1. Đồng phạm

Đồng phạm là những người cùng tham gia vào việc thực hiện một tội phạm như: cùng thực hiện tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (là người thực hành), thực hiện hành vi chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu việc thực hiện tội phạm (là người tổ chức), người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm (là người xúi giục); tạo điều kiện về tinh thần hay vật chất cho người khác thực hiện tội phạm (là người giúp sức). Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự cùng tham gia của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm được thể hiện trên hai phương diện về lý trí và ý chí. 

Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm đối với hành vi của mình, nhận thức được tính chất nguy hiểm của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó. 

Về ý chí: những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra. 

2. Quy định của luật hình sự cũ về đồng phạm

Trong luật hình sự, chế định đồng phạm quy định các dấu hiệu của trường hợp phạm tội được thực hiện bằng hình thức đồng phạm, quy định dấu hiệu của những người đồng phạm cũng như quy định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.

Khái niệm đồng phạm được sử dụng trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực. Trước đó, Luật hình sự Việt Nam dùng khái niệm cộng phạm.

Theo quy định của luật, đồng phạm đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều người có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Những người này phải cùng cố ý thực hiện tội phạm cụ thể. Dấu hiệu “cùng thực hiện tội phạm” đòi hỏi mỗi người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn loại hành vi sau: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục thực hiện tội phạm và hành vi giúp sức thực hiện tội phạm. Tương ứng với bốn loại hành vi tham gia này là bốn loại người đồng phạm:

1) Người tổ chức là người đồng phạm giữ vai trò đặc biệt trong các vụ đồng phạm, thể hiện ở vai trò liên kết các cá nhân để hình thành nhóm phạm tội hoặc điều khiển hoạt động của nhóm phạm tội;

2) Người xúi giục là người đồng phạm có hành vi cố ý tác động đến nhận thức và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội;

3) Người giúp sức là người đồng phạm đã cố ý tạo ra những điều kiện vật chất hay tinh thần cho việc thực hiện tội phạm;

4) Người thực hành là người đồng phạm đã trực tiếp thực hiện tội phạm. Họ có thể tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc chỉ có hành động (cố ý) tác động đến người khác để người này thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Nhưng bản thân những người bị tác động đã thực hiện hành vi đó lại không phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người đã tác động họ.

Ví dụ: thuê trẻ em chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự đốt nhà người khác; kích động người không có năng lực trách nhiệm hình sự (người bị bệnh tâm thần) đánh người khác bị thương tích nặng… Dấu hiệu “cùng cố ý” đòi hỏi những người đồng phạm đều cố ý cũng như đều biết và mong muốn sự cố ý của người khác khi cùng thực hiện tội phạm. Đồng phạm các tội phạm có dấu hiệu mục đích là dấu hiệu bắt buộc còn đòi hỏi những người đồng phạm có cùng mục đích này.

Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm được xác định cho từng người đồng phạm trên cơ sở xem xét tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm.

Đồng phạm có thể được phân thành đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp, đồng phạm không có thông mưu trước và đồng phạm có thông mưu trước, đồng phạm thông thường và đồng phạm có tổ chức (phạm tội có tổ chức).

3. Quy định của bộ luật hình sự hiện nay về đồng phạm

Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lí xác định trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm của các tội cụ thể cùng với quy định chung về phạm tội chưa đạt (Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và về chuẩn bị phạm tội (Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) là cơ sở pháp lí xác định trách nhiệm hình sự của phạm tội chưa đạt ở các tội cụ thể và của chuẩn bị phạm tội ở một số tội cụ thể theo quy định. Ngoài các trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự như vậy, luật hình sự còn xác định trách nhiệm hình sự đối với ba loại hành vi hên quan trực tiếp với hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của các tội cố ý. Đó là hành vi tổ chức, hành vi xúi giục và hành vi giúp sức cho hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Như vậy, đổi với các tội phạm cố ý, trách nhiệm hình sự được đặt ra cho:

