Xét về mặt bản chất, giáo dục pháp luật là quá trình hoàn thiện nhân tố xã hội – pháp lí của con người, nâng cao khả năng sáng tạo của con người trước đời sống thực tiễn. Giáo dục pháp luật là quá trình tác động của nhiều hình thức, phương tiện vào ý thức của con người, đó không phải và không thể là sự áp đặt ý chí chủ quan duy ý chí tới quá trình nhận thức khách quan của các chủ thể.
1. Khái niệm giáo dục pháp luật
Trước hết giáo dục pháp luật đó là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của nhà nước. Do đó, nhà nước cần thực hiện việc tổ chức, quản lí, đánh giá kết quả lĩnh vực hoạt động này.
Giáo dục pháp luật phải đảm bảo tính kịp thời, sát thực và phù hợp cả về phương diện nội dung, hình thức và đối tượng. Tuy nhiên, dưới góc độ tổng quan cần gắn việc giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong các thiết chế chính trị xã hội với giáo dục ở ngoài cộng đồng xã hội và gia đình. Ket nối việc phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục truyền thống lịch sử và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, cần gắn giáo dục pháp luật với quá trình thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của từng vùng, miền địa phương và an sinh xã hội.
Tóm lại, giáo dục pháp luật là quá trình tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người trình độ pháp lí nhất định để từ đó có ý thức đúng đẳn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.
2. Mục đích của giáo dục pháp luật
Mục đích của giáo dục pháp luật được xem xét trên nhiều góc độ tùy thuộc vào đối tượng giáo dục, cấp độ giáo dục cũng như hình thức giáo dục. Nhìn chung, mục đích giáo dục có thể mang tính lâu dài hoặc trước mắt nhưng đều hướng tới ba vấn đề cơ bản:
Một là giáo dục pháp luật nhằm nâng cao khả năng nhận thức pháp lí, sự hiểu biết pháp luật, hình thành tri thức pháp luật cần thiết cho các chủ thể (với tính cách là đối tượng nhận thức hay là đối tượng của giáo dục). Đây là mục đích hàng đầu của giáo dục pháp luật bởi lẽ sự hiểu biết pháp luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển của tư duy pháp lí, định hướng các hành vi của chủ the trên thực tế.
Tri thức pháp luật tạo nên cơ sở khẳng định lòng tin vào các giá trị của pháp luật, các chuẩn mực pháp lí cần thiết giúp cho các chủ thể chủ động xác lập hành vi và chịu trách nhiệm về hành vi. Tri thức pháp luật không thể là sự hiểu biết đơn giản, phiến diện về một số khía cạnh pháp luật nào đó mà nó mang tính hệ thống, logíc. Do đó, giáo dục pháp luật là hoạt động có vai trò quan trọng đối với quá trình mở rộng khối lượng tri thức pháp lí, nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật một cách toàn diện, thống nhất đối với chủ thể.
Hai là giáo dục pháp luật nhằm khơi dậy tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn đối với pháp luật. Để hình thành lòng tin và đem lại thái độ đúng đắn, tích cực đối với pháp luật ở mỗi người cần phải giải quyết nhiều vấn đề có liên quan, trong đó giáo dục pháp luật là hoạt động cơ bản. Chúng ta biết rằng lòng tin vào pháp luật là lòng tin vào công lí, lẽ công bằng được tạo lập bởi chính pháp luật. Lòng tin chỉ có giá trị đích thực khi nó đem lại thái độ chủ động trong xử sự phù hợp với pháp luật và được hình thành trên tri thóc pháp luật cần thiết (nếu không sẽ là niềm tin mù quáng, phản tác dụng). Giáo dục pháp luật không đơn thuần là chỉ để hiểu biết về các quy định của pháp luật mà cao hơn nữa là để pháp luật được “sống” trong tư duy, hành vi của mọi người, để khơi dậy tình cảm, lòng tin và thái độ đúng đắn ở mỗi người đối với pháp luật. Cần giáo dục tình cảm công bằng, khoan dung, ý thức trách nhiệm, thái độ không khoan nhượng trước các hành vi vi phạm pháp luật và thái độ tôn trọng pháp luật, pháp chế.
