Kính chào công ty luật LVN Group. Tôi có thắc mắc sau mong nhận được tư vấn từ chuyên mục tư vấn pháp lý của công ty. Hãy giải đáp giúp tôi định nghĩa về trưng cầu ý dân, trưng cầu ý dân có ý nghĩa gì? Trưng cầu ý dân có phải là bầu cử hay không? Rất mong nhận được tư vấn từ ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người hỏi: Đông Hùng – Hải Phòng
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Hiến pháp năm 2013
– Luật trưng cầu ý dân năm 2015
2. Định nghĩa trưng cầu dân ý
Có quan niệm cho rằng, “trưng cầu dân ý” hay “trưng cầu ý dân” (Referendum/plebiscite/Référendum) là “một hoạt động do nhà nước thực hiện để nhân dân bỏ phiếu quyết định hoặc bày tỏ ý kiến về những việc đặc biệt quan trọng của quốc gia”.
Theo Từ điển Pháp – Việt, pháp luật – hành chính thì “trưng cầu ý dân” (Référendum) là “một hình thức tổ chức và hoạt động của nền dân chủ nửa trực tiếp, qua đó dân cộng tác và tham gia vào quyền lập pháp. Lấy ý kiến nhân dân bằng cách tổ chức bỏ phiếu để nhân dân trực tiếp quyết định về một vấn đề quan trọng của đất nước, như thông qua Hiến pháp, một đạo luật, quyết định một chính sách, hoặc yêu cầu Quốc hội biểu quyết một dự án luật do nhân dân có sáng kiến đề nghị…”.
Thuật ngữ “trưng cầu ý dân” (Referendum) có nguồn gốc từ tiếng Latinh và được hiểu là sự bỏ phiếu của cử tri nhằm mục đích thông qua các quyết định có tính chất quốc gia hay địa phương. Trong tiếng Anh, trưng cầu ý dân (Referendum) là việc đưa một văn bản của cơ quan lập pháp, một đề nghị sửa đổi Hiến pháp hay một vấn đề quan trọng của quốc gia để toàn dân quyết định dưới hình thức bỏ phiếu. Trong tiếng Pháp, trưng cầu ý dân (Référendum) là thủ tục cho phép công dân của một quốc gia bày tỏ sự tán thành hay bác bỏ một biện pháp (giải pháp) do cơ quan nhà nước đưa ra thông qua hình thức bỏ phiếu.
Hiện hành theo quy định của Luật trưng cầu ý dân giải thích thuật ngữ “trưng cầu ý dân” như sau: “Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này”
Như vậy, có thể hiểu trưng cầu ý dân là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo quy định của pháp luật, đưa một vấn đề quan trọng để nhân dân trực tiếp quyết định thông qua việc bỏ phiếu.
3. Phân biệt “trưng cầu ý dân” và “bầu cử”
“Bầu cử” là chế định pháp lý thông dụng và phổ biến ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thuật ngữ “bầu cử” được sử dụng trong nhiều trường hợp, có thể là tổng tuyển cử toàn quốc bầu Quốc hội; là bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp hoặc bầu người lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức. Bầu cử có thể được thực hiện trong cơ quan nhà nước, trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế…
Trong trường hợp tổng tuyển cử toàn quốc bầu Quốc hội hoặc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhân dân trực tiếp lựa chọn người đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước. Thông qua các cuộc bầu cử này, nhân dân xác lập cơ chế dân chủ đại diện với các thiết chế quốc hội/nghị viện và hội đồng nhân dân các cấp.
Bầu cử và trưng cầu ý dân có nhiều nét tương đồng với nhau, thể hiện ở chỗ: đều là việc nhân dân được trực tiếp quyết định; đối tượng tham gia cũng tương tự nhau, người có quyền bầu cử cũng có quyền tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân và đều được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu. Tuy nhiên, điểm khác biệt căn bản giữa “bầu cử” và “trưng cầu ý dân” là: bầu cử hướng tới việc lựa chọn những người đại diện cho mình tham gia vào bộ máy nhà nước, còn trưng cầu ý dân lại hướng tới việc lựa chọn một phương án, một mô hình hay cách giải quyết một vấn đề nhất định.
