1. Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về hiệu lực của di chúc? Một di chúc được để lại chỉ bằng lời nói của người để lại di chúc liệu có được công nhận là di chúc hợp pháp? Điều kiện để di chúc đó có hiệu lực ?
Cảm ơn!

Trả lời:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Như vậy, di chúc miệng là một hình thức di chúc hợp pháp.

Tại Điều 629 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, đối với di chúc miệng yêu cầu phải có người làm chứng. Điều 632 Bộ Luật dân sự quy định về những người được làm chứng cho việc lập di chúc như sau:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Di chúc miệng cũng là một hình thức di chúc hợp pháp ( khi đáp ứng đủ các điều kiện để di chúc hợp pháp), do đó di chúc miệng có hiệu lực theo quy định chung về hiệu lực di chúc tại Điều 643 Bộ Luật dân sự như sau:

– Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

– Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

+ Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

– Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

– Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

– Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Trên đây là một số quy định của pháp luật về điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp và thời điểm có hiệu lực của di chúc miệng.

2. Phân chia di sản khi người chết chỉ để lại di chúc miệng ?

Chào Luật sư của LVN Group, tôi có sự việc mong Luật sư của LVN Group tư vấn: Ông tôi tên Nguyễn Văn Hợi mất có để lại tổng tài sản 180 triệu. Ông có 2 người con là bố tôi Nguyễn Văn Hưu và chú tôi là Nguyễn Văn Hai. Bà nội tôi là Trần Thị Lan vẫn còn sống . Xin hỏi sau khi ông mất Di sản của ông sẽ được chia như nào?

Ông tôi tên Nguyễn Văn Hợi mất có để lại tổng tài sản 180 triệu. Ông có 2 người con là bố tôi Nguyễn Văn Hưu và chú tôi là Nguyễn Văn Hai. Bà nội tôi là Trần Thị Lan vẫn còn sống . Xin hỏi sau khi ông mất Di sản của ông sẽ được chia như nào?

Lúc sống ông có di chúc miệng yêu cầu chi 80 triệu vào việc xây nhà thờ . Hiện tại chú tôi không đồng ý muốn chia hết toàn bộ tài sản của ông, liệu có được không?

Mong Luật sư tư vấn. Xin cảm ơn!

PHÂN CHIA DI SẢN KHI NGƯỜI CHẾT DI CHÚC MIỆNG

Luật sư tư vấn:

Theo như thông tin bạn cung cấp, ông của bạn đã mất, do đó đã phát sinh thời điểm mở thừa kế theo điều 611 Bộ luật dân sự 2015.

Trong trường hợp này cần phải xác định một số vấn đề như sau:

– Về tài sản để chia thừa kế đó có phải hoàn toàn là của ông bạn hay không để xác định phân chia thừa kế cho những người thừa kế hợp pháp.

– Xác định di chúc miệng ông bạn để lại có giá trị pháp lý hay không? để tiến hành chia thừa kế theo pháp luật hay theo di chúc?

– Xác định những người sẽ được hưởng thừa kế.

Thứ nhất, về tài sản để chia thừa kế: Bạn không nói rõ tổng tài sản 180 triệu ông bạn để lại có phải là tài sản của riêng ông bạn hay không? hay là tài sản chung của cả ông và bà bạn? nên coi như đây là tài sản riêng của ông bạn.

Thứ hai, về di chúc miệng ông bạn di chúc có hợp pháp hay không?

Căn cứ khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015:

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, trong trường hợp ông bạn di chúc miệng không đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật như: “thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng” và di chúc phải được người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên, hoặc điểm chỉ thì di chúc miệng này không có hiệu lực pháp luật. Do đó, tài sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia theo pháp luật.

Thứ ba, xác định người được hưởng thừa kế:

– TH: di chúc miệng của ông bạn có hiệu lực pháp luật, thì tài sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc. Tức là, tài sản thừa kế sẽ được trích 80 triệu để xây dựng nhà thờ. Số tiền còn lại nếu không được ông phân chia thì sẽ chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự.

– TH: di chúc miệng của ông bạn không có hiệu lực pháp luật, thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Lúc đó, di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Khoảng 1 Điều 651: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Ở đây hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bà Trần Thị Lan, ông Nguyễn Văn Hưu, ông Nguyễn Văn Hai. Những người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Trường hợp hàng thứ kế thứ nhất đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thì Di sản sẽ được chia cho người thuộc hàng thừa kế thứ hai:

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

3. Khi nào di chúc miệng có hiệu lực ?

Bố mẹ em đã mất và không để lại di chúc. Bố mẹ em sinh được 3 người con: em, em trai và em gái. Hiện nay em gái em mới bị tâm thần. Bố em còn có người mẹ đẻ là bà nội em và bà nội em đã 84 tuổi.
Bố mẹ em có để lại căn nhà và phần đất ruộng chung. Phần tài sản của bố mẹ em được chia như thế nào? Nếu em gái em được hưởng thừa kế và em muốn quản lý số tài sản đó cho em gái em thì em phải làm gì?
Em mong chị tư vấn sớm cho em vì bà nội và em trai em muốn bán hết số tài sản đó đi nhưng em không muốn bán và muốn giữ cho hai em của em.
Em xin chân thành cảm ơn!

