1.Quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

+ Về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Điều 318 Bộ luật tố tụng hình sự cũ quy định thủ tục rút gọn không áp dụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng mà chỉ được áp dụng trong ba giai đoạn: Điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. BLTTHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn đối với cả giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 455). Bởi theo bộ luật trước đây, dù cấp sơ thẩm áp dụng thủ tục rút gọn, sau khi xét xử sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì vẫn phải áp dụng theo thủ tục chung. Như vậy, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 30 ngày trong khi thời hạn xét xử phúc thẩm là 60 ngày. Đây là điều không hợp lý của BLTTHS cũ, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục rút gọn. Quy định mới tại Điều 455 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sẽ giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn xét xử.

+ Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

Theo quy định tại Điều 319 BLTTHS cũ thì thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất là người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

Điều kiện thứ hai là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng – đây được xem là điều kiện mang tính định tính (Sự việc phạm tội đơn giản là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định;

Sự việc phạm tội có chứng cứ rõ ràng, có thể hiểu là những chứng cứ phản ánh đầy đủ, chính xác và toàn diện những vấn đề phải chứng minh trong vụ án).

Điều kiện thứ ba là tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đấy là đến ba năm tù

Điều kiện thứ tư là người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng: Lý lịch của bị can, bị cáo ảnh hưởng đến năng lực trách nhiệm hình sự của họ; liên quan đến việc quyết định hình phạt (tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo). Căn cước, lai lịch của người phạm tội rõ ràng thì thời gian điều tra, xác minh có thể được rút ngắn, thời gian tố tụng được đảm bảo. Đặc điểm về căn cước lai lịch được hiểu một cách chung nhất là nhân thân người phạm tội, bao gồm đặc điểm giới tính, độ tuổi, tôn giáo, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thành phần xã hội, hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống, nơi cư trú…

BLTTHS năm 2015 đã quy định mở rộng hơn điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, bổ sung thêm trường hợp người phạm tội tự thú về hành vi phạm tội của mình và phải đáp ứng 3 điều kiện còn lại là sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Đồng thời điều luật này cũng đã sửa đổi cụm từ “có căn cước, lai lịch rõ ràng” bằng cụm từ “có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng.

Do phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được mở rộng đối với cả xét xử phúc thẩm, nên BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm (khoản 2 Điều 456). Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện: a. Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; b. vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ 4 điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.

2. Quy định của pháp luật

Điều 456 BLTTHS năm 2015 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: “1. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện: a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”.
Như vậy, về điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án hình sự phải đáp ứng được bốn điều kiện đó là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Nếu không đáp ứng đủ bốn điều kiện nêu trên thì không được áp dụng giải quyết theo thủ tuc rút gọn kể cả trường hợp sau khi phạm tội người phạm tội đã ra đầu thú cũng không được áp dụng thủ tục rút gọn mà phải giải quyết theo thủ tụng chung, dẫn đến một số vụ án sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng, tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; hoặc là tội phạm thuộc trường hợp nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội đơn giản; Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Do đó trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án khi phát hiện các cơ quan tiến hành tố tụng muốn đẩy nhanh tiến độ giải quyết để đưa ra xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cũng như đảm bảo tình hình an ninh, an toàn xã hội tại địa phương thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để đưa ra xét xử nhanh được.
Chẳng hạn như trong tình hình cả nước đang chung sức phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thì nhiều đối tượng không thực hiện việc giãn cách xã hội hoặc không đeo khẩu trang nơi công cộng, trốn cách ly, không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối… khi bị lực lượng thực thi pháp luật phát hiện nhắc nhở, ngăn chặn thì có nhiều đối tượng đã có hành vi chống đối quyết liệt, cản trở người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị… nhưng cũng khó áp dụng thủ tục rút gọn.

3.Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là gì ?

Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, được quy định tại Chương XXXI, Bộ Luật Hình sự 2015. Tủ tục rút gọn có sự rút ngắn về thời gian, cách thức giải quyết vụ án hình sự nên khi được áp dụng, việc giải quyết vụ án sẽ không mất nhiều thời gian như với thủ tục thông thường, góp phần hạn chế những tình trạng đọng án.

