NỘI DUNG YÊU CẦU
Chào Công ty Luật LVN Group, em tên là Nguyễn Văn Mạnh, nơi thường trú của em đang ở Hưng Yên. Em đang theo học chuyên ngành luật tại một trường đại học ở Hà Nội. Hiện tại trong quá trình học tập và nghiên cứu thì em đang tìm hiểu về vấn đề thi hành án hình sự ở nước ta, đó là một vấn đề tương đối rộng nên em nghiên cứu từng phần một. Và nội dung đang được em quan tâm và muốn được biết rõ là về đối tượng điều chỉnh của pháp luật thi hành án hình sự của nước ta. Em có tìm hiểu một số tài liệu liên quan đến vấn đề này rồi, tuy nhiên vẫn muốn được hiểu sâu hơn, và có sự liên hệ nào với thực tiễn áp dụng ngoài phần lí luận em học ở trường mình học không. Mong công ty có thể phân tích vấn đề này giúp em để em có thể hiểu rõ hơn ạ. Em cảm ơn công ty mình.
NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 ban hành ngày 14 tháng 06 năm 2019;
Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ban hành ngày 09 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự;
2. Phân loại các nhóm quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án hình sự
Do nội dung của các bản án, quyết định của Tòa án trong lĩnh vực hình sự rất đa dạng và phong phú nên các quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án hình sự cũng hết sức phức tạp. Căn cứ vào tính chất, có thể chia các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình và về việc thi hành án hình sự thành những nhóm cơ bản sau:
Một là, những quan hệ phát sinh ngay sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, nghĩa vụ thi hành bản án của các cơ quan chức năng, nghĩa vụ chấp hành bản án của người bị kết án, việc nhập trại, phân loại trại, phân chế độ giam giữ, cải tạo…;
Hai là, những quan hệ phát sinh trong quá trình giáo dục, cải tạo thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ của những người bị kết án nói chung ở những trại và chế độ trại nhất định; quyền và nghĩa vụ của cơ quan thi hành hình phạt tù…;
Ba là, những quan hệ phát sinh trên cơ sở những sự kiện pháp lý xảy ra trong quá trình giáo dục, cải tạo; khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra, thanh tra, gặp gỡ…;
Bốn, là, những quan hệ của các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục, cải tạo những người bị kết án tù; hình thức tham gia, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức đó…
3. Khái niệm đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án hình sự
3.1 Khái quát chung:
Đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án hình sự là những quan hệ xã hội cụ thể nảy sinh trong quá trình giáo dục, cải tạo và về thi hành hình phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những quan hệ xã hội cụ thể trong quá trình đó đều được luật điều chỉnh. Pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cụ thể cơ bản, quan trọng nhất, còn những quan hệ khác có thể do các văn bản dưới luật cụ thể hóa, với điều kiện là các văn bản dưới luật cần phải được cùng tiến hành xây dựng trên cơ sở pháp luật và không trái với luật. Mặt khác, do các quan hệ xã hội cụ thể nảy sinh trong quá trình thi hành án và việc thi hành hình phạt tù còn liên quan đến các quan hệ xã hội sau này khi mãn hạn tù trở về với xã hội và những vấn đề khác, do vậy, pháp luật thi hành án hình sự cũng điều chỉnh (hay nói đúng hơn là cũng đề cập) một số quan hệ quan trọng nhất của thi hành án hình sự mà thôi.
3.2 Khái niệm và phân loại:
Tóm lại, đối tượng điều chỉnh của luật thi hành án hình sự là những quan hệ xã hội cụ thể nảy sinh trong quá trình và về việc thi hành án hình sự. Những quan hệ xã hội cụ thể đó có thể được chia thành những nhóm cơ bản sau:
- Những quan hệ phát sinh ngay sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, nghĩa vụ thi hành bản án của các cơ quan chức năng, nghĩa vụ chấp hành bản án của người bị kết án, việc nhập trại giam, phân loại trại, phân chế độ giam giữ, cải tạo,…;
- Những quan hệ phát sinh trong quá trình giáo dục, cải tạo thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ của những người bị kết án nói chung và ở những trại giam và chế độ trại giam nhất định; quyền và nghĩa vụ của cơ quan thi hành hình phạt tù…;
- Những quan hệ phát sinh trên cơ sở những sự kiện pháp lý xảy ra trong quá trình giáo dục, cải tạo; khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra, thanh tra, gặp gỡ…;
- Những quan hệ của các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức xã hội vào quá trình giáo dục, cải tạo những người bị kết án tù; hình thức tham gia, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức đó…
Xét từ nội dung của các quan hệ xã hội mà luật thi hành án điều chỉnh, có thể chia các quan hệ này thành ba nhóm cơ bản sau:
- Các quan hệ mang tính chất nội dung (quy phạm nội dung);
- Các quan hệ mang tính chất tổ chức và quản lý(quy phạm về tổ chức);
- Các quan hệ mang tính chất thủ tục (quy phạm hình thức).
