NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 ban hành ngày 14 tháng 06 năm 2019;
Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự;
2. Giới thiệu chung về địa vị pháp lý của người bị kết án:
Trong tố tụng hình sự, xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Các bản án đó là những bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm; những bản án và quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; những quyết định của Toà án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Trong thực tế có hai loại bản án: bản án buộc tội và bản án tuyên bị cáo không phạm tội. Như vậy, một người đã là bị cáo trong quá trình tố tụng chỉ trở thành người bị kết án khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Bản án kết tội bao gồm: bản án tuyên bố bị cáo phạm tội cụ thể nào đó và kèm theo các hình phạt (hình phạt chính và một hoặc nhiều hình phạt bổ sung); bản án tuyên bố bị cáo phạm tội nhưng kèm theo quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Từ sự phân tích trên, xét từ góc độ địa vị pháp lý, có thể chia người bị kết án thành hai loại: những người bị kết án kèm theo hình phạt; những người bị kết án được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
3. Địa vị pháp lý của người bị kết án được miễn trách nhiệm hình sự:
3.1 Quyền của người bị kết án được miễn trách nhiệm hình sự
Căn cứ vào Điều 29 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 quy định:
” 1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Theo nội dung của quy định trên thì miễn trách nhiệm hình sự có thể do Toà án hoặc Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra áp dụng với người phạm tội. Tuy nhiên, những người được miễn trách nhiệm hình sự trên cơ sở quyết định của Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thì không được coi là người đã bị kết án. Người được Toà án miễn trách nhiệm hình sự bởi quyết định của Toà án trong bản án được coi là người bị kết án. Sau khi đã có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, người được miễn trách nhiệm hình sự có quyền nhận trích lục bản sao bản án hoặc quyết định đó. Người bị kết án – người được miễn trách nhiệm hình sự được quyền khiếu nại đối với quyết định, bận án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án khi không đọng ý với những nội dung nêu trong quyết định, bản án đó. Một người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn bị coi là người có tội bởi hành vi mà họ đã thực hiện trước đây vẫn bị coi là hành vi phạm tội. Chính vì vậy, khi một người được miễn trách nhiệm hình sự khiếu nại quyết định này của Toà án, nếu có căn cứ pháp luật thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để ra kháng nghị và xét xử lại theo hướng tuyên bố người đó không phạm tội.
Người bị kết án được miễn trách nhiệm hình sự nếu bị tạm giam trước thời điểm có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án thì được trả tự do ngay sau khi tuyên án. Trong trường hợp này, mặc dù đã bị tạm giam và được trả tự do sau đó nhưng người bị kết án cũng không được quyền kiện đòi bồi thường vì đã bị tạm giam theo quy định của BLTTHS hiện hành và các quy định tại Nghị quyết về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Cho tối nay, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác chưa có một văn bản nào hướng dẫn về thủ tục phục hồi lại các quyền và lợi ích hợp pháp của người được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp các quyền và lợi ích hợp pháp đó bị hạn chế hoặc bị tưốc bỏ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Ví dụ, khi một người bị khởi tố về hình sự thì người đó bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ mà họ đang giữ. Lẽ đương nhiên, nếu người này bị tuyên là có tội và bị áp dụng hình phạt thì các quyết định trên đây trở thành chính thức là khai trừ Đảng, miễn nhiệm. Thế nhưng, đối với người được miễn trách nhiệm hình sự, sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án, một số quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước đây đã bị tước bỏ hoặc hạn chế nay cần được phục hồi như phục hồi lại Đảng tịch, phục hồi lại chức vụ, huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản… Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được miễn trách nhiệm hình sự bởi các quyết định của Toà án cũng như của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các cơ quan này cần có các thông tư liên ngành hướng dẫn cụ thể các thủ tục, trình tự khôi phục lại các quyền và lợi ích của người đó đã bị tước bỏ hoặc bị hạn chế trong các giai đoạn tốtụng trước đây.
3.2 Nghĩa vụ của người bị kết án nhưng được miễn trách nhiệm hình sự
Người được miễn trách nhiệm hình sự bởi quyết định của Toà án không có nghĩa là người đó vô tội vì có những điều kiện do pháp luật quy định nên người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự trừ các trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật. Hành vi phạm tội của người này vẫn bị coi là một vi phạm pháp luật, vì vậy, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính. Ví dụ, bị khiển trách, cảnh cáo, chuyển sang công tác khác. Trong trường hợp nếu người đó là một thành viên của một tổ chức xã hội thì người đó có thể chịu các hình thức kỷ luật khác nhau theo điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức đó. Nếu hành vi phạm tội gây ra những thiệt hại vật chất hoặc tinh thần cho người khác thì người được miễn trách nhiệm hình sự vẫn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ luật dân sự trên cơ sở các thiệt hại thực tế đã được xác định. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại đối với người được miễn trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi có yêu cầu của người bị thiệt hại. Trong trường hợp nếu hai bên không thoả thuận được bằng thủ tục hoà giải, người được miễn trách nhiệm hình sự bị kiện ra Toà dân sự thì họ phải có nghĩa vụ thi hành bản án hoặc quyết định của Toà án khi bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Người được miễn tráchnhiệm hình sự cũng có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp tư pháp do Toà án hoặc các cơ quàn tiến hành tố tụng khác áp dụng với họ như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan tới tội phạm (Điều 47 BLHS năm 2015); trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi (Điều 48 BLHS năm 2015); bắt buộc chữa bệnh (Điều 49 BLHS năm 2015).
4. Địa vị pháp lý của người bị kết án nhưng được miễn hình phạt:
Điều 59 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.Như vậy, trong trường hợp người được miễn hình phạt do trong vụ án có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng trách nhiệm hình sự của họ vẫn được đặt ra. So sánh giữa người được miễn trách nhiệm hình sự với ngựời được miễn hình phạt thì hành vi phạm tội của người được miễn hình phạt có phần nặng hơn so với hành vi phạm tội của người được miễn trách nhiệm hình sự. Qua quyết định của Toà án thì thấy người bị tuyên bố là có tội nhưng được miễn hình phạt bị xã hội lên án mạnh hơn so với người bị tuyên bố là có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, về nguyên tắc, trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm xã hội của người được miễn hình phạt phải nặng hơn so với người được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay, kể cả trong pháp luật cũng như trong thực tiễn giữa người được miễn trách nhiệm hình sự và người được miễn hình phạt chưa có sự khác biệt lớn. Quyền và nghĩa vụ của người được miễn hình phạt về cơ bản cũng giống quyền và nghĩa vụ của người được miễn trách nhiệm hình sự. Chính điều này đã không phân hoá được tội phạm và người phạm tội trong quá trình giải quyết vụ án cũng như không có biện pháp tác động xã hội khác nhau để giáo dục, cải tạo họ sau khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố họ phạm tội và áp dụng biện pháp miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với họ. Qua nghiên cứu các quy định của BLHS và BLTTHS, thực tiễn áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt, chúng tôi cho rằng cần có những hướng dẫn, giải thích rõ hai chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt đồng thời thể chế hóa địa vị pháp lý của người được miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt nhằm hướng tới phân biệt rõ quyền và nghĩa vụ của hai loại người này. Có thể đối với người được miễn trách nhiệm hình sự không nên đặt ra hậu quả pháp lý là án tích, còn đối với người được miễn hình phạt vấn đề án tích vẫn có thể đặt ra như những người phạm tội bị áp dụng các hình phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group