Tính hợp đồng này được thể hiện trong suốt quá trình thương lượng tập thể. Không thể có thoả ước lao động tập thể nếu không có sự thống nhất về ý chí của các bên trong quá trình bàn bạc, thảo luận và thống nhất ý kiến. Sự đông thuận này là đặc tính căn bản của thoả ước lao động tập thể, không chủ thể thứ ba nào, kể cả nhà nước có quyền can thiệp, thay đổi sự tự do ưng thuận của các bên, bắt buộc các bên kí kết thoả ước lao động tập thể.

Thoả ước lao động tập thể mang tính họp đồng còn thể hiện bởi sự tự do định đoạt của các bên trong quá trình thương lượng và quyết định kí hay không kí thoả ước lao động tập thể. Trong quá trình thương lượng, trên cơ sở quy định của pháp luật, các bên được đưa ra yêu cầu về quyền và lợi ích, nghĩa vụ phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Khi thoả ước lao động tập thể được kí kết, các bên phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã cam kết trong thoả ước. Thông thường, người lao động phải thực hiện các nghĩa vụ lao động theo định mức đã thống nhất, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương và các quyền lợi khác cho người lao động.

– Tính quy phạm

Mặc dù được thiết lập trên cơ sở thoả thuận giữa các bên đại diện Người lao động và người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, song thoả ước lao động tập thể lại có tính quy phạm. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động. Tính quy phạm của thoả ước lao động tập thể được thể hiện thông qua nội dung, trình tự thương lượng tập thể và hiệu lực của thoả ước.

Về nội dung, thoả ước lao động tập thể là sự cụ thể hoá các quy định của pháp luật cho phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của đơn vị. Vì vậy nội dung của thoả ước lao động tập thể thường được xây dựng dưới dạng các quy phạm, theo từng điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,…

Trình tự kí kết thoả ước lao động tập thể phải tuân theo trình tự thương lượng tập thể do pháp luật quy định. Thoả ước lao động tập thể chỉ được kí kết khi các bên đã đạt được thoả thuận tại phiên họp thương lượng tập thể. Sau khi kí kết, thoả ước lao động tập thể phải được đăng kí hoặc gửi đến cơ quan quản lí nhà nước về lao động có thẩm quyền để các cơ quan này nắm bắt việc thực hiện pháp luật lao động trong các đơn vị, đồng thời có cơ sở để tiến hành quản lí lao động.

Khi thoả ước lao động tập thể được kí kết, nó sẽ có hiệu lực trong toàn bộ đơn vị. Tất cả những người lao động, kể cả những người vào làm việc sau khi thoả ước đã được kí kết, những người không phải là thành viên tổ chức của người lao động hoặc tổ chức công đoàn, những người không đồng ý với nội dung thương lượng tập thể và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm thực hiện thoả ước lao động tập thể. Những quy định nội bộ trong đơn vị, những thoả thuận trong hợp đồng lao động trái với thoả ước lao động tập thể (theo hướng bất lợi cho người lao động) đều phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do mang tính quy phạm như vậy nên trong thời gian có hiệu lực, thoả ước lao động tập thể vận hành với tư cách là “luật” của các bên trong doanh nghiệp hoặc ngành, khu vực, địa phương.

– Tính tập thể

Tính tập thể của thoả ước lao động tập thể được thể hiện ở chủ thể đại diện thương lượng, kí kết và nội dung của thoả ước.

Về chủ thể, một bên của thoả ước lao động tập thể bao giờ cũng là đại diện của người lao động. Đại diện người lao động tham gia thương lượng tập thể không phải vì lợi ích cá nhân hay một số người lao động mà là vì lợi ích của tất cả mọi người lao động trong đơn vị. Tuy nhiên, tuỳ theo cơ cấu tổ chức, quy mô của từng đơn vị mà tổ chức đại diện người lao động ở đây được xác định trong phạm vi doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp hoặc phạm vi ngành,… Tuỳ vào quy định hay tập quán của mỗi quốc gia mà tổ chức đại diện người lao động là tổ chức công đoàn hay tổ chức do người lao động thành lập. Pháp luật Việt Nam hiện hành thừa nhận tổ chức công đoàn là đại diện cho người lao động, tuy nhiên ngoài tổ chức công đoàn, pháp luật còn thừa nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đều có quyền đại diện cho người lao động tham gia thương lượng tập thể và kí kết thoả ước lao động tập thể với bên người sử dụng lao động.

Về nội dung, các thoả thuận trong thoả ước lao động tập thể bao giờ cũng liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tập thể lao động trong đơn vị. Các thoả thuận này không chỉ có hiệu lực đối với các bên, thành viên hiện tại mà còn có hiệu lực đối với thành viên tương lai của đơn vị, những người vào làm việc sau khi thoả ước được kí kết.

Cũng bởi tính tập thể của thoả ước lao động tập thể nên tranh chấp về thoả ước lao động tập thể bao giờ cũng được xác định là tranh chấp lao động tập thể. Điều này được thể hiện ở việc tranh chấp luôn có sự tham gia đông đảo của những người lao động trong đơn vị. Nội dung của tranh chấp luôn liên quan đến quyền và lợi ích chung của số đông người lao động.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)