Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017

– Luật an ninh mạng năm 2018

– Luật an toàn thông tin mạng năm 2015

Nghị định số 99/2013/NĐ-CP

2. Điện toán đám mây là gì?

Điện toán đám mây là mô hình dịch vụ cho phép người dùng truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, server, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, theo yêu cầu. Tài nguyên điện toán đám mây có thể được thiết lập hoặc hủy bỏ nhanh chóng bởi người dùng mà không cần sự can thiệp của nhà cung cấp dịch vụ. Ở mô hình điện toán đám mây, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó “trong đám mây” mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ đó, cũng như không cần quan tâm đến các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. Nói tóm lại, điện toán đám mây là một mô hình cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng thông qua Internet.

3. Quy định pháp luật về điện toán đám mây trong thương mại điện tử tại một số quốc gia

3.1. Pháp luật Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong ứng dụng điện toán đám mây trong thương mại điện tử nói riêng cũng như trong công cuộc xây dựng chính phủ điện tử nói chung. Hoa Kỳ đã rất thành công trong nỗ lực ứng dụng thương mại điện tử cho chính quyền liên bang. Pháp luật Hoa Kỳ tập trung quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, chia làm bốn mảng chính và có hơn 15 văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này:

Thứ nhất, tiết lộ thông tin bắt buộc cho chính phủ:

Cơ sở dữ liệu trên điện toán đám mây có thể chịu các mức độ bảo vệ khác nhau tùy vào dạng thông tin mà nó lưu trữ. Tuy nhiên, theo Luật Đám mây của Hoa Kỳ (The Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act – CLOUD Act) 2018, Chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp cận với các thông tin này. Theo đó, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ có quyền truy cập vào dữ liệu được lưu trữ bởi các công ty Hoa Kỳ trong một số trường hợp nhất định dù nơi đặt máy chủ chứa dữ liệu ở đâu. Quy định này đã dấy lên mối lo ngại của EU khi Hoa Kỳ ngày càng giành quyền kiểm soát tất cả các thiết bị trong thương mại điện tử. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tiết lộ thông tin bắt buộc cho Chính phủ còn được quy định cụ thể theo từng lĩnh vực khác nhau như: Luật về quyền riêng tư của truyền thông điện tử (The Electronic Communications Privacy Act – ECPA), Luật Truyền thông được lưu trữ (The Stored Communications Act – SCA), Luật Yêu nước, Nguyên tắc Thực hành thông tin công bằng (fair information practice principles – FIPPs) của Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Commission – FTC).

Thứ hai, bảo mật dữ liệu và thông báo vi phạm:

Vấn đề bảo mật dữ liệu và thông báo vi phạm gồm các nội dung: “Làm thế nào để nhà cung cấp dịch vụ đám mây bảo vệ dữ liệu của khách hàng?”; “Làm thế nào để khách hàng có thể bảo mật được dữ liệu khi lưu trữ thông tin trên nền tảng điện toán đám mây?” và “Làm thế nào để bảo vệ quyền đưa ra khiếu nại của khách hàng khi quyền bảo mật đám mây của họ bị xâm phạm?”.

Ba vấn đề này đều được điều chỉnh bởi Luật Tăng cường an ninh mạng và Bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng năm 2006. Theo đó, Luật quy định:

(1) Cấm truy cập hoặc điều khiển từ xa một máy tính được bảo vệ mà không được phép lấy thông tin;

(2) Mở rộng phạm vi “máy tính được bảo vệ”, gồm cả các máy tính liên quan đến các vấn đề về TMĐT hoặc liên lạc giữa các tiểu bang cũng như là nước ngoài;

(3) Mở rộng định nghĩa về “lừa đảo”, bao gồm lừa đảo trên môi trường máy tính;

(4) Xác định tội tống tiền, đe dọa quyền truy cập mà không được phép (hoặc vượt quá quyền truy cập được phép của) dữ liệu lưu trữ;

(5) Áp dụng hình phạt hình sự đối với âm mưu lừa đảo trên môi trường máy tính;

(6) Phạt tiền hoặc phạt tù nếu không thông báo cho cơ quan mật vụ Hoa Kỳ hoặc Cục Điều tra liên bang (FBI) về một vi phạm an ninh lớn trong hệ thống máy tính, với mục đích cản trở cuộc điều tra về vi phạm đó, nếu vi phạm đó gây ra nguy cơ đánh cắp thông tin đáng kể.

Ngoài ra, còn có các văn bản pháp luật điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể như: Luật Quyền riêng tư và Quyền giáo dục gia đình (The Family Education Rights and Privacy Act – FERPA); Luật Gramm-Leach Bliley (The Gramm Leach Bliley Act – GLBA); Luật Trách nhiệm giải trình và Cung cấp bảo hiểm y tế (The Health Insurance Portability and Accountability Act – HIPAA).

