Vụ việc là như thế này: ngày 25-12-2018 ngày Noel ba tôi nhận lời của 1 người bạn đi đến nhà dự lễ noel, nhậu nhẹt từ sáng đến tối xong về nhà và về thấy bạn nhậu gọi đi tiếp, lúc này ba tôi đi đến quán dê 5 phát đó, vô quán tìm bạn hoài mà ko thấy, rồi vô tình gặp bị hại rất nhỏ tuổi vẫy tay ba tôi, trong lúc say ba tưởng người này nhỏ gặp người lớn mà vẫy tay đểu, ( ba tôi là người bán bánh mì còn người vẫy tay là người mua bánh mì). Ba tôi thấy vậy đi đến bàn cầm cái ly định đập, mà bạn ngồi kế bên người đó trận lại và can ra rồi nói ba tôi ko có số đụng vô (là khích đánh), rồi ba tôi nói tụi mày ngồi đó chờ tao xíu. Ba tôi đi ra và gọi B là bạn nhậu lúc đó đến đánh 3 thằng này giùm tao, rồi B dẫn xe ra rồi nghe ba tôi nói có 3 thằng sợ đánh không lại nên cầm theo con dao có mũi nhọn dài 40cm (dao ở nhà để chặt dừa, vì nhà bán dừa) B vừa chạy đến quán hỏi ba tôi ai vậy thì ba tôi thấy trên xe có cây dao vậy liền lấy cây dao lên chém 3 người đó.

Chém người thứ 1 là người can ngăn nói ba tôi không có số để đánh (chém 1 nhát từ trên lưng xuống xong bị đâm 1 nhát lủng bụng nữa tỷ lệ thương tật là 38% ). Còn người thứ 2 là người vẫy tay đểu (bị đâm 2 nhát và bị đứt gân 2 ngón tay tỷ lệ thương tật 69 % ). Người thứ 3 thì ba tôi không chém vì ko có hấn thù. Còn bạn nhậu B chỉ đứng ở ngoài căn ngăn mà ko được. Xong gia đình tôi với gia đình B cũng bồi thường 2 bị hại rất sớm và họ cũng nhận tiền và làm giấy xin giảm nhẹ hình phạt …

Vậy mà ngày hôm qua 12-11-2020 xử ba tôi tội giết người tuyên 16 năm và b 7 năm !!! Như vậy hỏi Luật sư của LVN Group LVN Group gia đình tôi phải làm sao để được giảm nhẹ án lại, có phải cần thuê đội ngũ Luật Sư LVN Group ko, nếu được thì giá cả sao …!!!

( Mong Đại Diện Luật Sư Giải Đáp Thắc Mắc Này Sớm )

Luật sư tư vấn:

Kính thưa quý khách hàng! Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

Trong trường hợp của Qúy khách hàng, qua các thông tin Qúy khách cung cấp. A là ba Qúy khách bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điểu 123 quy định như sau:

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Khoản 1 là khoản có mức hình phạt nặng nhất trong Điều luật này. Để xác định Ba của Qúy khách có đủ dấu hiệu cấu thành tội giết người hay không, cần xác định rất rõ các yếu tố như:

– Mục đích của ba Qúy khách là gì? Ngay từ khi hình thành ý định đánh những người bị hại thì ba của Qúy khách có mục đích tước đoạt đi sinh mạng của những người bị hại không? Điều này chủ yếu dựa trên lời khai của ba Qúy khách tại cơ quan điều tra.

– Nhân chứng chứng kiến vụ việc có lời khai như thế nào?

– Phương tiện, dụng cụ phạm tội.

– Lỗi của ba Qúy khách trong trường hợp này.

Đây là những yếu tố có thể xem xét để xác định hành vi của ba Qúy khách có cấu thành tội giết người không? Tuy nhiên, để đi phân tích cụ thể và sâu sắc hơn thì cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án. Vì vậy, chỉ dựa trên các thông tin khái quát mà Qúy khách cung cấp, Luật LVN Group chưa thể khẳng định được hành vi của ba Qúy khách phạm tội giết người hay một tội khác.

