Khách hàng: Thưa Luật sư của LVN Group, được biết Bộ luật lao động năm 2019 cho phép tại doanh nghiệp người lao động có thể thành lập tổ chức đại diện người lao động khác với tổ chức công đoàn. Vậy việc thành lập tổ chức đại diện này có cần đáp ứng điện kiện gì không? Cụ thể có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong quan hệ lao động? Mong Luật sư của LVN Group giải đáp.

Xin cảm ơn!

 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

I. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật lao động năm 2019

II. Luật sư tư vấn

1. Điều kiện thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp 

Theo quy định của Bộ lao động năm 2019, các tổ chức đại diện người lao động khác chỉ được thành lập ở cấp cơ sở, tức tương đương với cấp thấp nhất của hệ thống tổ chức công đoàn. Cụ thể điều 172 Bộ luật lao động 2019 quy định về thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:

1. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.

2. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 của Bộ luật này hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.

4. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

=> Như vậy, không có ngoại lệ, bất kỳ tổ chức nào được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, điều kiện đầu tiên chính là tuân thủ Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan.

Về hồ sơ, trình tự thủ tục đến nay vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ. Nhưng tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp bắt buộc phải có điều lệ và nội dung điều lệ được quy định tại Điều 174 Bộ luật lao động 2019.

Bên cạnh đó, về xây dựng nội bộ tổ chức, Điều 173 Bộ luật lao động 2019 quy định về xác định ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như sau:

1. Tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, để được thành lập và hoạt động tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp trước hết cần thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước. Cùng với đó, tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay, số lượng thành viên tối thiểu này vẫn chưa được xác định vì vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ.

Ngoài ra, cũng theo Điều luật này, Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động do thành viên của tổ chức đó bầu ra. Ban lãnh đạo là cơ quan quan trọng của tổ chức để dẫn dắt các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Theo quy định, thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự. Bộ luật lao động không có quy định về số thành viên trong ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp.

Như vây, mặc dù pháp luật lao động đã ghi nhận thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp là quyền của người lao động, tuy nhiên cho đến nay các quy định cụ thể để thực thi hiệu quả quyền này lại chưa được ban hành. Chúng tôi thông tin đến bạn những quy định đã có của pháp luật hiện hành về vấn đề này sẽ còn những hạn chế nhất định.

 

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp

Theo Điều 178 Bộ luật lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.

2. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.

3. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.

4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.

5. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.

6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.

7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy thương lượng tập thể là một trong những hoạt động chính và là một trong các quyền quan trọng nhất của một tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, và việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải gắn liền với quyền thương lượng tập thể dành cho tổ chức này. Bởi vậy, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là quyền được nêu tên đầu tiên trong danh sách các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Điều 65 Bộ luật lao động 2019 định nghĩa thương lượng tập thể là: “việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”

Tuy nhiên, không phải tất cả các tổ chức đại diện người lao động được thành lập hợp pháp đều có quyền thương lượng tập thể. Theo quy định của Điều 68 Bộ luật lao động 2019 về quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, các nhà làm luật xác định, một tổ chức có quyền thương lượng hay không dựa trên tỷ lệ người lao động mà tổ chức đó đại diện trong doanh nghiệp. Theo đó, một tổ chức sẽ có quyền thương lượng khi đạt một trong các điều kiện sau:

1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.

3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Kiến nghị hướng dẫn chi tiết thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù Bộ luật lao động đã cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động khác với công đoàn tại cơ sở, nhưng những quy định liên quan đến tổ chức này vẫn còn chưa cụ thể.

Hiện tại, Bộ luật lao động vẫn chưa xác định số lượng thành viên tối thiểu để có thể thành lập một tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, hay việc thành lập này có nên bắt buộc với doanh nghiệp không, hoặc số lượng thành viên lãnh đạo của tổ chức như thế nào. Những nội dung này được Bộ luật lao động giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Đối với việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng cần áp dụng quy định về số lượng tối thiểu tương đương với tổ chức Công đoàn là 5 thành viên. Như thế sẽ đảm bảo công bằng giữa hai loại hình tổ chức trong việc thành lập. Bên cạnh đó, khác với tổ chức Công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không bắt buộc phải thành lập mà dựa trên sự tự nguyện cũng như nhu cầu của người lao động.

Đối với số lượng thành viên ban lãnh đạo của tổ chức, chúng tôi cho rằng, cần quy định số lượng theo hướng tỷ lệ thuận với số thành viên tham gia và phù hợp với ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc tiếp cận sâu sát giữa thành viên lãnh đạo với các thành viên khác trong tổ chức, lắng nghe và đáp ứng một cách có hiệu quả nguyện vọng của người lao động thành viên, chứ không nhất thiết phải là một số lượng người cụ thể. Mặt khác, thành viên lãnh đạo cũng không được là người thân của người sử dụng lao động hay đồng sở hữu hoặc nằm trong Ban quản trị doanh nghiệp, nhằm tránh việc thành lập tổ chức đại diện người lao động chỉ mang tính hình thức, hoạt động kém hiệu quả, không bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Ngoài ra, liên quan đến quyền thương lượng tập thể của tổ chức của người lao động, cần làm rõ thêm tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền này khi đạt đến tỷ lệ đại diện bao nhiêu. Theo chúng tôi, có thể tham khảo tỷ lệ tán thành của thỏa ước lao động tập thể để áp dụng cho quy định về quyền thương lượng, nhằm làm cho hoạt động thương lượng tập thể thực sự có ý nghĩa và mang lại kết quả tốt nhất cho người lao động.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group