Tôi là bên chủ đầu tư, đang gặp một số vướng mắc về bảo đảm dự thầu trong HSDT như sau:
Tại CDNT có nêu:
– Khi tham dự thầu, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng séc.
– Giá trị bảo đảm dự thầu là 15 triệu đồng.
Có 3 nhà thầu nộp HSDT với những vấn đề bao gồm:
1. Một nhà thầu thực hiện bảo đảm dự thầu bằng tiền mặt.
Điều này có phù hợp không? Nhà thầu có bị loại? Căn cứ vào điều, khoản nào?
2. Một nhà thầu khác bảo đảm dự thầu bằng thư bảo lãnh ngân hàng nhưng giá trị bảo đảm lên tới 25 triệu đồng.
Việc giá trị bảo đảm lớn hơn mức trong CDNT có được chấp nhận không?
3. Nhà thầu còn lại đặt cọc bằng séc do Ngân hàng VietinBank phát hành giá trị 15 triệu đồng nhưng không có dấu bảo chi của ngân hàng.
Vậy tờ séc này có hợp lệ không?
Mong sớm nhận được phản hồi từ phía Luật sư của LVN Group. Trân trọng cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group.
>> Luật sư tư vấn Luật doanh nghiệp trực tuyến, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn! cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật LVN Group, về thắc mắc của bạn tôi xin được giải đáp như sau:
Nội dung phân tích:
1. Bảo đảm dự thầu:
Theo quy định tại điều 11 của Luật đấu thầu năm 2013 quy định về bảm đảm dự thầu như sau:
– Bảo đảm dự thầu áp dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
+ Đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.
– Nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu đối với hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, nhà thầu thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai.
– Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định như sau:
+ Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể;
+ Đối với lựa chọn nhà đầu tư, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án cụ thể.
– Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày.
– Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.
– Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng rẽ hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Trường hợp có thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh không được hoàn trả.
– Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 66 và Điều 72 của Luật đấu thầu nâm 2013
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định:
Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
1.1 Với hồ sơ dự thầu của nhà thầu 1:
Như vậy, bảo đảm dự thầu là cam kết của ngân hàng đối với bên mới thầu để bảo đảm việc tham gia dự thầu, theo đó, bên đơn vị dự thầu không thể thực hiện bảo đảm dự thầu bằng tiền mặt. Bên mời thầu có quyền quy định biện pháp bảo đảm dự thầu phù hợp với nhu cầu và mục đích của họ. Trong trường hợp này bên mời thầu đã quy định biện pháp bảo đảm dự thầu đó là nộp thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam phát hành hoặc đặt cọc bằng sec. Do đó nếu như đơn vị dự thầu thực hiện bảo đảm dự thầu bằng biện pháp đặt cọc bằng tiền mặt mà không được bên mời thầu đồng ý, chấp thuận thì sẽ bị coi là không phù hợp, không hợp lệ và có thể bị loại.
Việc xác định chính xác nhà thầu có đủ điều kiện trúng thầu hoặc nhà thầu có được chấp thuận hồ sơ dự thầu hay không chủ yếu phụ thuộc vào bên mời thầu, đồng thời, phụ thuộc vào phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu căn cứ theo quy định tại Chương 4 Luật Đấu thầu năm 2013.
1.2 Với hồ sơ dự thầu của nhà thầu 2:
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP:
Điều 18: Đánh giá hồ sơ dự thầu:
…
d) Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;”
…
Như vậy, trong trường hợp này, giá trị “đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu” được hiểu là giá trị bảo đảm không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu , do đó, việc bảo đảm dự thầu lớn hơn không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu.
1.3 Với hồ sơ dự thầu của nhà thầu 3:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, “séc” là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.
Trong đó, “bảo chi séc” là việc ngân hàng xác nhận bảo đảm thanh toán séc bằng cách ghi cụm từ “bảo chi” và ký tên trên séc (Điều 67 Luật các công cụ chuyển nhượng).
Như vậy, séc không có dấu bảo chi của VietinBank cho thấy nó không được ngân hàng này bảo đảm thanh toán, hay nói cách khác, đây là séc viết khống, không có giá trị bảo đảm dự thầu.
2. Các tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự trong hồ sơ thầu
Tình huống : Ông Tuấn Anh (Hà Nội) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư xử lý tình huống về đánh giá hợp đồng tương tự đối với gói thầu mua sắm hàng hóa. Cụ thể, hồ sơ mời thầu nêu quy định đánh giá hợp đồng tương tự: Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự cung cấp thiết bị y tế mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 2014 đến thời điểm đóng thầu):
– Số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự là 1 hợp đồng (hợp đồng, biên bản bàn giao nghiệm thu hoặc thanh lý hợp đồng được công chứng), trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị ≥ 4,1 tỷ đồng.
– Hợp đồng hoàn thành phần lớn được hiểu là hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng (có tài liệu chứng minh).
Tổ thẩm định có yêu cầu, hợp đồng tương tự theo quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng tổ chuyên gia thì dẫn chứng tham khảo theo Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ thẩm định không chấp nhận, vẫn yêu cầu tổ chuyên gia thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu phải thực hiện theo yêu cầu của tổ thẩm định, tức là tương tự về chủng loại, tính chất và quy mô (theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT yêu cầu) nhưng không được quy định trong hồ sơ mời thầu.Như vậy trong trường hợp này trường hợp này chủ đầu tư phải thực hiện theo ý kiến nào?
Trả lời: Theo hướng dẫn tại ghi chú số 11 Mục 2.1 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/ TT- BKHĐT hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:
– Tương tự về chủng loại, tính chất: Có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét.
– Tương tự về quy mô: Có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét.
Theo đó, chủ đầu tư, bên mời thầu căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu để đưa ra yêu cầu cụ thể trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp với hướng dẫn nêu trên.
3. Cách xác định gói thầu thuộc dịch vụ phi tư vấn hay mua sắm hàng hóa
Tình huống: Đơn vị bà Nguyễn Bích Ngọc (Yên Bái) đang chuẩn bị lập hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại trung tâm. Bà Ngọc hỏi, hồ sơ mời thầu sẽ lập theo gói thầu phi tư vấn hay gói thầu cung cấp hàng hóa?
Trả lời:
Tại Khoản 9 và Khoản 25 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định, dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động bao gồm: Logistics, bảo hiểm, quảng cáo, lắp đặt không thuộc quy định tại Khoản 45, Điều 4 Luật Đấu thầu, nghiệm thu chạy thử, tổ chức đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng, vẽ bản đồ và hoạt động khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại Khoản 8, Điều 4 Luật Đấu thầu. Hàng hoá gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.
Đối với trường hợp của bà Ngọc, dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại bệnh viện được coi là dịch vụ phi tư vấn theo định nghĩa nêu trên.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./