1. Điều kiện thi công chức, viên chức

Thưa Luật sư của LVN Group, Em đang là bác sĩ thử việc ở bệnh viện lại 1 cấp trung ương thuộc bộ y tế. Thời gian thử việc trên quyết định ghi là 2 tháng. Đến nay Em thử việc đã gần 1 tháng. Em nghe bệnh viện chuẩn bị có đợt thi biên chế. Em sợ thử việc chưa xong thì đã thi, có trường hợp nào chưa hoàn thành thời gian thử việc vẫn được thi biên chế không ạ ? Em cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao đông trực tuyến: 1900 612

Trả lời:

Căn cứ vào Luật viên chức năm 2010 và Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức:

Điều 22. Điều kiện đăng ký dự tuyển

1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

c) Có đơn đăng ký dự tuyển;

d) Có lý lịch rõ ràng;

đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

g) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:

a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Theo đó nếu như bạn đáp ứng đủ các điều kiện trên thì bạn hoàn toàn có thể đăng kí dự thi được.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Thế nào là công chức ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

2. Điều kiện để viên chức chuyển sang công chức không qua thi tuyển ?

Ông Bùi Văn Trí (Lai Châu) tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kỹ thuật hoá học năm 2010. Năm 2012 được Sở Nội vụ tuyển dụng viên chức Trung tâm Tư vấn kiểm định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, hưởng bậc lương ngạch Kỹ sư 13.095.

Đến nay ông Trí đã công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học được hơn 7 năm và đang hưởng lương bậc 3 đại học. Đến năm 2017 ông tốt nghiệp đại học bằng 2 ngành kỹ thuật xây dựng công trình. Nay ông Trí dự kiến xin xét tuyển vào công chức không qua thi tuyển tại Sở Xây dựng tại vị trí việc làm còn thiếu.

Ông Trí hỏi, theo quy định tại Thông tư 03/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ, trường hợp của ông xét về thời gian công tác và bằng tốt nghiệp đại học bằng 2 thì có đủ điều kiện để xét tuyển công chức không qua thi tuyển không?

Trả lời:

Về điều kiện tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển được thực hiện theo quy định Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cc ngày 29/11/2018 của Chính phủ và Khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, viên chức khi chuyển thành công chức phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với trường hợp của ông tốt nghiệp đại học năm 2010 và có thời gian làm viên chức tại Trung tâm Tư vấn kiểm định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng từ năm 2012. Như vậy, ông có thể được xét tuyển vào công chức không qua thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu kinh nghiệm công tác phù hợp với công việc ông đã đảm nhận tại Trung tâm Tư vấn kiểm định xây dựng.

Trân trọng./.

3. Chế độ ưu đãi cán bộ công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn

Nghị định 76/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019; theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ hưởng lương từ ngân sách nhà nước công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được hưởng các chế độ sau:

3.1. Phụ cấp thu hút

Mức hưởng bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK không quá 05 năm.

3.2. Phụ cấp công tác lâu năm

Mức hưởng hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK như sau:

– Mức 0,5 áp dụng khi từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

– Mức 0,7 áp dụng khi từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

– Mức 1,0 áp dụng khi từ đủ 15 năm trở lên.

3.3. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng ĐBKK

Mức trợ cấp bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác, do cơ quan tiếp nhận chi trả ngay khi đến nhận công tác.

Trường hợp có gia đình đi theo đến nơi công tác thì được hưởng thêm:

– Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi;

– Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

3.4. Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch

Mức trợ cấp được hưởng 01 tháng là: a x (c – d).

Mức trợ cấp được hưởng trong 01 năm là: a x (c – d) x b.

Trong đó:

– Định mức tiêu chuẩn: 6 mét khối/người/tháng (a);

– Số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 1 năm (b);

– Chi phí mua và vận chuyển 01 mét khối nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của đối tượng được hưởng do UBND cấp tỉnh quy định (c);

– Giá nước ngọt và sạch để tính chi phí nước ngọt và sạch trong tiền lương là giá kinh doanh 01 mét khối nước sạch do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định (d).

Điều kiện để được hưởng trợ cấp này là công tác ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK, do điều kiện tự nhiên không có nước ngọt và sạch hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm.

3.5. Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng ĐBKK hoặc khi nghỉ hưu

Điều kiện hưởng:

Đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng ĐBKK hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng ĐBKK).

Mức trợ cấp:

01 năm công tác với vùng ĐBKK được trợ cấp bằng 1/2 mức lương tháng hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng ĐBKK hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng ĐBKK).

3.6. Tiền tàu xe

Được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình, ngoài tiền lương được hưởng theo quy định khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng.

3.7. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

– Hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập trong trường hợp được cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm.

– Hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng dân tộc ít người bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy trong trường hợp công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao.

3.8. Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Mức hưởng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng ĐBKK.

Lưu ý, loại phụ cấp này áp dụng đối với:

– Công chức, viên chức và NLĐ là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

– Công chức, viên chức và NLĐ trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên.

3.9. Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục

– Phụ cấp lưu động

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.

– Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Vùng có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK bao gồm:

– Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

– Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

– Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Quy trình, thủ tục chuyển viên chức thành công chức mới nhất

Việc viên chức được chuyển sang công chức thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

4.1. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm công chức

– Sơ yếu lý lịch công chức (lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận), có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong đó, không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nếu có bằng tốt nghiệp chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm dự tuyển hoặc được miễn phần thi ngoại ngữ, tin học.

– Giấy chứng nhận sức khỏe (cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận);

– Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận (về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác), có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

4.2. Thủ tục

– Khi chuyển từ viên chức sang công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức: Phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch (điểu a khoản 4 Điều 18 Nghị định 138).

Trong đó, Hội đồng này có nhiệm vụ là kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; tổ chức sát hạch về trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; báo cáo kết quả sát hạch.

– Khi chuyển từ viên chức sang công chức để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận.

4.3. Hình thức và nội dung sát hạch

– Hình thức sát hạch: Phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết.

– Nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch: Do Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

– Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm tra, sát hạch: Nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

5. Điều kiện xét tuyển tuyển đặc cách viên chức?

Căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức, yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng, Điều 13 Nghị đinh 115/2020/NĐ-CP quy định, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng xem xét tiếp nhận vào viên chức các trường hợp đặc cách sau đây:

– Có ít nhất 05 năm làm ở vị trí yêu cầu trình độ đại học trở lên, phù hợp vị trí cần tuyển, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:

  • Người đang là cán bộ, công chức cấp xã;
  • Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc ngoài công lập;
  • Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
  • Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
  • Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

– Có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp vị trí việc làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, ngành nghề truyền thống;

– Từng là cán bộ, công chức, viên chức sau đó được chuyển đến lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…

Theo đó, 05 năm đóng bảo hiểm xã hội không kể thời gian tập sự, thử việc. Đồng thời, được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm không liên tục mà chưa nhận trợ cấp một lần kể cả trước đó có công tác ở vị trí công việc thuộc các đối tượng trên. Như vậy, hiện nay, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được xem xét tiếp nhận vào viên chức các trường hợp đặc cách nêu trên nếu các đối tượng đáp ứng các điều kiện tương ứng.

Mọi vướng mắc pháp lý về chế độ công chức, viên chức vui lòng gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến về trường hợp cụ thể của Bạn.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group