NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Đánh giá thực tiễn giải quyết tranh chấp của Tòa án Công lí quốc tế:

1.1 Ưu điểm:

Đối với các phán quyết của Tòa án Công lý quôc tế có hiệu lực tối cao,có những yêu cầu bắt buộc đảm bảo việc thi hành án một cách triệt để. Xét xử đối cả các chủ thể không phải thành viên, nên có thể nói Tòa án Công lý quốc tế có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng. Sự thỏa thuận trong phương thức thông qua cơ qua tài phán quốc tế là Tòa án Công lý quốc tế được đề cao, hầu hết các bước của quá trình thành lập Tòa án Công lý quốc tế , quy định về thẩm quyền thủ tục đều phải có sự nhất trí của hai bên, từ đó thấy được tính chất công bằng bình đẳng trong quan hệ quốc tế.Hơn nữa, quy trình thành lập, thẩm quyền, thủ tục xét xử được quy định một cách cụ thể, rõ ràng minh bạch nên tránh được sự nhầm lẫn về các nội dung đó khi tiến hành xét xử. Ngày nay không có một cơ quan tài phán nào giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế trong một tổng thể và được các quốc gia sử dụng một cách chung nhất trong việc bảo vệ những giá trị của luật quốc tế như Tòa án Công lí quốc tế. Các phán quyết kết luận tư vấn của Tòa đã đề cập mọi khía cạnh khác nhau của công pháp cũng như tư pháp quốc tế liên quan tới tất cả các bên trên thế giới, tới việc kiểm tra các hệ thống pháp lí khác nhau, những thực tiễn quốc gia đa dạng cũng như những hoạt động nội bộ của các tổ chức quốc tế. Tòa đã chứng tỏ vấn đề không phải ở chỗ các vụ tranh chấp đưa ra trước Tòa có tầm quan trọng đặc biệt hay không mà chính là thông qua việc giải quyết các tranh chấp, Tòa cùng với các cơ quan khác của Liên hợp quốc thúc đẩy quá trình duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.. Tòa có thể ra phán quyết ràng buộc các bên tranh chấp tiếp tục đàm phán để đi đến giải pháp công bằng và lâu dài cho các bên.