Các quan hệ mang tính chất nội dung là những quan hệ phản ánh nội dung việc thi hành và chấp hành các bản án, quyết định của Tòa án, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Các quan hệ này phát sinh ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Phán quyết của Tòa án là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ thi hành án của các cơ quan thi hành án hình sự, đồng thời, nó cũng xác định nghĩa vụ của người bị kết án chấp hành bản án, quyết định của Tòa án cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trong thi hành án hình sự, các quan hệ mang tính nội dung chủ yếu là quan hệ giữa Nhà nước thông qua các cơ quan thi hành án được ủy quyền, người bị kết án và với các chủ thể khác. Tuy nhiên, từ những quan hệ chủ yếu này có thể phát sinh nhiều mối quan hệ khác trong quá trình thi hành án nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình thực thi các bản án, quyết định của Tòa án. Ngoài ra, trong quá trình thi hành án hình sự, có thể xảy ra những sự kiện pháp lý có thể làm ảnh hưởng tới nội dung của bản án, quyết định của Tòa án, từ đó làm xuất hiện những mối quan hệ mới. Chẳng hạn: bản án, quyết định có hiệu lực bị kháng nghị, bị hủy bỏ, bị thay đổi nội dung sau khi có quyết định, bản án giám đốc thẩm, tái thẩm, hoặc bị hủy để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm… Trong nhóm quan hệ mang tính nội dung, còn có thể xuất hiện mối quan hệ giữa Cơ quan thi hành án hình sự với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Các quan hệ mang tính tổ chức – quản lý là những quan hệ phát sinh trong quá trình hình thành tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý các cơ quan thi hành án hình sự (gồm hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự; các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm thi hành án…). Các quan hệ này liên quan đến việc hình thành cơ cấu tổ chức; quy định thẩm quyền và quy chế hoạt động của Cơ quan thi hành án hình sự. Những mối quan hệ này được thể hiện cụ thể trong thực tiễn như: mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với Cơ quan thi hành án hình sự; cơ cấu tổ chức, hoạt động trong hệ thống các cơ quan thi hành án hình sự; giữa Cơ quan thi hành án hình sự và Cơ quan thi hành án dân sự; giữa Cơ quan thi hành án cấp trên và Cơ quan thi hành án cấp dưới về mặt tổ chức…
Các quan hệ mang tính chất thủ tục, trình tự thi hành án hình sự là các quan hệ xác định trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện các nội dung được quyết định trong bản án, quyết định của Tòa án. Thủ tục thi hành án hình sự một phần chịu sự chi phối của thủ tục tố tụng, chẳng hạn đưa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật ra thi hành, nhưng chủ yếu ở đây là thủ tục thi hành án hình sự chịu sự điều chỉnh của pháp luật thi hành án hình sự. Chính vì vậy, trình tự, thủ tục thi hành án hình sự có thể làm xuất hiện nhiều mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình thi hành án hình sự.
Trong thi hành án hình sự, thủ tục thi hành và áp dụng các loại hình phạt cũng làm phát sinh nhiều mối quan hệ như: thi hành hình phạt tử hình, thực hiện quản lý và giáo dục các phạm nhân chấp hành hình phạt tù, thi hành hình phạt cảnh cáo, trục xuất, phạt tiền, thực hiện hình phạt cải tạo không giam giữ, quản lý giáo dục người được hưởng án treo, cấm đi khỏi nơi cư trú, thực hiện thủ tục xóa án tích.
Bên cạnh đó các sự kiện pháp lý như việc hoãn thi hành án, trả lại đơn xin thi hành án, thủ tục miễn giảm hình phạt, tha trước thời hạn, giảm thời hạn thử thách trong trường hợp được hưởng án treo… Tóm lại, các mối quan hệ này phản ánh nội dung thi hành án hình sự, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thi hành và chấp hành phần quyết định trong các bản án, quyết định của Tòa án.
Cuối cùng là các mối quan hệ phát sinh liên quan đến thủ tục khiếu nại, tố cáo của các chủ thể trong quá trình thi hành án hình sự. Đây là lĩnh vực cần có sự phối hợp áp dụng pháp luật về thi hành án hình sự và pháp luật khiếu nại, tố cáo, bởi vậy, có thể có nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia giải quyết.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group