– Người thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (cơ sở pháp lí cùa trách nhiệm hình sự là cấu thành tội phạm) và người này được gọi là người thực hiện tội phạm;

– Người có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự là cấu thành tội phạm và điều luật quy định về hành vi tổ chức thực hiện tội phạm) và người này được gọi là người tổ chức (thực hiện tội phạm);

– Người có hành vi xúi giục người khác thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự là cấu thành tội phạm và điều luật quy định về hành vi xúi giục thực hiện tội phạm) và người này được gọi là người xúi giục (thực hiện tội phạm); và

– Người có hành vi giúp sức cho người khác thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (cơ sở pháp lí của trách nhiệm hình sự là cấu thành tội phạm và điều luật quy định về hành vi giúp sức thực hiện tội phạm) và người này được gọi là người giúp sức (thực hiện tội phạm).

Trong BLHS của một số nước như Cộng hoà liên bang Đức, Áo, Thụy Sỹ đều có điều luật riêng quy định về hành vi xúi giục và hành vi giúp sức là hai loại hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự bên cạnh hành vi thực hiện tội phạm. Xem Điều 25 (quy định hành vi thực hiện tội phạm), Điều 26 (quy định hành vi xúi giục) và Điều 27 (quy định hành vi giúp sức) BLHS Cộng hoà liên bang Đức; Điều 12 BLHS Áo quy định hành vi xúi giục và hành vi giúp sửc; Điều 24.5 (quy định hành vi xúi giục), Điều 25.5 (quy định hành vi giúp sức) BLHS Thụy Sỹ…

Các Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 CỦA Việt Nam đều không có điều luật riêng quy định trực tiếp về các hành vi liên quan với hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (CTTP) mà phải chịu trách nhiệm hình sự (hành vi tổ chức, hành vi xúi giục và hành vi giúp sức thực hiện tội phạm). Các BLHS chỉ có điều luật quy định trường hợp phạm tội dưới hình thức đồng phạm là hình thức khác với trường hợp phạm tội riêng lẻ. Trong đó, điều luật quy định dấu hiệu của trường hợp phạm tội bị coi là đồng phạm và dấu hiệu của các loại người trong vụ đồng phạm là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức và người thực hành.

4. Các điều kiện để thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm

Để thoả mãn quy định về đồng phạm cần có những điều kiện sau đây:

Thứ nhất: phải từ hai người trở lên, những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. Đây là điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm.

Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm và cùng một thời gian nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau mà hành vi của từng người đều thực hiện độc lập. 

5. Một số điểm mới về đồng phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật lập pháp thì Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được quy định thành 4 khoản (so với BLHS năm 1999 chỉ gồm 3 khoản), cụ thể là:Khoản 2 Điều 20 BLHS năm 1999 quy định: “2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm” thì được sửa đổi thành khoản 3 của Điều 17 BLHS năm 2015 và có sự thay đổi về kết cấu khi quy định như sau: “3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức” Khoản 3 Điều 20 BLHS năm 1999 quy định về phạm tội có tổ chức được chuyển thành khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Như vậy, Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thay đổi trật tự các khoản của Điều 20 của BLHS năm 1999 là phù hợp và đảm bảo được tính logic cả về mặt nội dung và hình thức của quy định về đồng phạm.

Thứ hai, về mặt nội dung, thì Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm nội dung “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” vào khoản 4 Điều 17 BLHS. Như vậy, các nội dung tại Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về đồng phạm chỉ có một điểm mới so với Điều 20 BLHS năm 1999 là ghi nhận hành vi vượt quá của người thực hành. Đây là một điểm mới và tích cực của BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 khi đã khắc phục được một phần những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử đối với hành vi vượt quá của người thực hành mà BLHS năm 1999 còn hạn chế. 

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về tạm giam, tạm giữ khi điều tra hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group