1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân
– Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
– Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Quyền của Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự
Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:
– Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;
– Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;
– Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
– Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;
– Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Trong tố tụng hình sự, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
– Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;
+ Tiến hành xét xử vụ án;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
– Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có những nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;
+ Tiến hành xét xử vụ án;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;
+ Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;
+ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;
+ Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;
+ Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản;
+ Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
+ Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa;
+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.
Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình
4. Giám sát trong tố tụng hình sự của Tòa án
Trong ba nhánh quyền lực thì lập pháp và hành pháp là những nhánh quyền lực mạnh và do đó có nguy cơ dễ bị lạm quyền vì thế khi thực thi quyền tư pháp, Tòa án có vai trò quan trọng trong việc giám sát quyền lập pháp và hành pháp. “Tư pháp là một cành quyền lực ít có nguy cơ lạm quyền, ít nguy hiểm đối với các quyền tự do của con người mà còn là một cành quyền lực tạo ra nhằm đảm nhận chức năng chống lại sự lạm quyền, kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp của chính quyền (lập pháp và hành pháp) để bảo vệ các quyền và tự do của con người”. Bên cạnh ý nghĩa đó tư pháp còn có cơ chế giám sát tự thân đối với các hoạt động của nó. Trong hoạt động tố tụng hình sự, Tòa án cũng thể hiện vai trò giám sát thông qua chức năng giám đốc hoạt động xét xử.
Giám đốc xét xử là việc Tòa án cấp trên kiểm tra tính đúng đắn về hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới. Trong thực tiễn xét xử do những lý do khác nhau Toà án cấp dưới có những sai lầm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án, vì vậy việc giám đốc của Tòa án cấp trên nhằm khắc phục những sai lầm thiếu sót đó là cần thiết, góp phần vào bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xử lý công minh, không để lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Giám đốc việc xét xử được Hiến pháp 2013 quy định tại khoản 2 Điều 104: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định”. Nguyên tắc này có mục đích bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật của của các cấp Tòa án được nghiêm chỉnh, thống nhất và hiệu quả. Theo quy định thì Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ để bảo đảm việc áp dụng pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất.
Giám đốc việc xét xử thể hiện ở việc Toà án cấp trên xét lại bản án hoặc quyết định của Toà án cấp dưới thông qua các hoạt động: kiểm tra phát hiện những sai lầm, thiếu sót của Tòa án cấp dưới; giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và của công dân về các bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật; tổng kết kinh nghiệm xét xử; hướng dẫn Toà án cấp dưới áp dụng pháp luật thống nhất; kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc. Thông qua các hoạt động này Tòa án cấp trên kịp thời uốn nắn, khắc phục những sai lầm trong công tác xét xử của Tòa án cấp dưới. Việc giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới không đồng nghĩa với giám đốc thẩm, giám đốc xét xử là phạm vi rộng trong đó có việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, ngoài ra giám đốc xét xử không chỉ là quyền và nghĩa vụ tố tụng của Tòa án cấp trên mà còn là hoạt động quản lý, giám sát đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới.
5. Hoạt động giám đốc việc xét xử của Tòa án
Hoạt động giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp trên đối với hoạt động xét xử của Tòa án cấp dưới được tiến hành bằng việc xem xét lại các bản án và quyết định của Tòa án cấp dưới được tiến hành bằng việc xem xét lại các bản án và quyết định của Tòa án cấp dưới theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể:
– Theo Điều 20 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014: Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.
– Điều 29 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014: Tòa án nhân dân cấp cao phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
– Điều 37 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, kháng cáo theo quy định của pháp luật; kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết ới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.
Bằng cách giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân cấp dưới, Tòa án cấp trên, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, sửa chữa những sai lầm của các Tòa án cấp dưới trong hoạt động xét xử. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao còn tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)