1. Thể nhân là gì?

Thể nhân là một khái niệm của Luật học, với ý nghĩa là cá nhân, được pháp luật công nhận từ khi sinh ra cho đến khi mất đi với tư cách là một cá nhân trước pháp luật và xã hội, được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ và nhận được sự bảo vệ từ pháp luật.

2. Khái niệm “thể nhân” và “di chuyển thể nhân” theo GATS

2.1. Di chuyển thể nhân

“Di chuyển thể nhân” được đề cập trong Điều I, khoản 2(D) Hiệp định GATS của WTO là sự hiện diện tạm thời của công dân một quốc gia này tại lãnh thổ quốc gia khác với mục đích cung cấp một dịch vụ tại quốc gia đó trong khoảng thời gian nhất định.

Di chuyển thể nhân được xác định là hình thức thứ 4 trong bốn phương thức để dịch vụ có thể được cung cấp trên phạm vi quốc tế: (i) Mode 1: Cung cấp dịch vụ qua biên giới; (ii) Mode 2: Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; (iii) Mode 3: Hiện diện thương mại; (iv) Mode 4: Hiện diện thể nhân. Di chuyển thể nhân là hình thức cung cấp dịch vụ Mode 4. Theo GATS, Mode 4 là hình thức cung cấp dịch vụ bởi một người cung cấp dịch vụ của một nước thành viên thông qua sự hiện diện của thể nhân của quốc gia thành viên tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác.

2.2. Thể nhân theo GATS

Trong Phụ lục về di chuyển thể nhân của Hiệp định GATS cũng đã đưa ra định nghĩa thể nhân là “Những người cung cấp dịch vụ của một thành viên, và những thể nhân được một người cung cấp dịch vụ của một thành viên tuyển dụng, để thực hiện cung cấp dịch vụ”. Có thể thấy “thể nhân” theo định nghĩa tại Hiệp định GATS gồm có hai loại:

– Những người cung cấp dịch vụ của một nước thành viên: ví dụ: một người tự mình cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của một nước thành viên khác và trực tiếp nhận thù lao từ khách hàng

– Những người làm việc cho các nhà cung cấp dịch vụ của một nước thành viên. Thể nhân này có hai hình thức:

+ Thể nhân cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác thông qua sự hiện diện thương mại của pháp nhân trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác;

+ Thể nhân cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ quốc gia thành viên khác cho khách hàng thông qua hợp đồng được ký kết giữa pháp nhân và khách hàng.

Hiệp định GATS không có quy định về trình độ tay nghề của người cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, trong cam kết của các nước thành viên thường dựa trên những tiêu chí về cấp bậc, mục đích di chuyển, trình độ chuyên môn. Các cam kết của các nước thành viên chia thể nhân thành 5 loại sau:

– Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (ICT): Đây là những người làm việc cho doanh nghiệp nước thành viên trên cơ sở hợp đồng lao động, sau đó được doanh nghiệp cử sang nước thành viên khác để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp và khách hàng.

– Doanh nhân thăm dò thị trường (BV): là người di chuyển sang nước tiếp nhận thông qua các chuyến công tác với mục đích nghiên cứu, điều tra nhu cầu thị trường.

– Người cung cấp dịch vụ nghề nghiệp độc lập (IP): là một cá nhân tự do, không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào, di chuyển sang nước tiếp nhận để cung cấp dịch vụ trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa cá nhân đó với khách hàng.

– Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa hai doanh nghiệp: đây là người đang làm việc cho doanh nghiệp của một nước thành viên (tạm gọi là nước xuất khẩu dịch vụ) thông qua hợp đồng lao động, sau đó được cử đến nước thành viên khác (tạm gọi là nước tiếp nhận dịch vụ) để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tại nước này trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ được ký kết giữa hai doanh nghiệp.

– Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng giữa cá nhân và doanh nghiệp: là cá nhân tự do của một nước thành viên, di chuyển sang nước thành viên khác để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc quy định các hình thức thể nhân được tự do dịch chuyển, Hiệp định GATS cũng quy định những trường hợp không áp dụng tự do dịch chuyển: đó là các biện pháp tác động đến các thể nhân tìm kiếm việc làm tại thị trường lao động của một nước thành viên và những biện pháp liên quan đến quốc tịch, cư trú hoặc lao động lâu dài. Như vậy, mặc dù không trực tiếp đưa ra định nghĩa “di chuyển” nhưng căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của quy định về tự do dịch chuyển của GATS, có thể hiểu “di chuyển” ở đây được hiểu là di chuyển tạm thời để cung cấp dịch vụ tại nước tiếp nhận, không phải là di chuyển lâu dài hay nhằm mục đích định cư.

Về vấn đề xác định thế nào là “di chuyển tạm thời” và phân biệt “tạm thời” với “lâu dài hay nhằm mục đích định cư” thì GATS không quy định cụ thể mà dành quyền quy định cho các nước thành viên để “tạo sự linh hoạt. Thực tế cho thấy các quốc gia cũng không quy định cụ thể khoảng thời gian xác định là “di chuyển tạm thời” mà dựa trên việc loại trừ khoảng thời gian được quy định là nhập cư dài hạn hoặc trên cơ sở xác định hợp đồng giữa thể nhân và công ty nước ngoài tiếp nhận dịch vụ là hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng lao động.