1.2 Nhược điểm:

Năng lực của Tòa vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Năng lực này bị hạn chế do cả sự tham gia chưa tích cực của các quốc gia vào công việc của Tòa cũng như do chính tầm quan trọng của các vụ việc Tòa giải quyết. Những vấn đề đưa ra trước Tòa thường là những vấn đề không lớn, ví dụ vụ tai nạn máy bay những năm 1950, vụ Electronica Sicula (ELSI)…Một số yêu cầu giải thích điều lệ của các tổ chức quốc tế hay Hiến chương Liên hiệp quốc. Tòa cũng giải thích một số vụ tranh chấp về lãnh thổ như vụ các đảo Minquier và Ecréhous, tranh chấp biên giới Hà Lan – Bỉ, Đền Préahm Vihéar, Tranh chấp biên giới giữa Buốckina Phaxô và Mali, Tranh chấp lãnh thổ Libi/Sát. Tuy nhiên những vụ mà Tòa xét xử không phải là những vụ tranh chấp biên giới lãnh thổ lớn. Có nhiều vụ tranh chấp lớn đã không giải quyết bằng con đường tài phán như tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakixtan, tranh chấp Tây Tạng giữa Ấn Độ và Trung Quốc,tranh chấp Kosovo, tranh chấp về vũ khí hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakixtan, giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc …Mỗi khi phải giải quyết một vấn đề lớn của luật quốc tế có tầm quan trọng về kinh tế và chính trị ( Tây Nam Phi, các vụ thử vũ khí hạt nhân về chính trị, Barcelona Traction về kinh tế) thường đưa ra các giải pháp mang tính tranh cãi (Thềm lục địa Tuynidi/Libi hay vụ Nicaragoa, vụ Lockebie…),không đối đầu với các cơ quan khác. Tòa chỉ thực hiện đúng năng lực và chức năng của mình khi các cơ quan thành viên thực sự tin tưởng và coi Tòa như một giải pháp tài phán có thể sử dụng khi đàm phán trực tiếp không đạt được kết quả khả quan. Bên cạnh đó cơ chế tự thỏa thuận giữa các bên về việc lựa chọn cơ chế Tòa án Công lí quốc tế đã phát huy được tính chất công bằng tuy nhiên đây cũng chính là một hạn chế khi trên thực tế vì một bên không chấp nhận đưa vụ việc ra Tòa án Công lí quốc tế giải quyết mà các tranh chấp vẫn diễn ra một cách dai dẳng gây phiền phức cho bên còn lại và nguy cơ tiềm ẩn sự xung đột. Từ năm 1960-1970 niềm tin vào hoạt động của Tòa án Công lý quốc tế cũng như số lượng vụ tranh chấp của Tòa giảm sút. Và việc giải quyết tranh chấp tại Tòa chưa đáp ứng được hết nhu cầu thực tế (từ năm 1946 đến 2002 có 7 trường hợp chưa được giải quyết).Vì thủ tục rất nhiều cho nên tốn thời gian( thời gian để xét 1 vụ dài nhất ở vụ Barcelona Traction là 11 năm trong đó Tòa đã phải mất 8 năm để ra được một phần quyết định đầu tiên không chấp nhận đơn khởi kiện ), tốn nhiều kinh phí cho hoạt động của cơ quan tài phán. Kết quả tranh chấp phụ thuộc hoàn toàn vào phán quyết của Tòa, không thể có ý trí chủ quan của các bên tranh chấp, hơn thế nữa việc xét xử công khai của Tòa cũng khiến cho đôi khi gây khó khăn cho các tranh chấp cần được giữ kín bí mật. Không phải mọi tranh chấp quốc tế đều thuộc thẩm quyền của Tòa án Công lý quốc tế. khác với các Tòa trọng tài, Tòa án châu Âu, Tòa án nhân quyền châu Âu, Tòa án Công lý quốc tế không giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế hay tự nhiên nhân. Chỉ có các quốc gia mới có quyền kiện ra Tòa án Công lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp pháp lí giữa họ. Và không phải tranh chấp nào của các quốc gia Tòa cũng có thẩm quyền giải quyết, Tòa chỉ có thẩm quyền khi hai bên tranh chấp lựa chọn. Trong mọi trường hợp xảy ra tranh chấp thẩm quyền của Tòa án được xác định trên cơ sở ý chí của chủ thể tranh chấp và khi thẩm quyền của Tòa án được viện dẫn đến thì thẩm quyền này là độc lập, dựa trên sự tự nguyện của các bên hữu quan mà không bị bất cứ một sức ép chính trị, kinh tế nào.

1.3 Nguyên nhân:

Về chính trị:Trong một thời gian dài tồn tại sự không tin tưởng vào vai trò khách quan của Tòa. Có một số ý kiến cho rằng thành phần của Tòa không phản ánh đúng thực trạng của xã hội hiện đại. Tòa bị giới hạn trong việc áp dụng trật tự pháp lí mà rất nhiều quốc gia mới không tham ra vào quá trình xây dựng trật tự pháp lí đó. Tòa đã phát triển luật án lệ đi xa với luật thực định.Các nước xã hội chủ nghĩa từ chối công nhận thẩm quyền của Tòa, coi Tòa như một công cụ của chủ nghĩa thực dân, bị chi phối bởi các nước phương Tây.Các nước phương Tây cũng không hài lòng với vai trò của Tòa. Họ cho rằng Tòa có xu hướng xét xử ưu tiên các nước thuộc thế giới thứ ba. Các nước thế giới thứ ba cũng chưa thực sự coi Tòa như một cơ quan bảo vệ quyền lợi cho họ trước công lí vì thành phần của Tòa vào những năm đầu còn ít thẩm phán mang quốc tịch thuộc thế giới thứ ba.

