Quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân đều là một trong những quan hệ pháp luật phổ biến nhất khi con người tham gia vào các quan hệ trong đời sống xã hội. Với xu hướng toàn cầu hoá cùng hội nhập kinh tế với các nước trên thế giới, các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến, dẫn tới các quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài đó

Khái quát chung về quy phạm xung đột.

Xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (Quan hệ tư pháp quốc tế).

Quy phạm xung đột là quy phạm ấn định luật pháp nước nào cần phải áp dụng để điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài trong một tình huống cụ thể. Đó có thể là quy phạm xung đột thông thường (do các quốc gia tự xây dựng) hoặc quy phạm xung đột thống nhất (các quốc gia thoả thuận xây dựng nên trong các điều ước quốc tế).

Đối với quy phạm xung đột, do tính đặc thù của nó là loại quy phạm chỉ nhằm dẫn chiếu luật nên về cơ cấu quy phạm xung đột chỉ có hai phần: phần phạm vi và phần hệ thuộc. Trong đó, phạm vi là phần chỉ ra quy phạm xung đột nào được áp dụng cho loại quan hệ dân sự theo nghĩa rộng nào; Hệ thuộc là chỉ ra hệ thống pháp luật nước nào được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đã được xác định trong phần phạm vi. Để áp dụng quy phạm xung đột một cách đúng đắn và đầy đủ, cần biết rõ về các hệ thuộc cơ bản mà tư pháp Việt Nam cũng như các nước trên thế giới áp dụng[3]. Gồm có: hệ thuộc luật nhân thân, hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân, hệ thuộc luật nơi có tài sản, hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi, hệ thuộc luật do các bên kí kết hợp đồng lựa chọn, hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại và hệ thuộc luật toà án.

Các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân quy định tại Chương XXVII BLDS 2015 là các quan hệ tài sản,quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài. Khi một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài xảy ra, có thể có hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng nhau điều chỉnh, quy phạm xung đột ghi nhận tại Chương này sẽ được sử dụng để xác định hệ thống pháp luật áp dụng nhằm điều chỉnh.

Đặc điểm quy phạm xung đột

Đặc điểm của quy phạm xung đột về phần cấu trúc bao gồm hai bộ phận: phần phạm vi và phần hệ thuộc.

Phạm vi là phần quy định quy phạm xung đột này được áp dụng cho loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong các lĩnh vực như: Tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và việc dân sự về các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Phần hệ thuộc là phần quy định chỉ ra luật pháp nước nào được áp dụng để giải quyết quan hệ pháp luật đã ghi ở phần phạm vi.

Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. quy định: “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Theo quy định này thì phần phạm vi ở đây là tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn và phần hệ thuộc là pháp luật của nước nơi có bất động sản.

Đặc điểm về đặc tính gồm hai điểm nổi bật:

a, Tính trừu tượng, phức tạp

Quy phạm xung đột sẽ không đưa ra các chế tài hay phương án để giải quyết các sự việc, mà nó chỉ là một kênh luật trung gian, chỉ định, chọn lựa luật pháp của một nước cụ thể giải quyết nên cấu trúc khá phức tạp, mang tính trừu tượng cao.

Như quy định tại Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015. xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì:

1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.

3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”

b,Tính điều chỉnh gián tiếp

Tính điều chỉnh gián tiếp thể hiện ở chỗ quy phạm xung đột sẽ làm nhiệm vụ dẫn chiếu để tìm ra phương án giải quyết các quan hệ phát sinh. Quy phạm xung đột luôn mang tính dẫn chiếu, khi quy phạm xung đột dẫn chiếu tới một hệ thống pháp luật cụ thể mà các quy phạm thực chất được áp dụng để giải quyết quan hệ một các dứt điểm thì ở đây ta lại thấy tính chất song hành giữa quy phạm thực chất với quy phạm xung đột trong điều chỉnh pháp luật.

Ưu điểm

Thứ nhất, về phân loại tài sản. Trước đây trong BLDS 2005 điều khoản phân loại tài sản này trong điều luật quy định về quyền sở hữu (Điều 766). Quy định như vậy dễ dẫn đến việc hiểu nhầm chỉ trong quan hệ sở hữu thì tài sản mới được phân chia thành động sản và bất động sản, hoặc việc phân chia tài sản như tại khoản 3 Điều 766 BLDS 2005 là để giải quyết các quan hệ sở hữu mà thôi, còn các quan hệ khác quy phạm này không điều chỉnh. Để tránh tình trạng trên, đến BLDS 2015 khoản 3 Điều 766 BLDS 2005 được tách riêng thành một điều khoản độc lập đó là Điều 677.

Thứ hai, về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. BLDS 2015 đã quy định các điều luật làm cho bộ luật trở nên gọn gàng hơn và thống nhất hơn khi đặt vào toàn bộ bộ luật cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Điều 678 BLDS 2015 đã thiếu hai khoản về phân loại tài sản hay định danh tài sản và điều chỉnh về quyền sở hữu đối với tàu bay, tàu biển. Điều này là phù hợp bởi BLDS 2015 đã tách định danh tài sản thành một điều luật riêng là (Điều 677) cho rõ ràng và quy định về tàu bay tàu biển đã có luật chuyên ngành điều chỉnh nên không cần phải quy định vào bộ luật, sẽ tạo ra sự trùng lặp và phức tạp.

