Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi: Luật LVN Group!

Tôi muốn công ty tư vấn cho tôi nội dng sau: Nhà trường có quyền bắt giảng viên cơ hữu tham gia kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT không?

Tôi là giảng viên cơ hữu của 1 trường Đại Học ở A và tôi hiện đang sinh sống ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngày 21/06, tôi nhận được thông báo với nội dung như sau:

Thực hiện theo QĐ số XX49/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều động các cở sở GDĐH tham gia kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi TN THPT năm 2021 (file đính kèm), Khoa Y phối hợp cùng với nhà trường thông báo đến quý giảng viên về việc gửi danh sách giảng viên tham gia theo điều động của Bộ GD&ĐT như sau:
1. Đề xuất danh sách gồm 21 giảng viên Khoa Y (chia thành 03 nhóm) tham gia nhiệm vụ.

Ưu tiên các giảng viên không tham gia nhóm tình nguyện chống dịch (đã gửi Bộ Y Tế), hoặc không là F0, F1 hoặc cách ly tập trung theo quy định của chính phủ.

Đề nghị quý giảng viên nhận được email thông báo này, vui lòng xem và phản hồi ý kiến (reply all) về danh sách đề xuất như bên dưới về Khoa trước 07h00 sáng mai ngày 22/06/2021. Sau thời gian này, Khoa sẽ mặc định mọi ý kiến đều thống nhất đồng ý và sẽ trình nhà trường tổng hợp gửi về Bộ GD&ĐT.

(Đính kèm danh sách)

Danh sách giảng viên Khoa Y phối hợp bổ sung theo yêu cầu của trường là 17 giảng viên. Trong đó, các giảng viên thuộc danh sách dự phòng 1 và 2 sẽ được dự trù thay thế nếu một trong các giảng viên thuộc danh sách ưu tiên có lý do chính đáng không tham gia được vì đang là đối tượng được cách ly theo quy định của chính phủ.

2. Thông tin về kỳ thi TN THPT tổ chức trên địa bàn tỉnh B năm 2021:

– Kỳ thi TN THPT năm 2021, tỉnh B hiện có 01 cụm thi trên địa bàn tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức. Toàn tỉnh có 16.508 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh A thành lập 01 Hội đồng thi và 38 điểm thi trên khắp các huyện, thành phố của tỉnh.

– Thời gian thi (dự kiến):

+ Ngày 06/07/2021: Thí sinh hoàn tất các thủ tục dự thi;

+ Ngày 07/07/2021: Thí sinh dự thi gồm Sáng thi Ngữ văn, Chiều thi Toán;

+ Ngày 08/07/2021: Thí sinh dự thi gồm Sáng thi KHTN/ KHXH, Chiều thi Ngoại ngữ;

+ Ngày 09/07/2021: Dự trù.

3. Lịch phân công cụ thể sẽ được nhà trường thông báo ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong công văn tiếp theo. Đề nghị quý giảng viên vui lòng theo dõi và cập nhật đầy đủ. “

Tuy nhiên, tôi đã mở mail trễ (vì chỉ cho hạn chót 1 ngày để trả lời), nhưng tôi đã từ chối tham gia. Nhưng nhà trường không đồng ý cho tôi từ chối với lý do danh sách đã gửi lên Bộ GD& ĐT.

Tôi xin gửi thắc mắc này để hỏi về việc: Liệu nhà trường có quyền ép buộc giảng viên tham gia công tác này hay không? Nhất là trong thời gian dịch bệnh. Và việc tôi trễ deadline phản hồi có cho nhà trường quyền ép buộc tôi tham gia hay không? Thêm nữa, theo văn bản điều động của Bộ, rõ ràng nhà trường đã gửi thông báo rất cận cho giảng viên, khiến giảng viên rất bị động. Tôi có thắc mắc là Bộ GD&DT có quyền ép buộc giảng viên cơ hữu tham gia công tác naỳ hay không?

Tôi đính kèm văn bản liên quan.

Kính mong nhận được phản hồi từ phía Luật sư của LVN Group.

