1. Gây tai nạn khi đi ngược chiều bị phạt thế nào?

Kính chào Luật sư của LVN Group, tôi có một vấn đề vướng mắc mong được Luật sư của LVN Group giải đáp. Em trai tôi đi xe máy ngược chiều gây tai nạn khiến nạn nhân bị gãy chân. Gia đình tôi đã đưa nạn nhân tới bệnh viện Việt Đức điều trị. Sau đó, bác sỹ tại bệnh viện Việt Đức đã cho nạn nhân về, nhưng gia đình nạn nhân lại tự ý chuyển ra bệnh viện Đại học y Hà Nội để điều trị tiếp.

Và bắt gia đình tôi tiếp tục đóng tiền viện phí tại bệnh viện Đại học y. Trong khi đó, gia đình tôi đã đóng tất cả viện phí ở bệnh viện Việt Đức. Cho tôi hỏi, như trường hợp của gia đình tôi sẽ bị phạt như thế nào và mức bồi thường cho nạn nhân là bao nhiêu ?

Mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp cháu. Cháu xin chân thành cảm ơn !

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về bồi thường, gọi:1900.0191

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật LVN Group, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, như thông tin bạn cung cấp thì em trai bạn đã có hành vi đi xe máy ngược chiều. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt,

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều này…..

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;….”

Như vậy, tùy mức độ hành vi vi phạm em trai bạn có thể bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Thứ hai, hành vi đi xe máy ngược chiều của em trai bạn đã gây tai nạn làm cho nạn nhân bị gãy chân. Tuy nhiên, do bạn không cung cấp cụ thể về tỷ lệ thương tật của người đó nên chúng tôi sẽ chia thành hai trường hợp như sau:

– Trường hợp 1: Căn cứ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân là từ 61% trở lên, em trai bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng….”

– Trường hợp 2: Nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 61% thì em trai bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về trách nhiệm dân sự, em trai bạn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân do có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của người khác bao gồm:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, như: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có)

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Như là: nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường, ….

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; (Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP)

– Các thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc gia đình nạn nhân tự ý chuyển nạn nhân đến bệnh viện Đại học Y Hà Nội để điều trị sau khi đã điều trị tại bệnh viện Việt Đức mà không có chỉ định của bác sỹ thì những chi phí điều trị tại bệnh viện Đại học Y không được xem là chi phí hợp lý. Do đó, em trai của bạn không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại, chi trả các chi phí điều trị của nạn nhân tại bệnh viện Đại học Y.

2. Nơi nộp phạt khi bị xử phạt về giao thông?

Dạ vừa rồi khi tham gia giao thông, tôi có vi phạm lỗi đi ngược chiều, cán bộ công an giao thông có lập biên bản xử phạt và bảo tạm giữ bằng lái xe rồi bữa sau ra nộp phạt. Nhưng do lúc đó đang gấp tôi không xem kĩ trên tờ biên bản, sau khi về nhà có đọc biên bản nhưng không biết thời gian và nơi nộp phạt cũng như quyết định nộp phạt.
Vậy tôi phải nộp cho ai và tới đâu để lấy giấy phép lái xe ?
Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group.

Luật sư trả lời:

Thông tư 37/2017/TT-BGTVT có quy định về mẫu biên bản vi phạm hành chính trong đó các nội dung cụ thể mà người có thẩm quyền lập biên bản phải ghi rõ trong biên bản:

– Ghi tên cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản.

– Địa điểm lập biên bản là nơi xảy ra vi phạm hoặc trụ sở cơ quan làm việc của người có thẩm quyền lập biên bản.

– Đầy đủ các căn cứ của việc lập biên bản như: Kết luận thanh tra; biên bản làm việc; kết quả ghi nhận của phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ…

– Trường hợp ghi thông tin giấy phép lái xe thì ghi đầy đủ những Hạng được phép điều khiển các loại xe ghi trong giấy phép lái xe (ví dụ: A1, A4, D, FC…).

