1. Vài nét về Malaysia

Malaysia (phiên âm: Ma-lai-xi-a, còn được gọi tắt là Mã Lai) là một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang nằm tại phía nam của khu vực Đông Nam Á. Quốc gia này bao gồm 13 bang và ba lãnh thổ liên bang với tổng diện tích đất liền là 330,803 km². Malaysia bị tách làm hai phần qua biển Đông: Malaysia bán đảo và Borneo thuộc Malaysia. Malaysia có biên giới trên bộ với Thái Lan, Indonesia, và Brunei, trong khi có biên giới trên biển với Singapore, Việt Nam, và Philippines, giáp biên giới với Campuchia qua Vịnh Thái Lan. Thành phố thủ đô là Kuala Lumpur, song nơi đặt trụ sở của chính phủ liên bang là Putrajaya. Dân số hiện tại của Malaysia là 32.771.178 người vào ngày 26/06/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Dân số Malaysia hiện chiếm 0,42% dân số thế giới. Malaysia đang đứng thứ 45 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Malaysia là 100 người/km2. Malaysia có điểm cực nam của đại lục Á-Âu là Tanjung Piai. Malaysia là một quốc gia nhiệt đới và là một trong 17 quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với nhiều loài đặc hữu.

Malaysia có nguồn gốc từ các vương quốc Mã Lai hiện diện trong khu vực và từ thế kỷ XVIII, các vương quốc này bắt đầu lệ thuộc vào Đế quốc Anh. Các lãnh thổ đầu tiên của Anh Quốc được gọi là Các khu định cư Eo biển. Các lãnh thổ tại Malaysia bán đảo được hợp nhất thành Liên hiệp Malaya vào năm 1946. Malaya được tái cấu trúc thành Liên bang Malaya vào năm 1948 và giành được độc lập vào ngày 31 tháng 8 năm 1957. Malaya hợp nhất với Bắc Borneo, Sarawak, và Singapore vào ngày 16 tháng 9 năm 1963, với từ si được thêm vào quốc hiệu mới là Malaysia. Đến năm 1965, Singapore bị trục xuất khỏi liên bang.

Malaysia là một quốc gia đa dân tộc và văn hóa, đặc điểm này đóng một vai trò lớn trong hệ thống chính trị quốc gia. Hiến pháp tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo trong khi vẫn bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Hệ thống chính quyền của Malaysia có mô hình gần với hệ thống nghị viện Westminster và hệ thống pháp luật dựa trên thông luật của Anh Quốc. Nguyên thủ quốc gia cao nhất là Quốc vương, còn được gọi là Yang di-Pertuan Agong. Người này là một quân chủ tuyển cử, được chọn từ các quân chủ kế tập của chín bang Mã Lai theo chế độ quân chủ, thay đổi sau mỗi 5 năm. Người đứng đầu chính phủ liên bang là thủ tướng.

Kể từ sau khi giành được độc lập, Malaysia đã trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững nhất tại châu Á, GDP tăng trưởng liên tục, trung bình ở mức 6,5% trong gần 50 năm liên tiếp, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức rất cao. Về truyền thống, yếu tố thúc đẩy cho kinh tế Malaysia là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, song, quốc gia này hiện cũng đang rất phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, khoa học ứng dụng, du lịch, thương mại và y tế. Ngày nay, Malaysia sở hữu một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới tiệm cận mức phát triển, duy trì, giữ vững quy mô GDP danh nghĩa lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia qua nhiều năm. Malaysia là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Hội nghị cấp cao ASEAN – Đông Á, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Liên Hiệp Quốc, WTO, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Khối Thịnh vượng chung các quốc gia và Phong trào không liên kết.

2. Thực thi quyền con người ở đất nước Malaysia

Ở Malaysia, trong Hiến pháp có quy định rất rõ các quyền tự do cơ bản của con người. Trong Báo cáo năm 2009 gửi lên Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc của Malaysia có viết: “Các quyền tự do cơ bản được trân trọng ghi nhận trong Phần II của Hiến pháp Liên bang đã tạo nên nền tảng cho sự thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Từ Điều 5 đến Điều 13 đã ghi nhận các quyền tự do cá nhân; ngăn chặn tệ nô lệ và lao động cưỡng bức; bảo vệ quy tắc bất hồi tố và không kết án nhiều lần; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do đi lại; tự do ngôn luận, lập hội; tự do tôn giáo; tự do trong giáo dục và tự do trong vấn đề sở hữu. Báo cáo này cũng nêu rõ các việc đã làm được của Malaysia trong vấn đề bảo vệ quyền con người, như đã thành lập uỷ ban quyền con người của Malaysia (SUHAKAM) vào năm 1999 và Ủy ban này đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiểu biết về các quyền con người trong nhân dân, tham mưu cho chính phủ về các chính sách về quyền con người, mở rộng giáo dục quyền con người và góp phần bảo vệ quyền con người Malaysia. Ngoài ra, Malaysia đã thông qua các luật về trẻ em, tham gia vào rất nhiều công ước quốc tế có liên quan đến quyền con người, tham gia tích cực vào việc soạn thảo Hiến chương ASEAN và góp phần vào quá trình xây dựng cơ quan nhân quyền của ASEAN, v.v… Tất nhiên với báo cáo chính thức của chính phủ gửi lên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, sẽ không thể tránh khỏi các đánh giá khác nhau, và ngoài ra còn nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế cho rằng tình hình ở Malaysia không hoàn toàn tích cực, nhưng ta vẫn có thể thấy được phần nào các nỗ lực của chính quyền Malaysia trong việc thiết lập và phát triển các cơ chế bảo vệ quyền con người.

