1. Em gái tôi có mở một quán ăn, sau đó do làm ăn thua lỗ, em gái tôi sang nhượng lại quán cho người khác. Người đó đồng ý sang nhượng lại với giá 40.000.000 đồng. Sau khi giao tiếp, biết em tôi tương đối khó khăn nên bên A (bên sang lại quán) đã đặt cọc số tiền 20.000.000 cho em gái tôi ( thường thì đặt cọc ít hơn). Sau đó ký hợp đồng giao nhận, dự định trong vòng 15 đến 90 ngày sẽ giao đủ 20.000.000 còn lại và chính thức nhận quán. Danh mục sang nhượng là toàn bộ tài sản trong quán. Tuy nhiên, đến 1 tháng 10 ngày sau. Bên A lại từ chối không sang nhượng nữa. Vì lý do không công chứng được hợp đồng thuê mặt bằng với chủ mặt bằng (em gái tôi thuê mặt bằng làm quán). lúc này bên A có đòi lại 20.000.000 tiền đặt cọc, nhưng em gái tôi đã dùng vào việc trả nợ do thua lỗ làm ăn. Và em gái tôi có hẹn sẽ đi làm và trả lại số tiền đó. vì một phần em gái tôi không biết mặt bằng không công chứng được, nên lúc sang quán có nói với bên A là mặt bằng này công chứng được. Vậy tôi muốn hỏi, em gái tôi có bị kết tội gì hay không, vì bên A liên tục yêu cầu em gái tôi trả nợ sớm trong điều kiện em gái tôi đang đi tìm việc làm. Và trường hợp này, em gái tôi do có ký kết với bên A nên trong thời gian đó, không sang được cho người khác. em gái tôi cũng bị thiệt hại. Vậy….theo Luật sư của LVN Group em gái tôi hẹn đi làm có sẽ trả dần dần (bên A đã đồng ý phương án này nhưng liên tục đe dọa và đòi nợ), là có vi phạm pháp luật?. Và đúng lý ra, em gái tôi có cần trả lại số tiền cọc đó không?
2. Em gái tôi có vay tiền bên tổ chức Fe cerit (ngân hàng VP bank), tín chấp theo lương. Lúc trước khi làm quán, em tôi làm ở công ty, và vay tiền để mua xe. Sau đó thôi việc và mở quán ăn nhưng do thua lỗ đã bán xe và trả nợ ngân hàng (em gái tôi vay 3 năm, số tiền 27.500.000, lãi suất 45%/năm) đến nay được 1 năm. Nhưng hiện tại, làm ăn thua lỗ, tài sản bán hết để trả nợ, gia đình bạn bè cũng giúp đỡ trả nợ, nên em gái tôi hiện tại trả chậm ngân hàng 40 ngày. Và ngân hàng đòi thanh lý bắt em tôi trả lại đúng 28.500.000 nếu không sẽ bị truy nã toàn quốc là đúng hay sai? trong khi em gái tôi có xin cho gia hạn thêm nhưng bên phía ngân hàng không đồng ý và luôn tạo áp lực hoặc có đồng ý cũng chỉ đồng ý gia hạn 1, 2 ngày. Trong khi em gái tôi vừa xin được việc, mong được gia hạn đến khi lãnh lương (là 1 tháng, và chấp nhận trả lại phạt). Vậy thưa Luật sư của LVN Group, em gái tôi liệu có bị khởi kiện và truy nã? Tôi rất mong được sự giải đáp của Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn và chúc Luật sư của LVN Group ngày càng thành công!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật của Công ty Luật LVN Group.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.0191.
Trả lời:
Chào bạn,cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội
Luật đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội
Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quốc hội
Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã
Nội dung tư vấn:
1. Về việc sang nhượng quán ăn cho bên A:
Theo thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng thuê mặt bằng với chủ mặt bằng không công chứng được là không đúng vì hợp đồng này được công chứng, chứng thực khi có yêu cầu của các bên. Theo khoản 1, 3 điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
…
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”
Do vậy, em bạn khi không biết hợp đồng này có được công chứng, chứng thực hay không thì không bị kết tội gì cả. Việc bên A nêu lý do như vậy có thể với mục đích để hủy hợp đồng và không phải bồi thường. Vì em bạn và bên A đã ký hợp đồng đặt cọc sang nhượng quán ăn dự định trong vòng 15 đến 90 ngày sẽ giao đủ số tiền còn lại và chính thức ký hợp đồng giao nhận quán, căn cứ vào Điều 358 BLDS 2005 về đặt cọc:
“1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn nhất định để đảm bảo việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Theo đó việc bên A không muốn giao kết hợp đồng nữa thì sẽ không thể lấy lại số tiền đã đặt cọc theo quy định của pháp luật. Bản chất của hợp đồng đặt cọc là để đảm bảo cho giao kết hợp đồng sang nhượng sau này. Vì vậy em bạn sẽ không phải trả lại số tiền đặt cọc cho bên A và bên A không có quyền đòi lại số tiền này.
Khi bên A liên tục đến đe dọa và đòi nợ thì em bạn có thể báo công an về hành vi của bên A, tùy vào mức độ của hành vi đe dọa thì bên A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Về việc em bạn trả nợ chậm ngân hàng 40 ngày liệu có bị khởi kiện hay truy nã toàn quốc không?
Trường hợp em bạn vẫn hợp tác với ngân hàng trong quá trình ngân hàng thu hồi nợ, có thỏa thuận về biện pháp trả nợ được ngân hàng chấp nhận thì ngân hàng sẽ chỉ thu hồi nợ bằng cách yêu cầu cơ quan chức năng thu hồi các tài sản của bạn hiện có tại để thanh lý.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì hành vi của em bạn chưa đủ yếu tố để cấu thành tội hình sự theo quy định tại Chương XIV. Các tội xâm phạm sở hữu – Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009. Nếu em bạn có các dấu hiệu khác như bỏ trốn hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dùng thủ đoạn gian dối…thì em bạn có thể bị khởi tố về một trong các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản – Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Vấn đề xác định tội danh, tùy theo tính chất của vụ việc mà cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và xác định tội danh cho phù hợp.
Trong trường hợp, em bạn không có dấu hiệu vi phạm hình sự thuộc các tội nêu trên thì ngân hàng cũng có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án dân sự về việc em bạn vi phạm nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng vay tiền, em bạn sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại các điều 303, 305, 474 của Bộ luật dân sự 2005:
Điều 302. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự
“1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.”
Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. “
Về việc truy nã thì theo điều 2 Thông tư Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC đối tượng bị truy nã gồm:
“Điều 2. Đối tượng bị truy nã
1. Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
2. Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.
3. Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.
4. Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
5. Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.”
Như vậy, em bạn chỉ khi thuộc các đối tượng trên bỏ trốn thì mới bị truy nã.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật dân sự.