Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Đất đai của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Đất đai, gọi:  1900.0191

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

Luật đất đai số 45/2013/QH13 ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Nghị định 43/2014/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013;

Nghị định 01/2017/NĐ-CP ban hành ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai;

Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ban hành ngày 05 tháng 05 năm 2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13  về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án;

Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 02 tháng 06 năm 2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;

Thông tư 34/2014/TT-BTNMT ban hành ngày 30 tháng 06 năm 2014 quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai;

NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Hậu quả pháp lý khi không hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở:

Chào Công ty Luật LVN Group, tôi là Hoàng Anh Vỹ. Tôi muốn gửi câu hỏi đến công ty như sau: Gia đình tôi có một mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu đang được sử dụng để ở và một phần để làm vườn cây ăn trái. Trong quá trình sử dụng, gia đình tôi có cho một người bạn mượn để sử dụng một phần đất đó để ở. Nhưng giờ đây, họ đã có những hành vi thể hiện sự chiếm hữu và không muốn trả đất lại cho gia đình. Gia đình tôi có làm đơn khởi kiện ra tòa án nhưng đến hiện tại tôi mới hỏi một số nguồn tin là phải ra Ủy ban nhân dân xã để hòa giải trước. Tuy nhiên, tôi đã gửi hồ sơ ra tòa án đã rất lâu rồi, lúc gửi các cán bộ tiếp nhận không nói gì về việc là hồ sơ của tôi thiếu hay đủ mà tiếp nhận và yêu cầu tôi đi nộp án phí. Nên tôi nghĩ vậy là đủ rồi. Xin hỏi nếu hòa giải là một việc bắt buộc thì khi tòa án giải quyết và phát hiện việc này thì chuyện gì sẽ xảy ra? Và có buộc phải quay về Ủy ban để giải quyết lại không? Mong công ty có thể phản hồi sớm yêu cầu này của chúng tôi, cảm ơn công ty LVN Group.

1.1 Tranh chấp ai là người sử dụng đất?

 Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ban hành ngày 05 tháng 05 năm 2017 quy định như sau:

2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Như vậy theo quy định trên đối với quan hệ pháp luật tranh chấp đất đai có nhiều loại khác nhau bao gồm: Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất; tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp về tài sản chung là quyền sử dụng đất; tranh chấp về xâm phạm quyền sử dụng đất. Tuy nhiên không phải tất cả các tranh chấp nêu trên đều phải hòa giải tại cơ sở mà chỉ có tranh chấp ai là người có quyền sử đụng đất phải thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã và được coi là một trong những điều kiện không thể thiếu trước khi nguyên đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân.

1.2 Tạm đình chỉ giải quyết:

Theo như phân tích như ở trên xác định nếu tranh chấp của gia đình bạn là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì gia đình bạn đang thực hiện thiếu thủ tục hòa giải tại cơ sở trước khi gửi đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Căn cứ vào quy định tại điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 214. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; ….
Như vậy, để giải quyết được tranh chấp đất đai nêu trên theo quy định phải do Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết trước qua thủ tục hòa giải sau đó vụ án dân sự này mới tiếp đó được giải quyết tại tòa án nhân dân thuộc trường hợp nêu tại điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên tòa án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. (nếu đương sự không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ của tòa án có thể kháng cáo)
Đối với vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết, tòa án không xóa tên của vụ án bị tạm đình chỉ, mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý vụ án về ngày tháng năm ra quyết định tạm đình chỉ. Thẩm phán được phần công vẫn có trách nhiệm đối với vụ án bị tạm đình chỉ. Thẩm phán được phân công sẽ có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc cá nhân khắc phục lý do khiến vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết một cách nhanh nhất. Nếu lý do dẫn đến tạm đình chỉ vụ án được giải quyết thì trong thời hạn 3 ngày tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Nếu được giải quyết theo hướng này thì khá có lợi cho người nộp đơn vì sẽ không phải thực hiện thủ tục lại tự đầu và mất thêm một khoảng thời gian chờ đợi như trước nữa. Lúc này trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết nguyên đơn chỉ cần nộp đơn yêu cầu về Ủy ban nhân dân xã chờ giải quyết, sau khi có biên bản hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã, nguyên đơn nộp về tòa, vụ án sẽ tiếp tục được giải quyết. 

1.3 Đình chỉ giải quyết:

Cũng là trường hợp trên nhưng vụ việc có thể được giải quyết theo một hướng hoàn toàn khác, căn cứ vào Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 192. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện
1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; ………
e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật……..
Như vậy, khi mà nguyên đơn gửi đơn ra tòa án cũng chưa có trong tay biên bản hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã là đang thiếu một trong những điều kiện để khởi kiện ra tòa và dẫn chiếu theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 vụ án này sẽ bị đình chỉ giải quyết. Vụ án bị đình chỉ phải gửi đơn khởi kiện lại từ đầu, nguyên đơn sẽ phải làm những bước như mình đã từng làm tức là mất thêm một khoảng thời gian chờ đợi.
Chúng ta có thể thấy rằng trong cùng một vấn đề nhưng có hai nội dung cùng điều chỉnh nên việc áp dụng quy định sẽ gặp khó khăn và sẽ mang quan điểm của người xét xử vì việc áp dụng một trong hai thì đây vẫn được coi là việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.

2. Kiện đòi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Chào công ty, cho tôi hỏi, tôi bị bạn mình lừa và lấy mất cuốn sổ đỏ của tôi, xin hỏi bây giờ tôi có kiện ra tòa án để đòi lại được không? Tôi cảm ơn.

Theo nội dung của Công văn số 141/TANDTC-KHXX ban hành ngày 21 tháng 09 năm 2011 V/v thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.

Trường hợp người khởi kiện chỉ đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ bao gồm cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; … thì Tòa án giải quyết như sau:
+ Trường hợp chưa thụ lý vụ án: Tòa án trả lại đơn kiện cho người khởi kiện (Trong văn bản trả lại đơn khởi kiện, Tòa án phải ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện là yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.)
+ Trường hợp đã thụ lý vụ án:  Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý; trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự; quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự.
=> Khi trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên, Tòa án phải hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp giấy tờ nêu trên phải trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với loại giấy tờ đó. Trong trường hợp giấy tờ bị mất thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với loại giấy tờ nêu trên có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp lại giấy tờ bị mất theo quy định của pháp luật . Bên có lỗi trong việc làm mất giấy tờ phải chịu toàn bộ chi phí, lệ phí trong việc cấp lại giấy tờ mới.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai – Công ty luật LVN Group