1.Quy định của BLTTHS năm 2015 về hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự

>>Luật sư tư vấn hình sự trực tuyến :1900.0191

Qua theo dõi hoạt động thực tiễn cho thấy, cùng với các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, khám xét… thì hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, giải quyết mâu thuẫn, kiểm tra tài liệu thu thập được để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Mặc dù, tại Điều 138 BLTTHS năm cũ đã có quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này”; bên cạnh đó, trong thực tiễn để đảm bảo cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thực hiện đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị can, đương sự và những người tham gia tố tụng khác thì trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai giữa bị can, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành việc đối chất…, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc đối chất đảm bảo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự (*). Tuy nhiên, trong BLTTHS năm cũ chưa có quy định cụ thể ràng buộc bằng pháp luật về trách nhiệm của Kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát hoạt động đối chất của Điều tra viên trong điều tra các vụ án hình sự. Do đó, tại Điều 189 BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể về hoạt động đối chất như sau:

Khoản 1 quy định về căn cứ để đối chất và kiểm sát việc đối chất nêu cụ thể, rõ ràng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người “mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn” thì Điều tra viên tiến hành đối chất. BLTTHS năm cũ chỉ quy định “trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”.

Đáng chú ý là tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể: Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

Khoản 2 Điều 189 bổ sung quy định: “Trước khi đối chất”, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng hoặc bị hại tham gia để cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. BLTTHS năm cũ chỉ quy định chung chung “nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì “trước tiên” Điều tra viên phải giải thích cho họ…”.

Khoản 3 Điều 189 bổ sung quy định về nội dung, cách thức hỏi đối chất cụ thể, rõ ràng hơn và Điều tra viên phải thực hiện, đó là: “Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan”.

Khoản 4 về hình thức lập biên bản, bổ sung thêm: “Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.

Khoản 5 quy định: Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên tiến hành tổ chức đối chất, việc đối chất được thực hiện theo quy định của Điều này.

2.Những điểm Kiểm sát viên cần chú ý khi kiểm sát hoạt động đối chất

>> Xem thêm: Lính đánh thuê là gì ? Quy định pháp luật về lính đánh thuê

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới về trách nhiệm đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên là trước khi Điều tra viên tổ chức tiến hành việc đối chất thì bắt buộc Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tiến hành đối chất của Điều tra viên; trách nhiệm của Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất.

Điểm đáng chú ý là sau khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người bị hại, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biên bản ghi lời khai người làm chứng, Kiểm sát viên cần nghiên cứu biên bản đối chất. Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ vụ án nào hoạt động đối chất cũng được tiến hành, mà phải căn cứ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 (nêu trên) thì Điều tra viên tiến hành đối chất hoặc Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành đối chất. Khi tiến hành kiểm sát việc đối chất, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện đầy đủ các nội dung sau:

– Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc đối chất bảo đảm các hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015. Kiểm sát viên có thể trực tiếp hoặc phối hợp cùng Điều tra viên tiến hành việc đối chất. Khi trực tiếp tiến hành đối chất, Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên biết.

– Sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất để làm rõ mà không phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Việc đối chất và lập biên bản đối chất do Kiểm sát viên tiến hành phải được thực hiện theo đúng quy định tại các điều 189, 178 BLTTHS năm 2015. Biên bản đối chất phải được đưa vào hồ sơ vụ án và sao, lưu hồ sơ kiểm sát một bản.

Đặc biệt, khi nghiên cứu biên bản đối chất Kiểm sát viên cần chú ý:

– Kiểm tra tính hợp pháp của việc đối chất: Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…); trước khi tiến hành đối chất Điều tra viên đã giải thích cho họ biết về trách nhiệm từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối chưa? Điều tra viên đã hỏi họ về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất với nhau chưa? Điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa? Việc ký vào biên bản như thế nào, có ai sửa chữa, ghi thêm nội dung nào vào biên bản không?

– Kiểm tra về nội dung tính có căn cứ của biên bản đối chất: Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn chưa? Những người tham gia đối chất đã trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây như thế nào? Qua trả lời của những người tham gia đối chất thì đã giải quyết được mâu thuẫn chưa, nội dung nào chưa được giải quyết? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết, Kiểm sát viên cần ghi chép đầy đủ để báo cáo lãnh đạo đơn vị, đề xuất tiến hành các hoạt động tiếp theo để giải quyết vụ án.

3. Hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự

>> Xem thêm: Bức cung là gì ? Khái niệm bức cung được hiểu như thế nào ?

Hoạt động đối chất được thực hiện bởi các chủ thể gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, người đối chất và người bị đối chất, trong đó người đối chất và người bị đối chất là các bị can, đương sự hoặc những người làm chứng dưới sự điều khiển trực tiếp, giữ vai trò chủ đạo của Điều tra viên, đồng thời dưới sự kiểm sát chặt chẽ của Kiểm sát viên.

