Khách hàng: “Thưa Luật sư của LVN Group, tôi có một vấn đề thắc mắc mong Luật sư của LVN Group giải đáp. Xin Luật sư của LVN Group hãy giúp tôi so sánh về sự khác và giống nhau giữa giám hộ và đại diện.

Xin cảm ơn Luật LVN Group!

 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụchỏi đáp pháp luật dân sự của Công ty Luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN Group, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:

 

1. Giám hộ

Về cơ sở pháp lý: Luật dân sự năm 2015

Căn cứ theo luật dân sự 2015 tại Điều 46. Giám hộ  

Điều 46. Giám hộ

1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

 

2. Đại diện 

Về cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự năm 2015;

Cụ thể là theo điều 134 của Bộ luật dân sự năm 2015; quy định về địa diện như sau: 

Điều 134. Đại diện

1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Như vậy, qua hai khái niệm trên, ta có thể chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa giám hộ và đại diện.

 

3. Xác định các tư cách đại diện 

Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đại diện khác với giám hộ vì người giám hộ có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người đại diện là  một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện của mình.

Về căn cứ xác lập quyền đại diện được quy định như sau: 

“Điều 135. Căn cứ xác lập quyền đại diện

Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”

Đại diện theo pháp luật hiện hành có thể chia thành: 

Đại diện theo pháp luật của cá nhân

Theo Điều 136 của Bộ luật quy định đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

Pháp nhân được quy định tại điều 74 Bộ luật dân sự 2015. Tuy không quy định cụ thể về khái niệm, nhưng qua các điều kiện thì có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân.

Pháp nhân là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.

Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.

Theo Điều 137 quy định đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau: 

“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”

Đại diện theo ủy quyền

“Điều 138. Đại diện theo ủy quyền

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”

Ta có thể rút ra một số đặc điểm của Đại diện theo ủy quyền như sau:

– Chủ thể có quyền đại diện:

Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

– Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.

– Chấm dứt đại diện theo ủy quyền

Theo thỏa thuận;

Thời hạn ủy quyền đã hết;

Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

Người đại diện không còn đủ điều kiện đối với trường hợp pháp luật quy định người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

– Thời hạn đại diện

Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền. Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện thì thời hạn đó được xác định như sau:

+ Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;

+ Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.

– Phạm vi đại diện

Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác định và giới hạn trong nội dung ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện

Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.

 

4. Điểm giống nhau

Chế định giám hộ và đại diện đều có một mục đích là nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích cho chủ thể được giám hộ và đại diện.

 

5. Điểm khác nhau

– Người giám hộ là cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự .

– Người đại diện là  một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện của mình.

Tư cách chủ thể 

– Người giám hộ có đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 60 LDS được cử làm giám hộ hoặc là người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52, 53 Bộ luật dân sự năm 2015. Người được giám hộ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu và người mất năng lực hành vi dân sự.

– Người đại diện là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật, trong một số trường hợp người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền theo quy định tại khoản 2 điều 138. Người được đại diện có phạm vi rộng chỉ hạn chế một số trường hợp pháp luật quy định không được cử đại diện như: Làm chứng minh thư….

Mục đích khi tham gia các quan hệ dân sự

– Người giám hộ tham gia quan hệ giám hộ để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Trong các giao dịch dân sự thực hiện vì người được giám hộ thì người giám hộ đồng thời là người đại diện cho người được giám hộ. – Người đại diện trong phạm vi đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, họ xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện.

Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ giám hộ và quan hệ đại diện

– Đối với người đại diện thì quyền và nghĩa vụ của họ gắn liền với phạm vi được dại diện, người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

– Đối với người giám hộ thì quyền và nghĩa vụ của họ được quy định chi tiết trong Bộ luật dân sự năm 2015. Trong số những quyền mà họ có thì đáng chú ý là người giám hộ có quyền quản lý và sử dụng tài sản của người được giám hộ (nếu có) để xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và dử dụng tài sản đó để chi tiêu cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng người được giám hộ. Trong số các nghĩa vụ mà người giám hộ phải thực hiện thì nổi bật lên nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục hoặc bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ. Đồng thời việc giám hộ được giám sát theo quy định tại điều 51 Bộ luật dân sự năm 2015.

Chấm dứt quan hệ đại diện và giám hộ

– Chấm dứt đại diện của cá nhân được quy định tại điều 140 Bộ luật dân sự năm 2015, chấm dứt đại diện của pháp nhân được quy định tại Điều 141 Bộ luật dân sự năm 2015.

– Chấm dứt đại diện của người giám hộ được quy định tại điều 62 LDS.

 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật LVN Group