Thừa kế theo pháp luật được quy định như thế nào ?

Trả lời:

Khi người chết không để lại di chúc thì di sản của họ sẽ được chia theo quy định của pháp luật nếu các đồng thừa kế không có thỏa thuận khác. Giữa anh chị em bạn và ông bà bạn có thể thỏa thuận phân chia di sản này. Để thỏa thuận đó hợp pháp và có giá trị pháp lý thì cần phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại Phòng công chứng. Căn cứ trên văn bản đã được công chứng hợp pháp, bạn và những người thừa kế khác có thể thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đối với những tài sản mà pháp luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu.

Nếu không thỏa thuận được, các đồng thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản theo quy định của pháp luật, di sản sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ bạn gồm: cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi của người chết (tức là ông bà nội ngoại của bạn-nếu còn sống); con ruột, con nuôi của cha mẹ bạn – tức là các anh chị em bạn.

Về việc quản lý phần tài sản của em gái bạn thì cần phần biệt hai trường hợp. Nếu em gái bạn chưa thành niên nay cha mẹ bạn đã chết thì bạn là con cả nên bạn sẽ là người giám hộ đương nhiên của em gái bạn nếu bạn có đủ điều kiện làm người giám hộ.

Trong trường hợp em gái bạn đã thành niên và bị mắc bệnh tâm thần thì trước hết phải gửi đơn đến Tòa án để được Tòa án ra quyết định tuyên bố em bạn bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Trong trường hợp này thì bạn không đương nhiên là người giám hộ cho em gái bạn, việc cử người giám hộ sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của em gái bạn thực hiện. Nếu bạn đủ các điều kiện giám hộ, bạn có thể làm đơn yêu cầu gửi đến UBND có thẩm quyền cử người giám hộ để cử bạn làm người giám hộ cho em gái bạn.

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

Điều 48. Người giám hộ
1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.
2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

Khi trở thành người giám hộ cho em gái bạn, bạn có trách nhiệm quản lý tài sản của em gái như tài sản của chính mình và bạn có quyền Sử dụng tài sản của em gái bạn để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của cô ấyem gái bạn; Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của em gái bạn; Đại diện cho em gái bạn trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của em gái bạn.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của em gái bạn phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Bạn không được đem tài sản của em gái bạn tặng cho người khác cũng như không được thực hiện giao dịch với chính mình trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của em gái bạn và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Cũng xin nói thêm, ở đây người giám sát việc giám hộ là người do những người thân thích của em gái bạn cử ra để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, cũng như xem xét kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.

Việc giám hộ sẽ chấm dứt khi em gái bạn có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức là khi được Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

4. Tư vấn lập di chúc và chia thừa kế đối với di chúc miệng ?

Thưa Luật sư của LVN Group, ông A kết hôn với bà D năm 2000 hiện sống tại số nhà 39 Âu Cơ – tp Đà Nẵng do không có con nên nhận M làm nuôi năm 2010 ( vừa tròn 1 tuổi) và được pháp luật thừa nhận ông A có một cô con gái riêng là MD với bà P.

Năm 2013 ông A tai nạn, trước khi chết đã di chúc miệng trước nhiều người làm chứng để lại toàn bộ tài sản cho MD. Biết tổng tài sản của ông và bà D được định giá là 90 tỷ ?

Xin Luật sư của LVN Group hướng dẫn.

– CX

Luật sư trả lời:

Trường hợp này sẽ chia thừa kế theo di chúc như sau:

Khối tài sản hai vợ chồng ông A có là 90 tỷ, khi ông A mất thì tài sản này được chia đôi, vì thế di sản mà ông A để lại là 45 tỷ.

Trường hợp này, vì bà D là vợ hợp pháp của ông A nên dù bà D không được ông A để lại di sản thừa kế thì bà cũng vẫn được hưởng di sản thừa kế, theo quy định tại điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Giả sử tài sản chia theo pháp luật sẽ có 3 suất thừa kế theo pháp luật: bà D, M và MD (45/3=15 tỷ); 2/3 của 15 tỷ đồng là 10 tỷ đồng.

Như vậy số di sản thừa kế của bà D sẽ là 10 tỷ đồng; còn lại 35 tỷ đồng là của MD; 45 tỷ còn lại là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà D nên sẽ không chi thừa kế.

5. Di chúc miệng có hợp pháp không ?

Xin chào Luật LVN Group! Ba Mẹ tôi mất có để lại 1 số tài sản cho chị em gái nhà tôi theo lời di chúc (không có tờ di chúc) nhà tôi có 10 thành viên nhưng có 3 thành viên không chấp nhận lời di chúc này.
Vậy lời di chúc của Ba Mẹ tôi có hợp pháp không?
Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tư vấn lập di chúc và chia thừa kế đối với di chúc miệng ?

Luật sư tư vấn:

Luật dân sự 2015 có quy định các hình thức di chúc sau: Điều 627 luật dân sự 2015 quy định:

Điều 627. Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Di chúc của mẹ bạn để lại là di chúc miệng, di chúc này chỉ có hiệu lực khi đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5, điều 630 Luật dân sự 2015

Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn Pháp luật Thừa kế – Luật LVN Group