Thứ ba, khả năng truy cập, truyền và lưu trữ dữ liệu:

Khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, các dữ liệu mà khách hàng đăng tải lên không đơn thuần như việc vận chuyển các đối tượng thông thường mà việc truy cập, truyền tải hay lưu trữ dữ liệu của họ trên môi trường không gian mạng phải tuân thủ theo những quy định cụ thể của chính quyền Hoa Kỳ. Liên quan đến vấn đề này, Hoa Kỳ đã ban hành các văn bản như: Luật Tự do thông tin (FOIA); Dữ liệu ngành thẻ thanh toán; Tiêu chuẩn bảo mật (PCIDSS); Quy tắc thực hành thông tin công bằng của FTC. Theo đó, trong quan hệ giữa nhà cung ứng và người sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, cần phải làm rõ quyền của các công ty và người tiêu dùng trong việc truy cập vào dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, cũng như các quyền liên quan đến xử lý dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây bởi nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ, Quy tắc thực hành thông tin công bằng của FTC quy định nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây sẽ phải tuân theo các chế tài FTC khi lưu trữ thông tin người tiêu dùng trên đám mây nếu họ không làm đúng như công bố của mình với người tiêu dùng về vị trí và cách thức lưu trữ và bảo mật thông tin.

Thứ tư, quyền tài phán liên quan đến địa điểm lưu trữ dữ liệu:

Các quy định chủ yếu liên quan đến việc xác định quyền tài phán liên quan tới các văn bản pháp luật như: Tiêu chuẩn bảo mật thẻ thanh toán (PCIDSS), Luật Sarbanes-Oxley; Quy định của NARA (Mục 36 của Bộ luật quy định liên bang) và Thực hành thông tin công bằng của FTC. Theo đó, những quy định trong các văn bản pháp luật này sẽ xác định các tranh chấp thương mại điện tử được giải quyết theo pháp luật tiểu bang nơi đặt cơ sở máy chủ, nơi nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đặt trụ sở hay nơi cư trú của khách hàng sử dụng dịch vụ đó.

3.2. Pháp luật Trung Quốc

Thực tế phát triển của điện toán đám mây nói chung và điện toán đám mây nói riêng đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc có những chính sách phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý công bằng cho sự phát triển đó. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có khung pháp lý đồng bộ điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến điện toán đám mây.

Thứ nhất, nghĩa vụ thông báo thông tin người dùng cho Chính phủ:

Ở Trung Quốc, các quyền đối với dữ liệu cá nhân được coi là quyền con người, nghĩa là quyền của một cá nhân đối với dữ liệu cá nhân của họ sẽ không bị can thiệp bởi cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Trung Quốc – có tư cách là cơ quan kiểm soát dữ liệu lớn nhất, thu thập, xử lý, lưu và sử dụng thông tin cá nhân. Mặc dù Hiến pháp Trung Quốc hạn chế quyền tiếp cận đối với dữ liệu người dùng, nhưng một số quy định của pháp luật đã vượt ra ngoài giới hạn này. Ví dụ, Điều 25 Luật Thương mại điện tử năm 2019 cho phép Chính phủ yêu cầu các nhà khai thác TMĐT cung cấp dữ liệu thương mại điện tử, bao gồm thông tin cá nhân, quyền riêng tư và bí mật kinh doanh và các nhà khai thác TMĐT không thể từ chối yêu cầu cung cấp thông tin của Chính phủ. Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc vẫn là cơ quan kiểm soát tối cao vì họ kiểm soát các kết nối Internet giữa lãnh thổ của mình và thế giới bên ngoài, bằng việc sử dụng một phần mềm riêng Wechat.

Thứ hai, bảo vệ thông tin người dùng

Các yêu cầu về bảo vệ thông tin người dùng được quy định tại Luật An ninh mạng Trung Quốc (2017); theo đó, các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ mạng thu thập thông tin người dùng có nghĩa vụ thông báo cho người dùng và phải nhận được sự đồng ý của họ. Theo quy định của Luật, thông tin cá nhân và các dữ liệu quan trọng được các nhà khai thác thông tin thu thập phải được lưu trữ trong nước; nghĩa là, các công ty nước ngoài muốn khai thác thông tin phải lắp đặt máy chủ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Luật cũng quy định một trường hợp ngoại lệ là thông tin có thể được cung cấp nếu sau khi xử lý không có cách nào để xác định danh tính một cá nhân cụ thể (nghĩa là không thể nhận được “sự đồng ý” từ phía người dùng).

