1. “Độ” xe máy bị xử lý như thế nào?

Thưa Luật sư cho em hỏi em có độ một chiếc xe máy . Như vậy em đi xe máy độ trên đường thì có bj xử phạt vi phạm hành chính hay không ?
Mong Luật sư tư vấn cho tôi. Cám ơn Luật sư.

Trả lời:

Thứ nhất là trường hợp xe độ của bạn, “độ” xe có nghĩa là thực hiện hành vi thay đổi khác đi so với nguyên bản mà nhà sản xuất bán ra thị trường. Mà theo đó, căn cứ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe,
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;
b) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe;

2. Vượt đèn vàng có vi phạm Luật?

Chào Luật sư! Theo Luật giao thông đường bộ thì vượt đèn vàng có quy định như thế nào? Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào? Trường hợp nào không bị xử phạt khi vượt đèn vàng?
Cảm ơn Luật sư rất nhiều!

Trả lời:

1. Theo quy định củaLuật giao thông đường bộ năm 2008:

Người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Theo đó, khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định như sau:

3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:

c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

2. Tín hiệu đèn Vàng được cụ thể hoá trong QC 41/2016/BGTVT như sau:

10.3.2. Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

3. Hành vi vượt đèn Vàng sẽ bị xử phạt như sau:

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Cụ thể như sau:

– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm bị phạt tiền từ 600.000 – 01 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

– người điều khiển xe ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

-Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng.

– Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng

– Người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm bị phạt tiền từ 60.000 – 100.000 đồng

Như vậy, hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP,. Ngoại trừ “trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Nếu đang điều khiển mà thấy có tín hiệu đèn vàng mà quan sát thấy dừng lại sẽ nguy hiểm thì có thể đi tiếp mà không bị xử phạt hành vi vượt đèn vàng.

3. Không có biên bản xử phạt hành chính?

Xin chào Công ty Luật LVN Group, tôi có vướng mắc mong quý công ty tư vấn giúp tôi như sau: Tôi có vi phạm lỗi giao thông vượt quá tốc độ cho phép (tốc độ 62/50 km/h) và tôi quên giấy tờ ở nhà. Nhưng hôm đó, tôi về nhà lấy thì khi quay lại không thấy Cảnh sát giao thông đâu nữa và xe tôi bị giữ nay đã gần 04 tháng. Tôi không có biên bản thì giờ tôi có lấy xe được không?
Mong sớm nhận được phản hồi của quý công ty, tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, theo đó:

Cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

– Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;

– Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

– Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.

Như thông tin bạn cung cấp, bạn bị giữ phương tiện đến thời điểm hiện nay đã 04 tháng nhưng bạn không được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định của pháp luật, mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Do đó, bạn có quyền làm đơn Khiếu nại gửi trực tiếp tới cơ quan Cảnh sát giao thông đã tạm giữ phương tiện của bạn vì cơ quan này đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong đó, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Chính vì vậy, việc cơ quan có thẩm quyền đã tạm giữ xe của bạn trong khoảng thời gian là 04 tháng và không có biên bản xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định của pháp luật. Lúc này, khi không có biên bản xử phạt vi phạm hành chính bạn có thể lấy lại xe của bạn nhưng bạn phải làm đơn Khiếu nại nộp cho cơ quan Cảnh sát giao thông nơi đang giữ xe của bạn để yêu cầu giải quyết.

4. “Bốc đầu” khi đi xe máy có thể bị xử phạt?

Chào công ty luật LVN Group, tôi muốn tư vấn về những hành vi như lạng lách, đánh võng, bốc đầu khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt như thế nào? Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group !

Trả lời:

Tham gia giao thông an toàn là hạnh phúc và cũng là trách nhiệm của mọi người dân.

Bên cạnh những lỗi thường thấy như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều,… thì hành vi điều khiển xe lạng lách, đáng võng, bịt mắt, bỏ hai tay, đi xe bằng 1 bánh đối với xe đi 2 bánh,… gây ra mối nguy hiểm rất lớn cho những người cùng tham gia giao thông và cho chính người thực hiện hành vi.

Theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với hành vi ” bốc đầu”, nghĩa là điều khiển xe bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh có thể bị xử lý với mức cao nhất lên tới 14.000.000 đồng nếu như người điều khiển xe thực hiện hành vi trên gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thực hiện nhiệm vụ ( lực lượng cảnh sát giao thông, cơ động,…).

Tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ_CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
b) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;
c) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ.

Chưa tính đến các lỗi vi phạm khác như: không mang Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe,… thì người vi phạm còn có thể chịu mức phạt tiền cao hơn.

Ngoài ra, người điều khiển xe moto, xe gắn máy còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại đủ cấu thành tội phạm theo như Bộ luật hình sự hiện hành.

5. Thời hạn giam xe theo quy định ?

Xin chào Luật sư của LVN Group, xin hỏi em có bị công an giao thông bắt xe về lỗi vi phạm. Không đội mũ bảo hiểm, không cà vẹt và không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (tnds) Công an lập biên bản tạm giữ xe e 2 ngày. Sau 2 ngày lên lên thì bên phía ca giao thông hẹn em thêm 6 ngày nữa sau 6 ngày bên cagt bảo để lại số điện thoại khi nào có sẽ gọi lên lấy họ bảo bên chỉ huy bây giờ đổi nguời nên chưa ký được biên bản trả xe.
Vậy bây giờ em phải làm gì để được lấy xe ra thưa Luật sư của LVN Group ?
Cảm ơn Luật sư của LVN Group.
Trả lời:
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
1. Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
2. Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
3. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt (trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính)
Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.”
Thời hạn tạm giữ phương tiện:
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Khoản 8, Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
Trình tự, thủ tục:
Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến; trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.
Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.
Như vậy: Thời hạn tạm giữ phương tiện đối với một vụ việc thông thường là 07 ngày. Với trường hợp này bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi ra cơ quan đã ra quyết định xử lý hành chính đối với bạn để yêu cầu trả lại xe đúng thời hạn pháp luật quy định.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật giao thông – Công ty luật LVN Group