Hoạt động đối chất được thực hiện nhằm làm rõ nguyên nhân, nội dung cụ thể của mâu thuẫn, từ đó loại bỏ mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn và sự tin cậy của những căn cứ đưa ra để chứng minh trong lời khai giữa hai hay nhiều người nhằm tìm ra sự thật của vụ án; thông qua hoạt động đối chất, Điều tra viên giáo dục, cảm hóa những người tham gia đối chất về ý thức tôn trọng pháp luật, cơ quan bảo vệ pháp luật và tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Nhà nước để họ nhận ra lẽ phải…, thay đổi thái độ tiến tới khai báo một cách thành khẩn và trung thực.

Chính vì vậy, hoạt động đối chất cần phải giải quyết được những vấn đề cơ bản sau: (1) Làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà ở hoạt động xét hỏi chưa làm được; (2) Làm sáng tỏ nguyên nhân của sự mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia đối chất; (3) Làm sáng tỏ đặc điểm nhân cách, mối quan hệ của những người tham gia đối chất; (4) Xác định và áp dụng các phương pháp và thủ thuật tác động tâm lý giữa những người tham gia đối chất một cách linh hoạt để đạt được mục đích đề ra.

  • Các chủ thể phòng ngừa tội phạm là ai ? Xã hội hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Trước khi tiến hành hoạt động đối chất, Điều tra viên cần phải tuân thủ các quy định tại Điều 138 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm cũ, đó là, chỉ trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên mới tiến hành đối chất. Điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do BLTTHS quy định, được quyền áp dụng mọi phương pháp, chiến thuật trong đối chất, vì thế, với vai trò là người tổ chức, điều khiển cuộc đối chất, Điều tra viên phải tiến hành hoạt động đối chất theo đúng trình tự quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó mới hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ của vụ án. Đồng thời, chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong thì Điều tra viên mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ. Những lời khai mới này phải được Điều tra viên ghi đầy đủ vào biên bản đối chất, có chữ ký của từng người tham gia hoạt động đối chất.

Kết quả của hoạt động đối chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Sự chuẩn bị của bản thân Điều tra viên một tâm lý vững vàng, tinh thần thoải mái cho cuộc đối chất; xác định mâu thuẫn cần giải quyết; dự đoán các tình huống có thể xảy ra và các phương pháp tác động; chuẩn bị trước tài liệu, chứng cứ cần thiết sẽ đưa ra khi đối chất; tìm hiểu rõ nhân thân, các đặc điểm tâm lý của mỗi chủ thể tham gia đối chất; xác định các câu hỏi bổ sung cho các câu hỏi mà những người tham gia đối chất đặt ra cho nhau; thái độ bình tĩnh, ý chí vững vàng, phong cách đĩnh đạc, có năng lực, trình độ chuyên môn, am hiểu về tâm lý… Nếu có đầy đủ các yếu tố này thì chắc chắn Điều tra viên sẽ đạt được sự thành công khi tổ chức, điều khiển hoạt động đối chất. Ngoài ra, thành công của đối chất còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: Tính thuyết phục của những chứng cứ được nêu ra trong đối chất; cách xử sự của thành viên thứ hai tham gia đối chất; tính chất của mối quan hệ đã có giữa các thành viên…

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự là một trong những hoạt động điều tra mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được giải quyết như: Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước trong hoạt động đối chất chưa chặt chẽ; trong thực tế hiện nay, hoạt động đối chất vẫn chưa có sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát cũng như chưa có mặt của Luật sư…; như vậy đã làm giảm một phần tính khách quan của hoạt động này. Vì vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra cũng như của Điều tra viên, trong đó có vai trò kiểm sát của Viện kiểm sát, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ trong từng điều luật liên quan nội dung bắt buộc Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, trong đó có hoạt động đối chất.

4.Kỹ năng kiểm sát việc đối chất

>>Hỏi cung bị can là gì ? Phân tích quy định pháp luật về hỏi cung bị can ?

Khi tiến hành kiểm sát việc đối chất trong các vụ án ma túy, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện các nội dung sau:

– Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc đối chất bảo đảm các hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015. Kiểm sát viên có thể trực tiếp hoặc phối hợp cùng ĐTV tiến hành việc đối chất. Khi trực tiếp tiến hành đối chất, KSV thông báo trước cho ĐTV biết.

– Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án chuyển sang VKS, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì KSV có thể tiến hành đối chất để làm rõ mà không phải trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung. Việc đối chất và lập biên bản đối chất do KSV tiến hành phải được thực hiện theo đúng quy định tại các điều 189, 178 BLTTHS năm 2015. Biên bản đối chất phải được chuyển ngay cho ĐTV để đưa vào hồ sơ vụ án.

Khi nghiên cứu biên bản đối chất do ĐTV tiến hành, KSV phải kiểm tra cả về tính hợp pháp của việc đối chất và tính có căn cứ của biên bản đối chất. Điều này được thể hiện ở các thao tác như:

– Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…); trước khi tiến hành đối chất, ĐTV đã giải thích cho họ biết về trách nhiệm từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối chưa? Điều tra viên có hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất hay không? Điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa? Những người tham gia đối chất có ký tên đầy đủ vào biên bản hoặc thêm bớt, sửa chữa nội dung nào không?

– Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn hay chưa? Những người tham gia đối chất trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây ra sao? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết? Tất cả vấn đề này, KSV phải ghi chép đầy đủ để báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện phụ trách kiểm sát điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án ma túy.

5.Kỹ năng kiểm sát việc hỏi cung bị can

>>Tình hình tội phạm là gì ? Đặc điểm, ý nghĩa khi nghiên cứu tình hình tội phạm

Xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, thông thường có nhiều đồng phạm thực hiện nhiều giai đoạn khác nhau và có các hành vi khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó, phải tiến hành hỏi cung nhiều bị can cùng một lúc và tiến hành trong một thời gian dài mới làm rõ được tất cả các hành vi phạm tội. Chính vì vậy, Lãnh đạo VKS các cấp chỉ đạo VKS thụ lý vụ án phải tham gia trực tiếp hỏi cung với ĐTV thông qua hoạt động kiểm sát việc hỏi cung để nắm vững nội dung của vụ án ngay từ đầu, phục vụ cho hoạt động truy tố và xét xử sau này. Qua nghiên cứu một số vụ án về ma túy có tính chất điển hình đã được khởi tố, điều tra cho thấy, có khoảng 90% vụ án KSV trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung bị can của ĐTV ít nhất là một lần. Thông qua hoạt động kiểm sát trực tiếp, việc hỏi cung bị can, KSV phối hợp với ĐTV xây dựng kế hoạch hỏi cung bị can, dự kiến trước các chiến thuật cần áp dụng, các tình huống bất lợi có thể xảy ra trong các buổi hỏi cung bị can. Việc hỏi cung có KSV tham gia không chỉ bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật mà nhiều tình tiết của vụ án được làm sáng tỏ. Mặt khác, thông qua phối hợp trong hoạt động kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV nắm được tâm lý khai báo, thái độ khai báo của từng bị can. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn truy tố, đặc biệt là quá trình xét xử tại phiên tòa khi bị can chối tội hoặc viện dẫn lý do là ĐTV mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình để lấy cung. Kiểm sát viên có cơ sở để phản bác lại lời khai báo gian dối của bị cáo tại phiên tòa. Mặt khác, thông qua kiểm sát trực tiếp việc hỏi cung bị can của ĐTV, KSV phát hiện những vấn đề còn mâu thuẫn, những tình tiết cần làm sáng tỏ để đề ra yêu cầu điều tra đối với ĐTV làm rõ những mâu thuẫn, tình tiết này.

Khi trực tiếp kiểm sát việc hỏi cung của ĐTV đối với bị can trong các vụ án về ma túy, KSV phải xác định rõ vị trí, vai trò của mình tránh trường hợp làm thay nhiệm vụ của ĐTV. Kiểm sát viên chỉ hỏi bị can về những nội dung của vụ án cần làm sáng tỏ, những nội dung còn mâu thuẫn chưa phù hợp với những tình tiết đã thu thập được; do đó, để kiểm sát chặt chẽ việc hỏi cung bị can trong các vụ án về ma túy, KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, loại ma túy thu giữ được, số lượng, trọng lượng và đặc điểm tang vật thu giữ cũng như phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội và che giấu tội phạm của bị can trong vụ án. Những thông tin về lai lịch, mối quan hệ gia đình, xã hội của bị can với các đối tượng khác trong đường dây tội phạm về ma túy và các thông tin khác có ý nghĩa trong việc điều tra mở rộng vụ án phải được KSV nắm chắc.

>>Phòng ngừa nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm như thế nào ?

Trước khi tiến hành kiểm sát việc hỏi cung, KSV chủ động trao đổi với ĐTV về kế hoạch, nội dung, phương pháp tiến hành, nhất là trong những trường hợp có bị can chối tội, kêu oan…; các tình huống khi có Luật sư tham gia và đặt câu hỏi đối với bị can cũng như việc mời người phiên dịch, người giám hộ tham gia hỏi cung trong những trường hợp pháp luật tố tụng bắt buộc phải có sự tham gia của họ.

Trong khi tiến hành việc hỏi cung các bị can phạm tội về ma túy, KSV phải chú ý quan sát phòng hỏi cung, lựa chọn vị trí phù hợp để ngồi quan sát toàn bộ quá trình hỏi cung của ĐTV. Kiểm sát việc ĐTV kiểm tra lý lịch, giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can theo quy định. Đồng thời KSV cũng phải chú ý đến tình trạng sức khỏe của bị can trước khi hỏi cung và giải quyết các đề nghị của bị can (nếu bị can có đặt ra). Bên cạnh đó, KSV cũng phải quan sát thái độ của ĐTV, phương pháp hỏi cung, cách đặt câu hỏi nhằm tránh những trường hợp mớm cung, ép cung hoặc dụ cung đối với bị can; nội dung câu hỏi có tập trung vào làm rõ những vấn đề cần làm sáng tỏ trong vụ án ma túy hay không?

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.0191, để được Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group (biên tập)