Việc á dụng thủ tục rút gọn một mặt vẫn đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; mặt khác thời gian giải quyết vụ án tối đa 30 ngày giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời, nhanh chóng vụ án hình sự.

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn là giới hạn luật định cho phép thủ tục rút gọn được áp dụng trong những giai đoạn nhất định của tố tụng hình sự.

Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định của Chương XXXI và những quy định khác của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 không trái với quy định của Chương XXXI và được quy định cụ thể tại Điều 455, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

4. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 456, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

Điều kiện thứ nhất, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú:

Phát hiện người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến các cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo quy định trên thì phạm tội quả tang là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt khi đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Như vậy, phạm tội quả tang gồm các trường hợp: trường hợp người đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ; trường hợp ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện và bị bắt giữ và trường hợp đang bị đuổi bắt vì bị phát hiện đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm.

Do vậy Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về điều kiện này có ý nghĩa khoanh vùng, hạn chế các vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn một cách cơ họ. Mặt khác, mục đích của thủ tục rút gọn là làm làm giảm áp lực, làm giảm sự quá tải về số lượng án phải giải quyết theo thủ tục thông thường.

Điều kiện thứ hai: sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng:

Điều kiện “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” mang tính định tính. Pháp luật tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng”.

Sự việc phạm tội đơn giản là những sự việc mà vấn đề cần chứng minh trong vụ án không phức tạp và dễ xác định. Ta có thể hiểu điều kiện này như sau:

+ Hành vi phạm tội thường do một người thực hiện hoặc có thể có nhiều người thực hiện nhưng là trường hợp đồng phạm giản đơn, việc xác định vai trò, vị trí của từng đối tượng dễ dàng mà không phải trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc đồng phạm phức tạp, khó xác định vai trò, vị trí của từng đối tượng. Tội phạm được thực hiện tại một địa điểm nhất định, không liên quan đến nhiều địa bàn khác.

+ Người thực hiện hành vi phạm tội thường là người đã thành niên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Hành vi mà họ thực hiện thường do lỗi cố ý, yếu tố lỗi được thể hiện rõ ràng và dễ xác định.

+ Mục đích phạm tội thường là lợi ích vật chất, động cơ vụ lợi mang tính nhất thời, dễ xác định.

+ Sự việc phạm tội không liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, không liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán hay những vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế… phức tạp khác.

Điều kiện thứ ba: tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng:

Bộ luật Hình sự phân hóa tội phạm thành bốn loại tội khác nhau, bao gồm: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. “ Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm từ”. Theo quy định này để xác định tội phạm ít nghiêm trọng phải dựa trên hai dấu hiệu: dấu hiệu về mặt nội dung chính trị xã hội và dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lý. Dấu hiệu về mặt nội dung chính trị xã hội là tính nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội.

Điều kiện thứ tư: Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng:

Vấn đề căn cước, lai lịch của bị can, bị cáo là một trong những vấn đề cần chứng minh của vụ án hình sự. Lý lịch của bị can, bị cáo liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, liên quan đến việc quyết định hình phạt (tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo)… Căn cước lai lịch của người phạm tội đã rõ ràng thì thời gian điều tra, xác minh có thể được rút ngắn và từ đó bảo đảm thời gian tố tụng.

Bốn điều kiện trên đây một mặt độc lập với nhau, mặt khác ại mối quan hệ bổ trợ nhau. Vì thế khi xem xét áp dụng thủ tục rút gọn cần phân tích đánh giá từng điều kiện trong mối liên hệ tổng thể với các điều kiện khác và chỉ quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi cả bốn tiêu chí trên đều đảm bảo.

5. Thẩm quyền áp dụng biện pháp rút gọn

+ Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

+ Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

+ Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Việc quy định thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chỉ có quyền đề nghị trong khi cơ quan điều tra lại là chủ thể chịu trách nhiệm trong chính việc thu thập chứng cứ và tài liệu của vụ án. Mặt khác, lại có thêm một thủ tục là cơ quan điều tra phải làm văn bản đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.