Thứ ba, về quyền sở hữu trí tuệ. Bộ luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận quan điểm có xung đột pháp luật trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù không có quy định riêng biệt giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, với quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định pháp luật nội dung ở Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, có thể hiểu Việt Nam thiên về sử dụng hệ thuộc luật của nước nơi quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ (lex loci protectionis).Với sự ra đời của BLDS năm 2015, Việt Nam có thể được coi là một trong những nước thuộc nhóm đầu đã pháp điển hóa vấn đề này.

Thứ tư, về thừa kế theo di chúc, quy định tải khoản 2 Điều 681 BLDS 2015 mềm dẻo hơn, phù hợp hơn so với quy định của Điều 768 BLDS 2005 khi mà chỉ xem xét tính hợp pháp về hình thức của di chúc theo duy nhất một hệ thuộc luật là luật của nước nơi lập di chúc. Quy định này vì thế gần hơn với quy định của pháp luật quốc tế cụ thể là Công ước La Haye ngày 05/10/1961 về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc[1].

Thứ năm, về hợp đồng. Điều 766 BLDS 2005 quy định: “hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ “hợp đồng liên quan đến bất động sản” rất chung chung, mơ hồ chứng minh không dễ dàng. Do đó, với quy định của BLDS 2015 – “đối tượng là bất động sản” vừa cụ thể, chính xác, tránh gây tranh cãi.

Thứ sáu, quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng quy định tại Chương XXVII BLDS 2015 đã được quy định một cách trực tiếp, chi tiết hơn so với BLDS năm 2005 trong lĩnh vực hợp đồng (Điều 683), trong lĩnh vực quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản đang trên đường vận chuyển quốc tế (khoản 2 Điều 678). Với việc bổ sung quy phạm xung đột trong lĩnh vực thực hiện công việc không có ủy quyền, BLDS năm 2015 đã thừa nhận cho các bên quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho việc thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 686). Đặc biệt, BLDS năm 2015 phù hợp với với thông lệ quốc tế thừa nhận các bên có quyền thỏa thuận pháp luật áp dụng để giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 678)[2], nguyên tắc tôn trọng sự thoả thuận của các bên được ưu tiên; còn còn tình trạng bắt buộc chọn pháp luật áp dụng là pháp luật nơi xảy ra hành vi hoặc pháp luật nơi xảy ra hậu quả của hành vi gây thiệt hại quy định tại BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Có thể thấy việc quy định điều luật mới làm pháp luật trở nên linh hoạt hơn, đúng với nguyên tắc thoả thuận trong hợp đồng, các cơ quan có thẩm quyền dễ xác định pháp luật áp dụng.

Thứ bảy, một trong những điểm mới nổi bật của BLDS năm 2015 là quy định hệ thuộc pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất. Điều này giúp việc xác định hệ thống pháp luật được áp dụng khi có quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, dự trù được nhiều tình huống phát sinh và hướng giải quyết.

Hạn chế và kiến nghị

Thứ nhất, việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch như quy định của BLDS năm 2015 để xác định luật áp dụng cho quan hệ thừa kế theo luật có di sản thừa kế là động sản sẽ dẫn đến khả năng loại bỏ việc áp dụng pháp luật Việt Nam trong nhiều trường hợp, kể cả khi Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc hoặc di sản đang tồn tại ở Việt Nam. Ví dụ, nhiều người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài và không còn quốc tịch Việt Nam, nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống, cũng như người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, sinh sống và có tài sản và bất động sản tại Việt Nam ngày càng nhiều, thì việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch để xác định luật áp dụng cho quan hệ thừa kế theo luật như quy định của BLDS năm 2015 sẽ loại bỏ khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam trong nhiều trường hợp, kể cả trường hợp vụ việc tranh chấp do Tòa án Việt Nam giải quyết. Theo khoản 1 Điều 680 BLDS năm 2015, thì pháp luật được áp dụng là pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ. Điều này rõ ràng không đảm bảo được mục đích điều chỉnh của quy phạm pháp luật trong nhiều trường hợp.

Thứ hai, trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhiều quy định chuyên biệt giải quyết xung đột pháp luật chưa được quy định. Chẳng hạn, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; về trách nhiệm đối với sản phẩm; về trách nhiệm trong lĩnh vực môi trường, hay vấn đề xác định pháp luật áp dụng đối với trách nhiệm phát sinh tiền hợp đồng,… Do đó, trong phạm vi hiểu biết của bản thân, em kiến nghị nên bổ sung thêm các quy định về các vấn đề trên trong lĩnh vực tư pháp quốc tế để việc giải quyết các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trở nên dễ dàng, có quy phạm để điều chỉnh, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

Vậy:

Hệ thuộc luật nhân thân và hệ thuộc luật nơi có tài sản là những hệ thuộc phổ biến được áp dụng nhằm xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. BLDS 2015 ghi nhận quy phạm xung đột về pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân đã có nhiều tiến bộ, khắc phục được những hạn chế của BLDS 2005, phù hợp với xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quy định của BLDS 2015 vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần sửa đổi, bổ sung để pháp luật Việt Nam về tư pháp quốc tế trở nên ngày càng hoàn thiện.