Bên cạnh đó, người dùng có quyền yêu cầu đặt câu hỏi để xem xét tính đúng đắn về hành vi cũng như yêu cầu bên cung ứng dịch vụ xóa thông tin của mình trong trường hợp thông tin không chính xác hoặc được sử dụng cho mục đích không được thỏa thuận. Ngoài ra, trộm cắp và việc bán bất hợp pháp dữ liệu cá nhân đã được hình sự hóa ở Trung Quốc. Những hình phạt vi phạm này khắc nghiệt hơn nhiều so với những hình phạt trước đây như cảnh cáo, ra lệnh sửa chữa, phạt tiền lên đến 1 triệu NDT, thậm chí là giam giữ đối với cá nhân có hành vi vi phạm.

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:

Theo quy định của Luật Thương mại điện tử năm 2019, nếu chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho rằng nhà điều hành trên nền tảng (an operator on platform) đã vi phạm quyền SHTT của mình có thể thông báo cho nhà điều hành nền tảng đó (platform operator) và yêu cầu chủ thể thực hiện các biện pháp sơ bộ cần thiết (preliminary measures), chẳng hạn như xóa hoặc sàng lọc thông tin về vi phạm bị cáo buộc, ngắt kết nối các trang web liên quan hoặc chấm dứt giao dịch hoặc dịch vụ. Nếu nhà điều hành nền tảng không kịp thời thực hiện các biện pháp sơ bộ cần thiết khi nhận được thông báo, thì nhà điều hành trên nền tảng đó phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại bổ sung và có thể bị phạt tiền từ 50.000 NDT đến 2 triệu NDT.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc áp dụng những quy định này còn gặp nhiều hạn chế, chẳng hạn như dữ liệu người dùng có thể được coi là quyền tác giả trong bối cảnh bảo hộ quyền SHTT hay không, phải đáp ứng được những điều kiện nào để được coi là tác phẩm gốc, nhãn hiệu hoặc bằng sáng chế. Trong vụ tranh chấp Shanghai Hantao Information Consultation Co. vs. Aibang Juxin (Beijing) Technology Co, Tòa án nhân dân Bắc Kinh cho rằng nếu một nhận xét của người dùng cung cấp thể hiện suy nghĩ, tính cách ban đầu của họ, cảm xúc và trải nghiệm, nhận xét này sẽ được coi là một tác phẩm theo Luật Bản quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguyên đơn đã không chứng minh được rằng mọi nhận xét trên nền tảng của mình đều đáp ứng yêu cầu về tính độc đáo và sáng tạo để được coi là tác phẩm theo Luật Bản quyền của Trung Quốc. Như vậy, rất khó để có thể chứng minh cho việc bảo hộ quyền tác giả trừ khi có đủ sự sáng tạo trong việc phát triển cơ sở dữ liệu thông tin thực tế.

Nhìn chung, pháp luật về điện toán đám mây của Trung Quốc và Hoa Kỳ có những điểm chung sau đây:

Một là, Chính phủ vẫn luôn là chủ thể nắm quyền kiểm soát đối với thông tin người dùng;

Hai là, chủ thể có hành vi xâm phạm đến dữ liệu người dùng không chỉ phải chịu xử lý vi phạm hành chính mà còn có thể chịu trách nhiệm hình sự;

Ba là, việc áp dụng quy định về quyền SHTT vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực tế.

4. Pháp luật Việt Nam về điện toán đám mây trong thương mại điện tử

Ở Việt Nam, thuật ngữ “điện toán đám mây” ra đời giữa năm 2007 cũng không phải để nói về một phong trào mới, mà để tổng hợp lại các hướng đi của cơ sở hạ tầng thông tin vốn đã và đang diễn ra từ những năm qua. điện toán đám mây là một giải pháp toàn diện cung cấp công nghệ thông tin như một dịch vụ. Nó là một giải pháp điện toán thông qua Internet cung cấp tài nguyên chia sẻ tại máy chủ cho người sử dụng. Các máy tính trong các đám mây được cấu hình để làm việc cùng nhau và các ứng dụng khác nhau sử dụng sức mạnh điện toán tập hợp như chúng đang chạy trên một hệ thống duy nhất. Thuật ngữ “điện toán đám mây” được định nghĩa tại điểm d khoản 5 Điều 2 Luật An ninh mạng Việt Nam 2018. Theo đó, điện toán đám mây được xem là một trong các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không gian mạng quốc gia, là nền tảng cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để tạo lập, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin trên không gian mạng. Về cơ bản, cách tiếp cận về điện toán đám mây của Việt Nam giống với những quan điểm của các nhà nghiên cứu đã đưa ra trước đó, là mô hình dịch vụ cung cấp cho người dùng một khoảng không gian rộng lớn cho phép họ có thể lưu trữ, truyền tải thông tin cá nhân. Pháp luật Việt Nam không đưa ra một khái niệm mới về điện toán đám mây. Đây có thể được coi là một sự tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới – đặc biệt là Hoa Kỳ – nơi khởi nguồn phát triển của điện toán đám mây.