– Ghi họ và tên của người đại diện theo pháp luật; chức danh của người đại diện theo pháp luật; chức danh chủ doanh nghiệp; ghi chức danh của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

– Ghi tóm tắt mô tả hành vi vi phạm (ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm,…), đối với vi phạm trên các vùng biển cần ghi rõ tên tàu, công suất máy chính, tổng dung tích/trọng tải toàn phần, tọa độ, hành trình.

– Ghi điểm, khoản, điều của nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cụ thể.

– Ghi họ và tên của người bị thiệt hại. Trường hợp tổ chức bị thiệt hại, thì ghi họ và tên, chức vụ người đại diện tổ chức bị thiệt hại và tên của tổ chức bị thiệt hại, Ghi cụ thể tên các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đã được áp dụng.

– Ghi cụ thể thời hạn: Không quá 02 ngày làm việc, trong trường hợp cá nhân/tổ chức vi phạm yêu cầu giải trình trực tiếp; không quá 05 ngày, trong trường hợp cá nhân/tổ chức vi phạm giải trình bằng văn bản.

– Ghi họ và tên của cá nhân vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm; Họ và tên, chức vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính….

Như vậy, nếu như biên bản vi phạm của bạn không có ghi giờ, ngày, tháng, năm và trụ sở để bạn tới giải quyết về hành vi vi phạm của mình thì bạn nên xem xét tới cơ quan công an cấp xã/phường nơi có chốt giao thông mà bạn vi phạm để yêu cầu họ cho mình xem xét, giúp đỡ.

3. Bồi thường thiệt hại khi vi phạm luật giao thông?

Tôi chạy xe máy ngược chiều bị công an giao thông yêu cầu dừng xe. Lúc đó tôi không mang giấy tờ xe nên tôi đã quay đầu bỏ chạy. Tuy nhiên sau đó vẫn bị bắt lại, trong lúc đó tôi có cãi cự, chống đối với công an giao thông. Tôi bị lập biên bản xử phạt về tội chống người thi hành công vụ. Tôi bị phạt như vậy có đúng không?
.

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì:

– Về hành vi đi ngược chiều trên đoạn đường một chiều, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 6 khoản 7 điểm b). Ngoài ra, bạn còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

– Về hành vi không mang theo các loại giấy tờ, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bạn có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng:

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.”

– Bên cạnh đó, bạn có hành vi quay đầu bỏ chạy khi công an giao thông yêu cầu dừng xe, hành vi cãi cự, chống đối người thi hành công vụ. Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình quy định:

“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.”

Như vậy, theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Bạn sẽ bị xử phạt căn cứ mức độ lỗi, tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra.

4. Khiếu nại quyết định xử phạt như thế nào ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi một trường hợp thế này: Anh D đi xe máy, di chuyển theo hướng từ Thanh Xuân đến ngã tư sở, đến đoạn Royal City anh D rẽ trái sang bên kia đường (có báo hiệu đèn rẽ trái) (tại khúc cua này có biển báo cấm đi ngược chiều, biển báo phải đi vòng chương ngại vật). Công an phường đã xử lý anh D vi phạm lỗi đi ngược chiều. Việc bắt lỗi như vậy là đúng hay sai?
Cảm ơn!

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 15 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc chuyển hướng xe được thực hiện như sau:

Điều 15.Chuyển hướng xe

1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.

4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.”

Anh D tham gia giao thông và thực hiện chuyển hướng xe tại khu vực có biển báo cấm đi ngược chiều và biển báo phải đi vòng chương ngại vật. Trường hợp này, được hiểu như sau:

Biển báo cấm đi ngược chiều: Biển số 102 cấm tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định của pháp luật.

Biển báo phải đi vòng chướng ngại vật: Biển số 302a và 302b báo các loại xe cơ giới và thô sơ hướng đi để qua một chướng ngại vật. Biển được đặt trước chướng ngại vật và tùy theo hướng đi vòng sang phải hay vòng sang trái mà lựa chọn theo kiểu biển cho phù hợp. Biển có hiệu lực bắt buộc các loại xe phỉ đi vòng chướng ngại vật theo hướng mũi tên chỉ.