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật giáo dục đại học 2012, sửa đổi bổ sung 2018.

– Luật giáo dục 2019;

– Luật viên chức 2010;

– Nghị định 4.6/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

– Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật giáo dục đại học sửa đổi;

– Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

– Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

– Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành;

– Văn bản pháp luật khác;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Khoản 2 Điều 7 Luật giáo dục 2012, sửa đổi bổ sung 2018 quy định:

Loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

– Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu;

– Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.

Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức;

Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 03 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành (Điều 3 Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT).

Thông tin Qúy khách cung cấp chưa rõ, trong nội dung thư này Luật LVN Group sẽ phân tích theo trường hợp Qúy khách là giảng viên cơ hững của cơ sở giáo dục công lập. Nếu không thuộc trường hợp này, Qúy khách vui lòng phản hồi để Luật LVN Group sửa đổi thư cho phù hợp.

Điều 2 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định:

chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm:

1. Giảng viên cao cấp (hạng I)- Mã số: V.07.01.01

2. Giảng viên chính (hạng II)- Mã số: V.07.01.02

3. Giảng viên (hạng III) – Mã số: V.07.01.03

4. Trợ giảng (hạng III) – Mã số: V.07.01.23

1. Nhiệm vụ của giảng viên hạng III (Khoản 1 Điều 5 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT)

– Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định;

– Tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo;

– Chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, biên dịch sách và giáo trình bằng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi chung là sách phục vụ đào tạo);

– Tổ chức, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học: tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

– Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm và thực tập;

– Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

– Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nhiệm vụ của giảng viên chính hạng II (Khoản 1 Điều 5 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT)

– Giảng dạy, hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tham gia giảng dạy chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và hướng dẫn, đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định;

– Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; đề xuất chủ trương, phương hướng và biện pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành được giao đảm nhiệm; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;

– Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo; chủ trì hoặc tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

– Chủ trì, tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

– Tham gia công tác chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập; hướng dẫn thảo luận, thực hành, thí nghiệm, thực tập;

– Tham gia bồi dưỡng giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của khoa hoặc chuyên ngành;

– Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

– Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Nhiệm vụ Giảng viên cao cấp hạng 1 (Khoản 1 Điều 5 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT)

– Giảng dạy; hướng dẫn và chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp; hướng dẫn luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ; chủ trì hoặc tham gia các hội đồng đánh giá luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ;

– Chủ trì xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của chuyên ngành; đề xuất phương hướng, biện pháp phát triển của ngành hoặc chuyên ngành; chủ động cập nhật thường xuyên những thành tựu khoa học vào việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học;

– Chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo; chủ trì hoặc tham gia thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; định hướng nghiên cứu khoa học cho khoa, nhóm chuyên môn;

– Chủ trì hoặc tham gia đánh giá các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức và trình bày báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Chủ trì hoặc tham gia nghiệm thu và công bố các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm đóng góp vào sự phát triển của khoa và chuyên ngành; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học;

– Tổ chức hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học; hướng dẫn người học phương pháp học tập, nghiên cứu có hiệu quả; phát hiện năng lực sở trường của người học để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng;

– Chủ trì hoặc tham gia bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của khoa hoặc chuyên ngành;

– Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;

– Tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học công lập và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định này, có thể thấy dù làng giảng viên hạng 1, hạng 2 hay hạng 3 thì quy định trên không đặt ra yêu cầu giảng viên phải bắt buộc tham gia công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Do đó, Qúy khách cần kiểm tra lại các quy chế tổ chức, hoạt động của trường có quy định nội dung này hay không? Nếu có thì trong văn bản nào? Văn bản này có được ban hành đúng quy định không? Từ đó xác định việc tham gia coi thi có phải là nội dung bắt buộc đối với giảng viên cơ hữu trong trường hay không?

Việc gửi nhiệm vụ qua email và hoàn thành deadline như thế nào là cách thức làm việc đã được thỏa thuận giữa người lao động (giảng viên) và nhà trường. Do đó, Qúy khách xem lại hợp đồng, quy chế đã ký với Nhà trường.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về Luật giáo dục”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group