Tuy nhiên, trong vụ án này có một vấn đề chúng ta cần làm rõ đó là: Chưa có hậu quả chết người xảy ra, như vậy đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa? Hay chỉ là tội cố ý gây thương tích. Theo thông tin Qúy khách cung cấp: “Hậu quả thực tế xảy ra là chém người thứ nhất: chém 1 nhát từ trên lưng xuống xong bị đâm 1 nhát lủng bụng nữa tỷ lệ thương tật là 38%. Người thứ 2 là người vẫy tay đểu (bị đâm 2 nhát và bị đứt gân 2 ngón tay tỷ lệ thương tật 69 %. Người thứ 3, ba Qúy khách không chém vì không có hằn thù.

Trong khoa học pháp lý hình sự, tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) được xác định là tội phạm có cấu thành vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc để định tội danh này thì bắt buộc cần có hậu quả “chết người” xảy ra trên thực tế.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong nhiều trường hợp khi người phạm tội thực hiện hành vi như cầm súng hung khí nguy hiểm (dao, mã tấu) đâm vào bộ phận trọng yếu của người khác (ngực, tim, vùng đầu..) thì dù cho người bị đâm không chết thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người. Vậy lý do vì sao lại có thể định tội như vậy dù Giết người là tội phạm có cấu thành vật chất như đã được đề cập ở trên?

Vấn đề này được xuất phát từ việc định tội khác nhau dựa trên hình thức lỗi khác nhau. Tội giết người được thực hiện chắc chắn với lỗi cố ý. Tuy nhiên, đối với hình thức lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội thấy rõ được hậu quả chết người tất yếu sẽ xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra), thì hậu quả chết người không còn là dấu hiệu để định tội mà nó chỉ mang ý nghĩa xác định thời điểm tội phạm hoàn thành.

Đối với trường hợp lỗi cố ý trực tiếp như vậy, nếu người bị hại chết thì tội phạm đã hoàn thành, còn nếu người bị hại chưa chết thì được xem là giết người chưa đạt.

Ngược lại, đối với trường hợp tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp (không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra) thì hậu quả giết người mới là dấu hiệu định tội (phản ảnh đúng bản chất của cấu thành vật chất). Theo đó, trường hợp nạn nhân chết thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người. Trường hợp nạn nhân không chết mà chỉ bị thương thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tôi cố ý gây thương tích (nếu thỏa mãn dấu hiệu tại Điều 134 Bộ luật hình sự).

Như vậy, khi định tội giết người, cần hết sức lưu ý về việc người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội dưới hình thức lỗi nào. Vì vậy, trong trường hợp của Ba Qúy khách yếu tố lỗi rất quan trọng. Điều này, sẽ được thể hiện qua các lời khai của ba Qúy khách, lời khai của B và lời khai của những người làm chứng và các chứng cứ khác để xác định yếu tố lỗi trong trường hợp này là gì?

Nếu điều này chưa rõ ràng, hồ sơ vụ án chưa thể hiện đầy đủ mà đã truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Ba của Qúy khách có thể làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Đơn kháng cáo có thể theo hai hướng: giảm nhẹ hình phạt hoặc chuyển sang tội danh khách nếu đủ căn cứ.

Theo Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những người có quyền kháng cáo bao gồm:

Điều 331. Người có quyền kháng cáo

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.”

Như vậy, ba của bạn có thể gửi đơn kháng cáo đến Tòa án sơ thẩm hoặc gửi trực tiếp đến Tòa phúc thẩm để thực hiện quyền kháng cáo.

Về thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:

Điều 333. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

3. Ngày kháng cáo được xác định như sau:

a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;

b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;

c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.”

Về thủ tục kháng cáo: theo quy định tại Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự thì:

Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.

Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi, việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật – Công ty Luật TNHH LVN Group