3. Nguyên nhân của di chuyển thể nhân

Thực tế hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự di chuyển của thể nhân. Dưới góc độ kinh tế, nguyên nhân của di chuyển thể nhân đã được nghiên cứu bởi nhiều học giả như Lewis, Ranisvaf, Prei, Harris, Torado trong lý thuyết kinh tế vĩ mô tân cổ điển; học giả Piore và Muler trong ý thuyết về thị trường lao động kép; đại biểu Stark và Bloom trong lý thuyết kinh tế mới về di chuyển lao động. Dựa trên quan điểm của những học giả này, tác giả cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nguyên nhân của di chuyển thể nhân là tổng hợp những quan điểm của các học giả trên:

– Sự di chuyển của dòng thể nhân có kỹ năng cao từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển có thể lý giải bởi sự di chuyển của dòng vốn và công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Xuất phát từ sự di chuyển của dòng vốn và công nghệ, các doanh nghiệp, các công ty xuyên quốc gia thành lập cơ sở và hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, đi cùng với điều đó là việc cử các nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đến các nhà máy, công ty con, chi nhánh của họ để quản lý, điều hành hoạt động sản xuất và kinh doanh. Sự di chuyển của những thể nhân này được gọi là di chuyển trong nội bộ công ty. Sự di chuyển của họ có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các nước đang phát triển, tăng sản lượng đầu ra trên toàn cầu.

– Sự di chuyển của dòng thể nhân có kỹ năng từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển lại xuất phát từ sự thiếu hụt của một số loại hình lao động có kỹ năng tại các nước phát triển, thêm vào đó, mức lương cao hơn mà doanh nghiệp trả cho người lao động tại các nước phát triển, điều kiện làm việc, chế độ an sinh xã hội, chính sách thu hút “nhân lực có kỹ năng cao” mà các nước phát triển đặt ra.… cũng là sức hút mạnh mẽ đối với những lao động có kỹ năng này.

– Sự di chuyển của dòng thể nhân không có kỹ năng từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển xuất phát từ lý do các nước đang phát triển thường dồi dào về lao động không có kỹ năng nhưng lại thiếu các yếu tố đảm bảo việc làm trong nước; trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, người dân có xu hướng sinh ít con dẫn đến tình trạng dân số già, thiếu hụt lao động hoặc thiếu nguồn lao động trong các ngành lao động giản đơn, không yêu cầu cao về trình độ, kỹ năng (những ngành nghề mà lao động bản xứ không làm). Tình trạng này dẫn đến sự di chuyển của dòng thể nhân không có kỹ năng từ các nước đang phát triển dư thừa lao động đến làm việc trong một số ngành nghề mà nước sở tại không có đủ lao động như chăm sóc người cao tuổi, giúp việc trong gia đình, giao hàng… Xu hướng này sẽ giám bớt sức ép từ thị trường lao động trong nước, người lao động được trả lượng cao hơn lao động tại quê hương, nhà nước tăng thu ngoại tệ gửi từ nước ngoài.

Có thể nói, di chuyển thể nhân là một hiện tượng bình thường và ngày càng phổ biển trong thị trường lao động khi nền kinh tế và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển.

4. Lợi ích của di chuyển thể nhân

Di chuyển thể nhân mang lại lợi ích cho cả quốc có thể nhân di chuyển, quốc gia tiếp nhận và bản thân thể nhân.

– Đối với thể nhân: Di chuyển thể nhân mở ra cơ hội cung cấp dịch vụ tại nước khác, góp phần tăng thu nhập, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho người lao động.

– Đối với quốc gia có thể nhân di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ: Di chuyển thể nhân là một trong những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội với nước có lao động di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ. Thứ nhất, di chuyển thể nhân tạo điều kiện toàn dụng lao động cho nền kinh tế quốc gia, tăng thu nhập quốc gia. Thứ hai, di chuyển thể nhân góp phần thúc đẩy chính phủ và các doanh nghiệp tăng chi tiêu cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi để có thể ra nước ngoài cung cấp dịch vụ, người cung cấp dịch vụ phải có kỹ năng nghề nghiệp và trình độ ngoại ngữ ở mức độ nhất định theo yêu cầu của nước tiếp nhận; qua đó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ ba, di chuyển thể nhân góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ giữa các quốc gia. Trong bối cảnh tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư ngày càng phát triển và mở rộng ở cấp độ khu vực và trên toàn thế giới, tự di chuyển thể nhân giữa các quốc gia có tác động quan trọng đối với nhà đầu tư trong việc lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất, kinh doanh và sử dụng lao động cho các hoạt động này. Thứ tư, di chuyển thể nhân góp phần đưa các tiến bộ kỹ thuật, khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; điều này không chỉ xảy ra với nước tiếp nhận dịch vụ và tại nước xuất khẩu dịch vụ, người cung cấp dịch vụ ở nước ngoài khi về nước có thể mang theo những kinh nghiệm, tri thức tích luỹ được trong quá trình lao động, làm việc ở nước ngoài.

– Đối với quốc gia tiếp nhận dịch vụ: Di chuyển thể nhân góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh; ngoài ra, di chuyển thể nhân còn tăng tính cạnh tranh trong thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng lao động của nước tiếp dịch dịch vụ về lâu dài.

5. Rào cản đối với di chuyển thể nhân

Mặc dù mang lại cho quốc gia tiếp nhận dịch vụ nhiều lợi ích, song quốc gia này cũng gặp phải những gánh nặng về chính trị, xã hội như trong trường hợp thể nhân lạm dụng thị thực nhập cảnh cung cấp dịch vụ tạm thời để định cư; thêm vào đó, nếu di chuyển thể nhân không có sự kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường lao động trong nước như làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở quốc gia. Trước những mối lo ngại này, các nước đều đưa ra một số rào cản có thể hạn chế di chuyển thể nhân như: các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường, các biện pháp phân biệt đối xử

– Quy định của pháp luật về quản lý thị thực nhập cảnh, xuất cảnh.

– Quy định của pháp luật phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

– Các quy định pháp luật về công nhận chính thức chứng chỉ hành nghề, bằng cấp, kinh nghiệm của người lao động.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập