Kính thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Em tôi có hộ khẩu thường trú ổn định tại Tuyên Quang vào đêm 31/10/2020 rạng sáng 1/11/2020 em tôi có vào TPHCM chơi tại quán ba ở quận 1 thì bị công an bắt sau khi test nhanh thì em tôi đã dương tính với chất ma tuý qua 10 ngày mất liên lạc.
Mong Luật sư của LVN Group cho biết như vậy em tôi có phải là đối tượng cai nghiện bắt buộc không, công an phường Bến Nghé xử lý như vậy có đúng quy định không?
TRẢ LỜI:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Theo quy định về áp dụng biên pháp xử lý hành chính đưa vào sơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 221/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm các đối tượng sau:
1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.
2. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.
3. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.
Như vậy, chỉ khi em của Qúy khách thuộc một trong ba trường hợp trên thì mới bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua thông tin của Qúy khách cung cấp, Luật LVN Group chưa rõ trường hợp em của Qúy khách cụ thể thuộc trường hợp nào. Tuy nhiên, nếu em của Qúy khách không thuộc một trong ba trường hợp trên mà cơ quan có thẩm quyền vẫn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là không đúng quy định.
Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện như sau: (Điều 8 Nghị định 221/2013/NĐ-CP):
“Điều 8. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép của người đó và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện người sử dụng ma túy trái phép thì báo cho cơ quan Công an cấp xã nơi người có hành vi vi phạm để lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ:
a) Trường hợp người vi phạm cư trú tại xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm và đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này;
b) Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản, mỗi bên giữ một bản;
c) Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm, thì tiến hành xác định nơi cư trú ổn định của người đó. Trong thời gian 15 ngày làm việc, nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì thực hiện theo Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 Điều này; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
2. Trong quá trình điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép hoặc dấu hiệu nghiện ma túy của người vi phạm thì tiến hành lập biên bản, xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người đó:
a) Trường hợp người vi phạm thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Hồ sơ được gửi cho phòng Tư pháp cấp huyện nơi người đó cư trú.
b) Trường hợp người vi phạm thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này. Hồ sơ được gửi cho phòng Tư pháp cấp huyện nơi cơ quan lập hồ sơ đóng trụ sở.”
“Điều 9. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:
a) Bản tóm tắt lý lịch;
b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép;
d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;
đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:
a) Hồ sơ đề nghị quy định tại Điểm a, b, c, d, h Khoản 1 Điều này;
b) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”
Theo quy định này:
Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép của người đó và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện người sử dụng ma túy trái phép thì báo cho cơ quan Công an cấp xã nơi người có hành vi vi phạm để lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ:
– Trường hợp người vi phạm cư trú tại xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm và đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định;
– Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm, thì tiến hành xác định nơi cư trú ổn định của người đó.
Trong quá trình điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép hoặc dấu hiệu nghiện ma túy của người vi phạm thì tiến hành lập biên bản, xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người đó.
Đối với trường hợp của em trai Qúy khách, có nơi cư trú tại tỉnh Tuyên Quang. Nhưng cơ quan công an phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện và lập biên bản hành vi sử dụng ma túy trái phép.Theo quy định trên thì cơ quan công an phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định; Trường hợp công an phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lại trực tiếp đưa em của Qúy khách vào cơ sở cai nghiện là không đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, Quý khách cũng cần tìm hiểu thêm là trong vụ việc này ngoài việc sử dụng ma túy. Em trai quý khách còn có hành vi vi phạm nào không? Để có thể xác định được chính xác, cụ thể em trai Qúy khách đang bị tạm giam/tạm giữ hay bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Bắt buộc cai nghiện”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn Pháp luật
Công ty Luật TNHH LVN Group