Các vấn đề pháp lý về điện toán đám mây trong thương mại điện tử được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp luật như: Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng… và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bảo mật thông tin cá nhân:

Trong bối cảnh thương mại điện tử nói chung và điện toán đám mây nói riêng được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới, việc bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định quyền bảo vệ thông tin bí mật cá nhân. Sau đó, quyền này được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ Luật Dân sự 2015; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đưa các nguyên tắc bảo vệ quyền về sự riêng tư dữ liệu, quy định về thu thập, sử dụng, sửa đổi, xóa thông tin cá nhân cùng với trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ dữ liệu riêng tư, yêu cầu sự đồng ý của chủ sở hữu trước khi xử lý thông tin cá nhân (bao gồm thu thập, chỉnh sửa, sử dụng, lưu trữ, cung cấp, chia sẻ hoặc lan truyền), đồng thời quy định tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải công bố chính sách sử dụng và bảo vệ thông tin được xử lý; Luật An ninh mạng năm 2018 yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải thông báo trực tiếp cho người dùng nếu dữ liệu của họ bị vi phạm, bị hư hỏng hoặc bị mất….Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng quy định cụ thể về chế tài để xử lý những hành vi xâm phạm đến dữ liệu cá nhân, ví dụ, Bộ luật Hình sự năm 2015 sự quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, viễn thông“.

Thứ hai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:

Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư điều chỉnh về vấn đề bảo vệ quyền SHTT như Luật SHTT năm 2009, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm xâm phạm quyền trên Internet, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan,… Đặc biệt, Luật SHTT năm 2009 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 cùng với các văn bản khác có liên quan đã chú trọng hơn đến vấn đề SHTT trong môi trường thương mại điện tử.

Ngoài các quy định của pháp luật, ở Việt Nam, bảo hộ quyền SHTT còn được điều chỉnh bởi các điều ước quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực này như: Hiệp định TRIPS, Hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả năm 1997; Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 1999…

Pháp luật dù có quy định cụ thể đến đâu nhưng trên thực tế, khi áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế và pháp luật về điện toán đám mây trong thương mại điện tử của Việt Nam cũng vậy. Nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về điện toán đám mây trong thương mại điện tử của Việt Nam, trên cơ sở kinh nghiêm của Hoa Kỳ và Trung Quốc, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là, về bảo mật thông tin cá nhân:

Thực tế, trong thời gian qua, việc tự bảo vệ thông tin cá nhân của chúng ta còn rất hạn chế. Những vụ việc các công ty, người sử dụng Việt Nam bị các hacker tấn công gây tổn thất về kinh tế và tinh thần nghiêm trọng diễn ra khá phổ biến. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân cần được đẩy mạnh, trang bị kiến thức và giúp họ chủ động bảo vệ thông tin của mình. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp chủ động bảo vệ thông tin bí mật cá nhân trong kỷ nguyên công nghệ số.

Hai là, về quyền sở hữu trí tuệ:

Để thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả, pháp luật SHTT Việt Nam cần có các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường Internet; bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website thương mại điện tử tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh các giải pháp pháp lý và công nghệ, cần tiếp tục nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi và tuyên truyền rộng rãi đến người sử dụng các quy định của pháp luật SHTT để nâng cao ý thức bảo vệ quyền từ phía người sử dụng. Các chủ thể có quyền cần áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền của mình và chủ động trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.

Ba là, xây dựng khung pháp lý về điện toán đám mây:

Theo xu hướng chung của thế giới, Chính phủ cần xây dựng một khung pháp lý chung nhất điều chỉnh về điện toán đám mây để làm nền tảng cho quan hệ pháp lý với khách hàng. Các quy định này cần có mối liên hệ mật thiết với quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng cung ứng dịch vụ điện toán đám mây giữa nhà cung ứng dịch vụ và khách hàng. Đó có thể là những quy định cơ bản liên quan đến quá trình đánh giá, đàm phán hợp đồng, những quy định về lựa chọn hợp đồng mẫu hoặc cũng có thể là những quy định kết hợp giữa hai hình thức trên. Bởi bản chất của điện toán đám mây khá phức tạp so với dịch vụ Internet truyền thống nên các điều khoản hợp đồng mẫu có thể được các bên xem xét và tiếp tục đàm phán để đạt được một thỏa thuận phù hợp nhất với nguyện vọng của các bên. Theo đó, những điều khoản cần đặc biệt chú ý liên quan đến thông báo vi phạm; truy cập, truyền tải dữ liệu và lưu trữ dữ liệu; cũng như các quy định về kiểm soát dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây. Ngoài ra, văn bản cũng có thể bao gồm những nội dung về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ thông tin người dùng trong thương mại điện tử nói chung và điện toán đám mây nói riêng.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp thuộc ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập