1. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không được quy định như thế nào?

Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không mới nhất năm 2019

Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

Trả lời:

1. Khái niệm Kinh doanh vận tải hàng không và phân loại kinh doanh vận tải hàng không

Theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam thì vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Vận chuyển hàng không bao gồm vận chuyển hàng không thường lệ và vận chuyển hàng không không thường lệ.

Kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện. Kinh doanh vận tải hàng không phải đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bày khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Điều 6,7,8, 9 của Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Kinh doanh vận tải hàng không bao gồm hai hình thức kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

a) Kinh doanh vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi bằng đường hàng không nhằm mục đích sinh lợi.

b) Kinh doanh hàng không chung là hoạt động hàng không chung nhằm mục đích sinh lợi bằng tàu bay trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ theo quy định Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Để thực hiện kinh doanh vận tải hàng không thì doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định và chúng ta sẽ đi làm rõ vấn đề đó bây giờ.

2. Về vốn pháp định (được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 89/2019/NĐ-CP, cụ thể🙂

* Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không như sau:

– Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;

– Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;

– Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam;

* Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.

* Đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài khi kinh doanh vận chuyển hàng không phải đáp ứng các điều kiện:

– Nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ;

– Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.

– Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

3. Về điều lệ vận chuyển:

Mỗi doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không phải có trách nhiệm xây dựng, đăng ký và ban hành Điều lệ vận chuyển của hãng phù hợp với quy định của pháp luật. Điều lệ vận chuyển phải bao gồm các nội dung sau: quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển; quyền và nghĩa vụ của khách hàng; vé; giá dịch vụ vận chuyển và điều kiện áp dụng; đặt giữ chỗ; lịch bay; quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp gián đoạn, chậm chuyến, khởi hành sớm, hủy chuyến bay, từ chối và hạn chế chuyên chở; nghĩa vụ hoàn trả tiền; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho hành khách; vận chuyển hành khách đặc biệt.

4. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

Được quy định tại điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012. Theo đó, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;

– Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;

– Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;

– Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;

– Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;

– Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

5. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hàng không:

Cụ thể fhành phần hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu)

+ Báo cáo (kèm tài liệu chứng minh) về việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng không trong đó gồm các nội dung: Phương án về số lượng tàu bay dự kiến khai thác; phương án tổ chức bộ máy bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận tải hàng không, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm; nhãn hiệu dự kiến sử dụng; sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp;

+ Bản chính văn bản xác nhận vốn;

+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) các giấy tờ sau: quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của những người phụ trách quy định tại Điều 7 Nghị định 89/2019/NĐ-CP.

+ Hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê mua hoặc thuê tàu bay;

+ Bản sao Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp;

+ Danh sách thành viên, cổ đông tại thời điểm nộp hồ sơ; danh sách thành viên, cổ đông phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; chỗ ở hiện tại; tỷ lệ phần vốn góp hay số cổ phần nắm giữ; người đại diện quản lý phần vốn góp đối với thành viên, cổ đông là tổ chức; thỏa thuận góp vốn của các cổ đông, thành viên (bản sao có xác nhận của doanh nghiệp hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu).

6.Thẩm quyền cấp: Cục Hàng không Việt Nam.

7. Thời hạn cấp: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thẩm định

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.Trường hợp Bộ Giao thông vận tải không chấp thuận kết quả thẩm định thì có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam và nêu rõ lý do.

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung. Trường hợp không cho phép, Thủ tướng Chính phủ thông báo tới Bộ Giao thông vận tải và nêu rõ lý do.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép hoặc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc không cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

8. Các mã ngành nghề về kinh doanh vận tải hàng không

Theo Hệ thống các ngành nghề kinh tế ở Việt Nam hiện nay được quy định trong Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, thì khi doanh nghiệp muốn thực hiện kinh doanh vận tải hàng không thì có thể đăng ký những mà ngành liên quan trực tiếp đến ngành này như đã nêu dưới đây:
51: VẬN TẢI HÀNG KHÔNG
Ngành này gồm: Vận tải hành khách hoặc hàng hóa bằng máy bay.
Loại trừ:
– Phun thuốc hoặc hóa chất cho cây trồng bằng máy bay được phân vào nhóm 01610 (Hoạt động dịch vụ trồng trọt);
– Đại tu máy bay hoặc động cơ máy bay được phân vào nhóm 33150 (Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác);
– Hoạt động của sân bay được phân vào nhóm 52231 (Dịch vụ điều hành bay) và nhóm 52239 (Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp khác cho vận tải hàng không);
– Quảng cáo trên không (chữ hoặc hình quảng cáo trên nền trời được tạo ra từ những vệt khói của máy bay) được phân vào nhóm 73100 (Quảng cáo);
– Chụp ảnh trên không được phân vào nhóm 74200 (Hoạt động nhiếp ảnh).
511 – 5110: Vận tải hành khách hàng không
Nhóm này gồm:
– Vận tải hành khách bằng đường không các chuyến bay thường lệ và không thường lệ;
– Vận tải hành khách các chuyến bay chở thuê;
– Vận tải hành khách các chuyến bay ngắm cảnh, thăm quan.
Nhóm này cũng gồm:
– Cho thuê máy bay có người lái để vận tải hành khách;
– Hoạt động hàng không như: Vận tải hành khách của các câu lạc bộ hàng không cho mục đích giáo dục hoặc vui chơi.
51101: Vận tải hành khách hàng không theo tuyến và lịch trình cố định
Nhóm này gồm:
– Vận tải hành khách bằng đường không các chuyến bay theo lịch trình và tuyến thường xuyên, cố định
51109: Vận tải hành khách hàng không loại khác
Nhóm này gồm:
– Vận tải hành khách các chuyến bay chở thuê với các địa điểm theo yêu cầu của khách hàng, các chuyến bay ngắm cảnh, thăm quan.
Nhóm này cũng gồm:
– Cho thuê máy bay có người lái để vận tải hành khách.
– Hoạt động hàng không như: Vận tải hành khách của các câu lạc bộ hàng không cho mục đích giáo dục hoặc vui chơi.
512 – 5120: Vận tải hàng hóa hàng không
Nhóm này gồm:
– Vận tải hàng hóa bằng đường không các chuyến bay thường lệ hoặc không thường lệ;
– Vận tải hàng hóa bằng đường không các chuyến bay không theo lịch trình;
– Phóng vệ tinh và tàu vũ trụ.
Nhóm này cũng gồm: Thuê máy bay có người lái để vận tải hàng hóa.
51201: Vận tải hàng hóa hàng không theo tuyến và lịch trình cố định
Nhóm này gồm:
– Vận tải hàng hóa bằng đường không các chuyến bay theo lịch trình và tuyến thường xuyên, cố định.
51209: Vận tải hàng hóa hàng không loại khác
Nhóm này gồm:
– Vận tải hàng hóa tới các địa điểm theo yêu cầu của khách hàng
Nhóm này cũng gồm: Cho thuê máy bay có người lái để vận tải hàng hóa.
Tóm lại dựa trên các mã ngành nghề trên đây doanh nghiệp có thể lựa chọn mã ngành nghề phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp mình hay nhu cầu mà doanh nghiệp đang muốn đáp ứng hoặc cung cấp cho khách hàng.

Mọi vướng mắc vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group