4. Đặc điểm cơ bản của trưng cầu ý dân là gì?
Trưng cầu ý dân có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, trưng cầu ý dân luôn có hai loại chủ thể cơ bản: một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và một bên là đông đảo quần chúng nhân dân
Nhà nước đóng vai trò là chủ thể tổ chức cuộc trưng cầu ý dân. Bất kỳ một cuộc trưng cầu ý dân nào cũng đều do nhà nước mà đại diện là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra tổ chức, cho dù đó là cuộc trưng cầu ý dân ở phạm vi toàn quốc hay địa phương. Ở Pháp, Ucraina, Ai Cập… chủ thể có quyền quyết định tổ chức trưng cầu ý dân là Tổng thống. Ở nước ta, theo khoản 15 Điều 70 Hiến pháp 2013 thì quyết định việc trưng cầu ý dân thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổ chức trưng cầu ý dân.
Chủ thể hướng tới của trưng cầu ý dân là nhân dân, nhân dân là chủ thể trung tâm của hoạt động này. Nhân dân ở đây được đặt trong mối quan hệ với nhà nước nên mang tính đại chúng chứ không bó hẹp trong nội bộ của một cơ quan, tổ chức, một giới hay một tầng lớp dân cư trong xã hội. Thực tiễn trưng cầu ý dân ở các nước cho thấy, những người tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân là những người có đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử phổ thông theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề hệ trọng của quốc gia hoặc của địa phương
Phạm vi những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân ở các nước khác nhau cũng khác nhau, nhưng hầu hết các nước đều quy định đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề có tính chất hệ trọng đối với quốc gia hoặc với một cộng đồng dân cư. Vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân được các nước thừa nhận rộng rãi và phổ biến nhất là Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp như ở Pháp, Thuỵ Sỹ, Armenia. Ngoài ra, đó còn có thể là vấn đề lãnh thổ, các đạo luật về tổ chức bộ máy công quyền, các hiệp ước quốc tế như Hiến pháp nước Cộng hoà Pháp quy định. Việc trưng cầu ý dân ở một địa phương cũng tương tự như vậy, vấn đề được đưa ra trưng cầu thường là những vấn đề quan trọng của địa phương, liên quan đến quyền hoặc lợi ích chung của cộng đồng dân cư và được cử tri ở địa phương đó đặc biệt quan tâm.
Ở nước ta, những vấn đề theo quy định cần được trưng cầu ý dân được quy định tại Điều 6 Luật trưng cầu ý dân năm 2015:
Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây:
1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp;
2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia;
3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước;
4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Thứ ba, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân được pháp luật quy định chặt chẽ
Trưng cầu ý dân là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia hoặc một địa phương. Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân có ảnh hưởng to lớn đến chính sách phát triển của đất nước. Một kết quả phản ánh sai lệch ý nguyện của nhân dân trong cuộc trưng cầu ý dân có thể dẫn đến xung đột quốc tế, xung đột sắc tộc. Vì vậy, các quốc gia có chế định trưng cầu ý dân đều quan tâm đặc biệt đến việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ về trưng cầu ý dân nhằm có thể thu nhận được một cách chính xác nhất ý nguyện của nhân dân. Ở một số nước (Thuỵ Sỹ, Brazil…), trình tự, thủ tục này được quy định cụ thể ngay trong Hiến pháp; nhưng riêng Thuỵ Điển, trình tự, thủ tục này lại được quy định cụ thể trong luật.
Ở nước ta, với sự ban hành Luật trưng cầu ý dân năm 2015, trình tự, thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân đã được quy định cụ thể.