Cá nhân khi tham gia giao thông nói chung và anh D trong trường hợp này phải tuân thủ theo hiệu lệnh và chỉ dẫn tại hai biển báo nêu trên. Trường hợp không tuân thủ thì người tham gia giao thông có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đối với lỗi chuyển hướng xe và lỗi đi ngược chiều (theo như anh D cung cấp) thì được quy định cụ thể tại điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như vậy anh D có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng

+ Đối với trường hợp của anh D, khi công an phường xử phạt anh về lỗi đi ngược chiều, thì cần xác định:

1. Thời điểm anh bị công an phường yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy tờ thì phương tiện tham gia giao thông của anh đang di chuyển theo hướng nào, thuộc phần đường nào, anh đã thực hiện đúng theo hiệu lệnh trên các biển báo hiệu giao thông hay chưa…

2. Tại biên bản vi phạm giao thông thể hiện thông tin người vi phạm giao thông có đúng với dấu vết để lại trên hiện trường hay không. Ví dụ như thông tin về tốc độ khi chuyển hướng, phần đường đang lưu thông, hướng lưu thông trước và sau khi chuyển hướng, việc báo hiệu hướng rẽ bằng đèn báo hiệu được thực hiện có đúng không?…

Trường hợp các thông tin ghi nhận tại biên bản vi phạm giao thông không đúng với hiện trường thì việc công an phường bắt lỗi anh D đi ngược chiều là chưa chính xác. Anh cần thực hiện quyền khiếu nại của mình theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011. Anh D có thể sử dụng biên bản vi phạm giao thông, các hình ảnh mà anh chụp được tại thời điểm anh bị công an yêu cầu dừng xe và lập biên bản vi phạm hoặc camera hành trình để làm chứng cứ chứng minh anh không vi phạm lỗi “đi ngược chiều” theo như kết luận của công an phường.

Hy vọng những ý kiến tư vấn trên đây giải đáp được phần nào thắc mắc của anh.

5. Biên bản phạt giao thông gồm có những gì?

Thông tư 37/2017/TT-BGTVT có quy định về mẫu biên bản vi phạm hành chính trong đó các nội dung cụ thể mà người có thẩm quyền lập biên bản phải ghi rõ trong biên bản:

– Ghi tên cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản.

– Địa điểm lập biên bản là nơi xảy ra vi phạm hoặc trụ sở cơ quan làm việc của người có thẩm quyền lập biên bản.

– Đầy đủ các căn cứ của việc lập biên bản như: Kết luận thanh tra; biên bản làm việc; kết quả ghi nhận của phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ…

– Trường hợp ghi thông tin giấy phép lái xe thì ghi đầy đủ những Hạng được phép điều khiển các loại xe ghi trong giấy phép lái xe (ví dụ: A1, A4, D, FC…).

– Ghi họ và tên của người đại diện theo pháp luật; chức danh của người đại diện theo pháp luật; chức danh chủ doanh nghiệp; ghi chức danh của người đứng đầu tổ chức không phải là doanh nghiệp.

– Ghi tóm tắt mô tả hành vi vi phạm (ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm,…), đối với vi phạm trên các vùng biển cần ghi rõ tên tàu, công suất máy chính, tổng dung tích/trọng tải toàn phần, tọa độ, hành trình.

– Ghi điểm, khoản, điều của nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cụ thể.

– Ghi họ và tên của người bị thiệt hại. Trường hợp tổ chức bị thiệt hại, thì ghi họ và tên, chức vụ người đại diện tổ chức bị thiệt hại và tên của tổ chức bị thiệt hại, Ghi cụ thể tên các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đã được áp dụng.

– Ghi cụ thể thời hạn: Không quá 02 ngày làm việc, trong trường hợp cá nhân/tổ chức vi phạm yêu cầu giải trình trực tiếp; không quá 05 ngày, trong trường hợp cá nhân/tổ chức vi phạm giải trình bằng văn bản.

– Ghi họ và tên của cá nhân vi phạm/người đại diện tổ chức vi phạm; Họ và tên, chức vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính….

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn pháp luật giao thông – Công ty luật LVN Group