3. Các hình thức của cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Cơ chế quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người xuất phát từ và nhằm thực hiện những nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người. Các cơ chế quốc gia bảo vệ quyền con người, nếu xét theo nghĩa rộng, rất đa dạng. Về lý thuyết, các cơ quan nhà nước có chức năng duy trì ổn định, trật tự xã hội và bảo đảm quyền của người dân. Các chính quyền dân chủ tồn tại để phục vụ nhân dân, do đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều có chức năng bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, chính các cơ quan và viên chức nhà nước cũng đồng thời là chủ thể chính vi phạm quyền con người, vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập các cơ quan độc lập hoặc bán độc lập với bộ máy nhà nước để tăng cường hiệu quả của việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người. Dưới đây khái quát một số dạng chính của các cơ quan quốc gia quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (national institution on the protection and promotion of human rights hoặc national human rights íntitutions – NHRIs) mà đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới.

4. Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights)

Thiết chế này thường bao gồm nhiều thành viên đại diện cho nhiều nhóm xã hội, nghề nghiệp. Tên gọi của thiết chế này có thể khác nhau giữa các nước, ví dụ như Ủy ban/Trung tâm Quyền con người quốc gia, Ủy ban quyền con người và bình đẳng…Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của thiết chế này cũng khác nhau giữa các nước. Ví dụ, nó có thể được quy định trong Hiến pháp (Philipines, Thailand…), bằng một đạo luật cụ thể (Malaysia…), bởi một nghị quyết của Nghị viện (Danmark..), hoặc theo một quyết định của Tổng thống (Indonesia…).

Về cơ bản, chức năng cơ bản của các ủy ban quyền con người quốc gia là bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người bản địa…Có những ủy ban được giao thẩm quyền xử lý tất cả vi phạm các quyền được nêu lên trong Hiến pháp, trong khi một số khác chỉ có thẩm quyền xử lý những vi phạm về chủng tộc, tôn giáo, giới, quan điểm chính trị…Một chức năng quan trọng nữa của các ủy ban quyền con người quốc gia là tiếp nhận, điều tra và giải quyết những khiếu nại của các cá nhân và các nhóm về những vi phạm quyền con người theo pháp luật quốc gia.

Ngoài các chức năng kể trên, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia được giao thẩm quyền nghiên cứu chính sách và hoạt động liên quan đến quyền con người của chính phủ để phát hiện những hạn chế và đề xuất các biện pháp khắc phục và thúc đẩy sự tiến bộ. Các ủy ban cũng có thể được giao quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người. Cuối cùng, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia còn được giao chức năng giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người.

5. Thanh tra Quốc hội (Ombudsman)

Cơ chế Ombudsman xuất hiện đầu tiên tại Nghị viện Thụy Điển vào năm 1809. Thuật ngữ “Ombudsman” có nguồn gốc từ tiếng Thụy Điển (có nghĩa là người đại diện). Tại một số quốc gia, Ombudsman tương đương với thanh tra Quốc hội hoặc thanh tra nhà nước. Ombudsman có một bộ máy giúp việc, thường gọi là Văn phòng Ombudsman.

Chức năng chủ yếu của Ombudsman là giám sát sự công bằng và hợp pháp của bộ máy hành chính công. Cụ thể, văn phòng Ombudsman có trách nhiệm bảo vệ quyền của những người là nạn nhân của những hành vi, quyết định của cơ quan hành pháp. Do đó, ở các nước có định chế này, Ombudsman thường được coi là trung gian hòa giải giữa cá nhân có quyền bị xâm phạm với chính quyền. Hiện tại, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Ombudsman như là một cơ chế quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người (Danmark, Sweden, Austria, Spain, Venezuela …)

Không chỉ giải quyết các vụ việc khi được yêu cầu, giống như các ủy ban quyền con người quốc gia, ở nhiều nước, Ombudsman còn có thẩm quyền chủ động tiến hành điều tra những vi phạm quyền con người trên phạm vi rộng hoặc thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Nhìn chung, thẩm quyền của Ombudsman và ủy ban quyền con người quốc gia có nhiều điểm giống nhau liên quan đến tiếp nhận và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, hai cơ chế này vẫn có những điểm khác biệt (đó là lý do mà một số quốc gia có cả hai loại cơ chế, ví dụ như Đan Mạch). Sự khác nhau thể hiện ở chỗ Ombudsman chủ yếu đảm bảo công bằng và pháp chế trong quản lý hành chính, trong khi các ủy ban quyền con người quốc gia chủ yếu quan tâm đến những vi phạm quyền con người ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử. Thêm vào đó, Ombudsman chủ yếu tập trung vào những vi phạm quyền con người của các cơ quan và viên chức nhà nước, trong khi các ủy ban quyền con người quốc gia quan tâm cả đến cả các vi phạm quyền con người của các cá nhân và chủ thể tư nhân.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)