1. Tố tụng hình sự

Tố tụng hình sự là những trình tự, thủ tục để xem xét, đánh giá một hành vi cụ thể có phải là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự hay không, người thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự không và một số vấn đề liên quan đến thi hành án hình sự.

Những mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tố tụng hình sự là các mới quan hệ giữa: cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, giữa các cơ quan và người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng được pháp luật tố tụng hình sự điều chỉnh, trong đó quy định các quyền và nghĩa vụ của cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như của người tham gia tố tụng.

Căn cứ vào “Phạm vi điều chỉnh” của Bộ luật tố tụng hình sự, ta có thể thấy các giai đoạn của tố tụng hình sự như sau:

– Giai đoạn 1: tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Luật TTHS quy định cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan khác được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 

– Giai đoạn 2: Khởi tố, điều tra

Sau khi kết thúc giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Điều tra là giai đoạn mà trong đó cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự  để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự.

– Giai đoạn 3: Truy tố

Giai đoạn truy tố được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng (kết luận về tội trạng), trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

– Giai đoạn 4: Xét xử

Gồm có xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm.

Việc quy định rõ các trình tự, thủ tục trong các giai đoạn trên nhằm giúp toàn bộ quá trình giải quyết vụ án được diễn ra khách quan, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan

2. Chứng năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát được tổ chức theo đơn vị hành chính, gồm có Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) và các Viện kiểm sát quân sự các cấp (bao gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương (gọi tắt là Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu) và Viện kiểm sát quân sự khu vực).

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân (điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014)  là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm:

– Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;

– Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Mục đích Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp

Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:

– Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật;

– Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ;

– Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;

– Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

 4. Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp;

– Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp;

– Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm;

– Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp;

– Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.

5. Quyền giám sát của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự

Quyền giám sát của Viện kiểm sát trong TTHS được thông qua chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động TTHS. Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật có hai chức năng: Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Như vậy, trong hoạt động TTHS Viện kiểm sát vừa là đối tượng của quyền giám sát của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội khi tiến hành chức năng thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đồng thời là chủ thể của quyền giám sát đối với hoạt động TTHS. Điều 20 Bộ luật TTHS năm 2015 qui định: 

“Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội.”

Trên nền tảng của nguyên tắc quyền lực thống nhất có sự phân công phân nhiệm nên ngoài việc phải chịu sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thì Viện kiểm sát còn có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật TTHS bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong TTHS còn là một bảo đảm cho yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Mục đích của việc kiểm sát tuân theo pháp luật TTHS là phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. 

Phạm vi của việc kiểm sát tuân theo pháp luật TTHS được xác định từ khi có tin báo và tố giác về tội phạm (giai đoạn khởi tố vụ án hình sự) đến giai đoạn thi hành án, bằng các biện pháp của Luật TTHS như: phê chuẩn các quyết định của cơ quan Điều tra, huỷ bỏ các quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, tự mình tiến hành một số hoạt động hoặc ra các quyết định cần thiết trong việc giải quyết vụ án, kháng nghị các bản án và quyết định của Tòa án… quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tuân thủ đúng pháp luật, loại trừ các vi phạm pháp luật của các cá nhân và tổ chức góp phần vào việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)