Ba là giáo dục pháp luật nhằm hình thành thói quen xử sự theo pháp luật với động cơ tích cực. Tri thức pháp luật không thể là những nội dung lí luận thuần tuý mà nó phải được hiện thực hoá thông qua các hoạt động pháp lí thực tiễn. Mục đích của giáo dục pháp luật không chỉ cung cấp những kiến thức lí luận hoặc các quy định pháp luật cụ thể mà quan trọng hơn là tạo lập được thói quen xử sự theo pháp luật ở mỗi loại chủ thể trong xã hội. Thói quen này được hình thành không phải là thụ động, vô thức mà dựa trên nền tảng của động cơ về hành vi hợp pháp, tích cực. Trên thực tế, để có thói quen xử sự hợp pháp không những đòi hỏi con người phải thu nạp lượng kiến thức pháp lí cần thiết mà còn trải qua quá trình chuyển hoá chủ quan về mặt tâm lí.
3. Nội dung của giáo dục pháp luật
Để hoạt động giáo dục pháp luật được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả cần xác định nội dung cơ bản, phù hợp với đối tượng giáo dục, loại hình và cấp độ giáo dục. Theo nguyên lí chung thì nội dung và mục đích của giáo dục có quan hệ hữu cơ với nhau, vì vậy giáo dục pháp luật phải nhằm định hướng cả về tri thức, tình cảm và hành vi cho đối tượng giáo dục. Nhìn chung, nội dung của giáo dục pháp luật tương đối rộng, mang tính đặc thù riêng cho từng chương trình đào tạo. Chẳng hạn, kiến thức lí luận về pháp luật, các quy định pháp luật hiện hành, các thông tin về thực hiện, bảo vệ pháp luật, các số liệu về xã hội học pháp luật, giáo dục mô thức hành vi pháp luật… Các nội dung cơ bản này lại được thể hiện phù hợp với kết cấu của mỗi chương trình giảng dạy khác nhau, theo yêu cầu cụ thể khác nhau. Hiện nay, nội dung của phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta được xác định gồm:
– Quy định của Hiến pháp và vãn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức…; các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
– Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thoả thuận quốc tế.
– Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.
4. Hình thức của giáo dục pháp luật
Hình thức giáo dục pháp luật là cách thức mà nhà nước sử dụng để tác động vào ý thức và tâm lí của các chủ thể. Do nội dung giáo dục, đối tượng giáo dục khác nhau nên cần đa dạng hoá các hình thức giáo dục, phương pháp giáo dục mới có hiệu quả. Việc sử dụng một hình thức giáo dục pháp luật nào cho phù hợp và có hiệu quả trên thực tế tùy thuộc vào từng đối tượng và yêu cầu mục đích đặt ra. Hơn nữa, việc lồng ghép các hình thức giáo dục pháp luật khác nhau cho cùng một đối tượng, chương trình cũng hết sức cần thiết. Mặt khác, việc xã hội hoá các hình thức giáo dục pháp luật nhằm thúc đẩy, kích hoạt ý thức và khả năng tham gia của nhiều loại chủ thể đối với việc từng bước đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Trên thực tế, chúng ta không nên coi trọng hoặc xem nhẹ một hình thức nào đó của hoạt động giáo dục pháp luật. Hiện nay, theo quy định của pháp luật các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta bao gồm:
– Họp báo, thông cáo báo chí.
– Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.
– Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.
– Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.
– Thông qua công tác xét xử, xử lí vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lí, hoà giải ở cơ sở.
– Lồng ghép trong hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hoá khác ở cơ sở.
– Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
– Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.
Việc lựa chọn phương pháp giáo dục pháp luật thích hợp có tầm quan trọng đặc biệt. Rõ ràng là không thể áp dụng các phương pháp như nhau cho các loại đối tượng giáo dục, cấp độ giáo dục hoàn toàn khác nhau được. Tuy nhiên, cần nhận thấy là hoạt động giáo dục pháp luật có thể mang tính bắt buộc hoặc không bắt buộc. Vì thế tính chất của các phương pháp giáo dục cũng cần phải được nghiên cứu cho phù hợp các đối tượng mới đem lại hiệu quả.
Thực tế ở nước ta, trong thời gian gần đây giáo dục pháp luật đã được quan tâm, nhất là giáo dục pháp luật trong nhà trường ở các bậc học. Cơ sở pháp lí và hoạt động quản lí nhà nước về giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng ngày càng hoàn thiện hơn.
Tóm lại, giáo dục pháp luật là quá trình hoạt động đòi hỏi có tính kế thừa và đi từ thấp tới cao. cần tổng kết, đánh giá kết quả thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nhận thức một cách thấu đáo cho việc thực hiện đạt hiệu quả trên thực tế.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)