Về pháp lí:Thủ tục xét xử tranh chấp của Tòa chỉ dành cho các quốc gia. Đây là một hạn chế. Các tổ chức quốc tế, các pháp nhân và các tự nhên nhân không có quyền sử dụng thủ tục xét xử các tranh chấp của Tòa. Như vậy số lượng các vụ đưa ra tranh chấp trước Tòa bị hạn chế, không thể hiện trên mọi lĩnh vực và loại bỏ một trong những điều cần thiết của xã hội quốc tế hiện đại là sự hiện diện ngày càng tăng của các tổ chức quốc tế như một chủ thể của luật quốc tế.Cơ chế chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa cũng bị hạn chế bởi sự chấp nhận các bảo lưu quan trọng của các nước. Những bảo lưu này loại bỏ khỏi thẩm quyền của Tòa các tranh chấp mà quốc gia không muốn từ bỏ sự kiểm soát từ họ. Điều này cũng thể hiện tình hình không thực sự tin tưởng vào Tòa từ phía các quốc gia.

Về kĩ thuật: Trước khi tham ra vào Tòa các thẩm phán được đào tạo và thể hiện những trường phái luật độc lập: hệ thống luật tư bản chủ nghĩa, hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, luật của các nước đang phát triển. Theo Quy chế của Tòa án, các thẩm phán hoạt động độc lập nhưng chúng ta không thể không nhận thấy những xu hướng chính trị trong một số thẩm phán. Thành phần của Tòa trong vụ này có thể sẽ có khuynh hướng xét xử khác hơn trong một vụ khác. Mặc dù các phán quyết của Tòa là khách quan nhưng cũng không xóa bỏ được sự nghi ngờ về tác động của yếu tố thành phần và thời gian cũng như xu hướng chính trị đối với các vụ tranh chấp đưa ra trước Tòa .

2. Phương hướng hoàn thiện, nâng cao vai trò trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý quốc tế

– Tất cả các quốc gia cần phải chấp nhận thẩm quyền chung của Tòa, phù hợp với Điều 36 Quy chế của Tòa, không có bảo lưu, trước khi chấm dứt thập niên của Liên hiệp quốc về luật quốc tế trước năm 2000. Khi cơ cấu quốc gia không cho phép sự chấp nhận như vậy, các quốc gia cần phải thiết lập, thông qua những thỏa thuận song phương hoặc đa phương, một danh sách chung những vấn đề mà họ sẵn sàng đưa ra trước Tòa và phải rút hết các bảo lưu mà họ đã lập ra đối với thẩm quyền của Tòa trong những điều khoản của các điều ước quôc tế có liên quan đến giải quyết các tranh chấp.

– Khi những xem xét mang tính thực tiễn ngăn cản việc đưa một tranh chấp ra trước Tòa toàn thể, các Tòa rút gọn cần phải được sử dụng.

– Các quốc gia cần phải đóng góp vào quỹ tài trợ đặc biệt để trợ giúp cho các quốc gia không có khả năng trang trải hết các phí tổn thủ tục do việc đưa tranh chấp ra trước Tòa, các quốc gia này phải tận dụng hoàn toàn những ưu đãi mà Quỹ đã dành cho để giải quyết các tranh chấp của họ.

3. Kết luận:

Cựu Tổng thư kí Liên hiệp quốc, ông Boutros Boutros Ghali đã từng nói rằng: “ Các vụ việc được đăng kí trước Tòa án Công lí quốc tế ngày càng nhiều, nhưng nguồn lực mà cơ quan này đề đạt cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế vẫn còn chưa được sử dụng hết. Việc sử dụng ngày càng tăng thẩm quyền tài phán của Tòa án sẽ tạo nên một sự đóng góp quan trọng trong hoạt động của Liên hiệp quốc nhằm mục đích tái lập hòa bình.” Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng vị thế cũng như lòng tin mà thế giới đặt vào Tòa án Công lí quốc tế vẫn chưa được đáp ứng vì nhiều lí do khác nhau. Chính vì vậy việc nghiên cứu để hoàn thiện hơn vai trò, hiệu quả hoạt động của Tòa là vấn đề không chỉ của riêng Liên hiệp quốc mà còn là của tất cả các quốc gia trên thế giới bởi sự hợp tác thiện trí của các chủ thể có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc khẳng định hiệu quả hoạt động của Tòa.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group