Thứ tư, cơ sở pháp lý của trưng cầu ý dân bao giờ cũng là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao trong hệ thống pháp luật quốc gia
Do tính chất quan trọng của vấn đề nên nhìn chung, ở hầu hết các nước, vấn đề trưng cầu ý dân đều được quy định trong Hiến pháp và là một chế định pháp lý mang tính hiến định. Tuy nhiên, nếu như Thuỵ Sĩ, Brazil, Ai Cập quy định cụ thể về vấn đề trưng cầu ý dân trong Hiến pháp thì Thuỵ Điển chỉ quy định trong Hiến pháp rằng, sẽ có một đạo luật quy định cụ thể về vấn đề trưng cầu ý dân.
Hiến pháp năm 1992, năm 2013 của nước ta giao cho Quốc hội quyền quyết định việc trưng cầu ý dân và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện). Để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp đồng thời cũng là để cho các quy định về trưng cầu ý dân có thể triển khai thi hành trên thực tế, Quốc hội đã quyết định việc xây dựng một đạo luật riêng quy định về trưng cầu ý dân.
5. Bản chất của trưng cầu ý dân là gì?
Quan niệm phổ biến hiện nay ở Việt Nam cho rằng, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp. Quan niệm này không sai, nếu nhìn ở góc độ người dân được trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hoặc của cộng đồng mình. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào nghiên cứu về bản chất, nội dung và hình thức thể hiện của trưng cầu ý dân thì cần phải xem xét lại quan điểm trên. Bởi lẽ, về bản chất, dân chủ trực tiếp là hình thức theo đó nhân dân phải được toàn quyền (một cách thực chất) và trực tiếp quyết định những vấn đề liên quan đến họ mà không có sự chi phối hay tham gia của bất cứ một chủ thể nào khác; nghĩa là, nhân dân phải là chủ thể duy nhất và trực tiếp của quá trình thực hành dân chủ này.
Thực tiễn ở các nước cho thấy, trừ một số không phổ biến các cuộc trưng cầu ý dân có tính chất địa phương mà theo đó, nhân dân (cử tri địa phương) được thực sự thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, (ví dụ như các cuộc trưng cầu ý dân của các địa phương ở Thuỵ Sĩ), còn hầu hết các cuộc trưng cầu ý dân có tính chất toàn quốc khác, nhân dân không phải là chủ thể duy nhất mà chỉ là một trong số các chủ thể tham gia vào quy trình dân chủ này. Trong quá trình trưng cầu ý dân, ngoài chủ thể là nhân dân ra còn có các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa ra sáng kiến, quyết định, xác định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, tổ chức và công nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Các cơ quan, tổ chức này có vai trò quan trọng, chi phối rất lớn đến kết quả cuối cùng của hoạt động trưng cầu ý dân. Trong nhiều trường hợp, nhân dân không có quyền đưa ra các vấn đề để bỏ phiếu trưng cầu ý dân mà chỉ có quyền nói “đồng ý” hoặc “không đồng ý” với vấn đề mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã lựa chọn đưa ra trưng cầu. Đấy là nói về các cuộc trưng cầu ý dân mà trong đó ý kiến nhân dân là quyết định, còn có những cuộc trưng cầu ý dân mà ý kiến của nhân dân chỉ có ý nghĩa tham khảo thì quyết định cuối cùng luôn thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, chúng tôi đồng tình với quan điểm của một số học giả[9] cho rằng, trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ bán trực tiếp (hay còn gọi là dân chủ bán trực trị).
6. Ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân là gì?
Nhìn chung, kết quả các cuộc trưng cầu ý dân thường có giá trị “buộc” các cơ quan nhà nước phải chấp nhận theo ý kiến đa số của nhân dân. Cho dù là cuộc trưng cầu ý dân mang tính chất quyết định hay mang tính chất thăm dò thì ý kiến đa số của nhân dân phản ánh ở kết quả của cuộc trưng cầu ý dân thường có ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Bởi vì, không một chính quyền nào lại bỏ qua nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Tuy nhiên, vi là ý kiến của số đông nên nhìn chung, kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân thường hướng tới sự ổn định về mặt xã hội và vì vậy, đây cũng là một thử thách lớn cho các kế hoạch hoặc quyết định mang tính chất đột phá, cách mạng được đề xuất và đưa ra trưng cầu ý dân.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập